Lãi vay cao ‘ghì’ lợi nhuận doanh nghiệp thuỷ sản

Lạc Lạc 11:04 | 03/08/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Kết quả kinh doanh giảm tốc trong bối cảnh nhu cầu thế giới đi xuống, các đơn vị hoạt động trong nông nghiệp nói chung và thuỷ sản nói riêng phải đối diện với tình trạng thiếu đơn hàng, tồn kho tăng cao. Thêm vào đó là chi phí lãi vay cao đè nặng lợi nhuận.

Theo số liệu từ Tổng cục thống kê, tính chung 7 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 29,13 tỷ USD, giảm 9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị xuất khẩu nhóm thủy sản đạt 4,95 tỷ USD, giảm 25,4%. 

Trong bối cảnh nhu cầu thế giới đi xuống, doanh nghiệp thủy sản còn chịu sự cạnh tranh từ những đối thủ xuất khẩu mặt hàng thủy sản với chi phí thấp và giá bán rẻ hơn như Ecuador, Ấn Độ... Hệ quả là lượng hàng tồn kho tăng, trong khi khâu bảo quản, logistics của phần lớn đơn vị trong ngành vẫn còn hạn chế. 

Đáng lo ngại, suy thoái kinh tế khiến USD mất giá và giá cả hàng hóa của Việt Nam cũng trở nên đắt đỏ hơn, nên các nhà nhập khẩu dùng chiêu ép giá. Để bán được sản phẩm, doanh nghiệp không còn cách nào khác phải giảm giá.

Thêm vào đó, chi phí tài chính với chủ yếu là lãi vay tăng cao càng góp phần khiến lợi nhuận sa sút trong nửa đầu năm, có đơn vị giảm tới hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Tại CTCP Vĩnh Hoàn (mã: VHC) - một trong những doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn tại Việt Nam với 15,4% về giá trị và 10,31% về sản lượng xuất khẩu toàn ngành cá tra (năm 2022), lợi nhuận 6 tháng đã giảm khoảng một nửa. 

Cụ thể, theo báo cáo tài chính quý II, Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu 2.724 tỷ đồng, giảm 35,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Khấu trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế của Vĩnh Hoàn đạt 430 tỷ đồng, giảm 46% so với mức 801 tỷ đồng ghi nhận cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, Vĩnh Hoàn mang về 4.945 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 34% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu hầu hết các mảng của “nữ hoàng cá tra” đều giảm, trong đó mảng bán thành phẩm giảm mạnh nhất với 39%, từ 5.455 tỷ đồng xuống còn 3.341 tỷ đồng. Doanh thu giảm, kết hợp với lãi vay tăng càng ghì nặng lợi nhuận.

Trong kỳ, doanh nghiệp có nợ vay 2.810 tỷ đồng, tăng 18% so với đầu năm. Chủ nợ của Vĩnh Hoàn chủ yếu là ngân hàng với 1.037 tỷ từ Vietcombank - Chi nhánh TP HCM, 854 tỷ từ HSBC Việt Nam, gần 600 tỷ từ ngân hàng ANZ Việt Nam. Trong đó, khoản vay dài hạn 175 tỷ được Vĩnh Hoàn dùng để tăng công suất và xây dựng mới các nhà máy trong Tập đoàn, được đảm bảo bằng các máy móc thiết bị. 

Luỹ kế 6 tháng, chi phí tài chính giảm nhẹ xuống còn 140 tỷ do hoàn nhập giảm giá chứng khoán kinh doanh 19 tỷ. Tuy vậy, lãi vay và lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái đều tăng mạnh 102% và 56% lên 80 tỷ và 79 tỷ. Do đó, lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm đạt 655 tỷ đồng, giảm 51% so với cùng kỳ năm 2022.

 

Cũng trong bối cảnh lãi suất cao, số nợ vay hơn 10.000 tỷ đồng khiến CTCP Tập đoàn Sao Mai (mã: ASM) phải chịu áp lực lãi lớn gây ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả kinh doanh.

Trong quý II, Sao Mai đạt doanh thu thuần 3.256 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù giá vốn hàng bán giảm nhưng lợi nhuận gộp của Sao Mai vẫn thấp hơn 39% svck, xuống còn 387 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đi lùi 70% so với quý II/2022, đạt 106 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu của Sao Mai đạt 6.321 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Các mảng kinh doanh chủ lực đều ghi nhận sụt giảm. Điểm sáng duy nhất là doanh thu điện năng lượng mặt trời tăng trưởng với 32% lên 405 tỷ đồng. 

Đáng chú ý, khoản nợ phải trả tính đến hết quý II lên tới hơn 11.500 tỷ, chủ yếu là nợ vay với hơn 10.000 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay ngắn hạn gần 5.900 tỷ đồng, nợ dài hạn hơn 4.200 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2023, tập đoàn này phải trả hơn 400 tỷ đồng tiền lãi, tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2022.

Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2023 của Sao Mai đạt 192 tỷ đồng, giảm 71% so với nửa đầu năm 2022 và chỉ hoàn thành 35% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra cả năm.

 

Cũng phải chịu gánh nặng chi phí cùng doanh thu giảm đã khiến CTCP Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia - IDI (mã: IDI) có kết quả kinh doanh kém lạc quan trong nửa đầu năm 2023. Theo đó, trong nửa đầu năm 2023, IDI mới thực hiện được 44% mục tiêu doanh thu với 8.133 tỷ đồng và 24% mục tiêu lãi sau thuế với 186 tỷ đồng, 2 chỉ tiêu giảm lần lượt 16% và 90% so với cùng kỳ 2022. 

Doanh thu hoạt động tài chính 70 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ. Trong khi đó, chi phí tài chính hơn 203 tỷ đồng, tăng 42%. IDI cho biết “chi phí tài chính tăng do lãi suất cho vay tại các tổ chức tín dụng tăng cao so với