Lãi suất liên ngân hàng “bật mạnh”: Chỉ là yếu tố thời vụ
NHNN đã bơm ròng 24.000 tỷ đồng nhưng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng “bật mạnh” do nhu cầu dịp Tết nguyên đán. Đây chỉ là yếu tố thời vụ, theo Công ty CP chứng khoán SSI.
Lãi suất tiền đồng bình quân trên thị trường liên ngân hàng tuần đầu tháng 2 tăng mạnh từ 1 – 2,2%/năm cũng như doanh số tăng 50% ở một số kỳ hạn.
Cụ thể, lãi suất bình quân tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng ngày 8.2 kỳ hạn qua đêm tăng 2,2%/năm so với đầu tháng, lên 2,86%/năm; 1 tuần tăng 1,64%/năm, lên 2,3%/năm; 2 tuần tăng 0,87%/năm, lên 2,27%/năm; 1 tháng tăng 1,05%/năm, lên 2,39%/năm; 3 tháng tăng 0,84%/năm, lên 2,21%/năm … Đây là tuần đầu tiên lãi suất tiền đồng tăng vọt sau nhiều tháng ở mức gần 0%. Lãi suất tiền đồng tăng trong khi USD vẫn ở mức thấp đã đẩy chênh lệch lên 1 – 2,2%/năm tuỳ theo kỳ hạn. Các ngân hàng giao dịch USD trên thị trường liên ngân hàng giao động từ 0,13 – 1,15%/năm.
Lãi suất tiền đồng tăng trong khi USD vẫn ở mức thấp đã đẩy chênh lệch lên 1 – 2,2%/năm
tuỳ theo kỳ hạn
Doanh số giao dịch trên thị trường cũng nhảy vọt, tăng 50% ở kỳ hạn qua đêm, lên 122.391 tỉ đồng, 2 tuần lên 5.025 tỉ đồng. Theo báo cáo tuần của NHNN từ ngày 1 – 5.2, doanh số giao dịch tiền đồng mỗi ngày tăng 2.321 tỉ đồng so với tuần trước đó, bình quân 110.607 tỉ đồng/ngày, đạt xấp xỉ 553.034 tỉ đồng trong tuần.
Trong khi đó, doanh số giao dịch bằng USD quy đổi ra VND trong tuần đạt khoảng 148.584 tỉ đồng, bình quân 29.717 tỉ đồng/ngày, giảm 1.924 tỉ đồng/ngày so với tuần trước đó. Các giao dịch VND chủ yếu tập trung vào kỳ hạn qua đêm (82% tổng doanh số giao dịch) và kỳ hạn 01 tuần (5% tổng doanh số giao dịch). Đối với giao dịch USD, các kỳ hạn có doanh số lớn nhất là kỳ hạn qua đêm và 01 tuần với tỷ trọng lần lượt là 73% và 6%.
Tờ Thanh nhiên trích dẫn đánh giá của Công ty CP chứng khoán SSI: Lãi suất “bật” mạnh khi nhu cầu tiền mặt tăng vào những ngày sát Tết Nguyên đán, nhu cầu thanh khoản của các ngân hàng thương mại gia tăng. Sau gần 7 tháng không phát sinh giao dịch, NHNN đã bơm ròng 24.100 tỉ đồng thông qua mua kỳ hạn 7 và 14 ngày, lãi suất 2,5%/năm trên thị trường mở.
Theo đánh giá của SSI, lãi suất tăng chỉ là yếu tố mang tính chất thời vụ, lãi suất trên liên ngân hàng sẽ nhanh chóng hạ nhiệt khi tiền mặt ngoài lưu thông trở lại hệ thống ngân hàng sau Tết. Lãi suất tiền gửi và cho vay không thay đổi trong tuần qua và dự kiến sẽ tiếp tục ổn định trong quý 1 khi sức cầu nền kinh tế vẫn khá yếu và dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp.
Thị trường trái phiếu cũng chịu ảnh hưởng bởi diễn biến tăng của lãi suất trên liên ngân hàng. Tuy nhiên, trong tháng 2 dự kiến có khoảng 21.3 ngàn tỷ đồng TPCP đáo hạn (gấp 3 lần lượng đáo hạn trong tháng 1/2021) nên cầu đầu tư TPCP cũng sẽ khá lớn, thanh khoản trên liên ngân hàng sau Tết sẽ dồi dào trở lại. Bởi vậy, lãi suất TPCP dự kiến vẫn giữ xu hướng đi ngang trong ngắn hạn.
Lãi suất huy động của một số ngân hàng trên thị trường hạ nhiệt ngay từ đầu năm. Cụ thể, Vietcombank giảm thêm 0,1 % tại tất cả kỳ hạn.
Ngoài "ông lớn" Vietcombank, lãi suất huy động tại chục ngân hàng thương mại cổ phần hạ lãi suất từ 0,1 - 0,4% so với cuối 2020.
Cụ thể, Techcombank, ACB giảm 0,1% ở một vài kỳ hạn, VietABank giảm từ 0,1 - 0,2 %. Sacombank giảm 0,3-0,4 % tại hầu hết kỳ hạn.
Một số ngân hàng khác như SHB, ABBank, BacABank, Oceanbank, PVCombank cũng giảm lãi suất ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở đi.
Trong số các ngân hàng trên thị trường được khảo sát, mức lãi suất tiết kiệm cao nhất là 8,4%/năm tại Eximbank. Điều kiện áp dụng là dành cho các khách hàng có số tiền gửi từ 500 tỉ đồng trở lên tại kỳ hạn 13 và 24 tháng.
Theo sau đó là ABBANK niêm yết mức lãi suất cao nhất là 8,3%/năm ở kỳ hạn 13 tháng. OCB niêm yết lãi suất cao nhất là 8,2% cho kỳ hạn 13 tháng, số tiền gửi tối thiểu là 500 tỷ đồng.
Mức lãi suất ngân hàng cao nhất ở kì hạn 6 tháng hiện nay là BacABank và VietCapitalBank với mức lãi suất là 6% và lĩnh lãi cuối kì.
Ở kỳ hạn 3 tháng, VIB đang niêm yết lãi suất cao nhất hệ thống ngân hàng với mức lãi suất 4%/năm.
Lãi suất cao nhất kì hạn 1 tháng là 4% thuộc về VIB.
Vào thời điểm cuối tháng 1/2021, tờ Lao động trích dẫn dự báo của chuyên gia Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC): Thanh khoản hệ thống ngân hàng trong năm 2021 sẽ khó có khả năng dư thừa hơn năm 2020. Do đó, lãi suất liên ngân hàng có thể sẽ có sự hồi phục nhưng vẫn sẽ tiếp tục duy trì ở mặt bằng thấp.
Các chuyên gia Công ty Chứng khoán SSI thời điểm đó cho rằng: Thanh khoản các ngân hàng thương mại vẫn dư thừa, lãi suất tiền gửi, lãi suất liên ngân hàng sẽ giữ ổn định ở vùng hiện tại và lãi suất cho vay được kỳ vọng có thể giảm nhẹ đối với các lĩnh vực ưu tiên trong quý I/2021
Chuyên gia của KBSV dự báo mặt bằng lãi suất có thể sẽ chạm đáy vào nửa đầu năm 2021, khi NHNN hạ lãi suất điều hành thêm 1 lần nữa và tăng nhẹ trở lại trong nửa cuối do 3 nguyên nhân.
Thứ nhất là kênh bơm thanh khoản tiền đồng vào thị trường bị giới hạn do công cụ mua ngoại tệ bị hạn chế và có thể đẩy mặt bằng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tăng.
Thứ hai là tốc độ tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng cuối năm thường sẽ hồi phục nhanh.
Thứ ba là lộ trình siết tỉ lệ huy động ngắn cho vay trung và dài hạn có hiệu lực vào tháng 10.2021 sẽ đẩy mạnh mức độ cạnh tranh về tiền gửi và làm đảo chiều xu hướng lãi suất tiền gửi đang giảm.
Minh Hoa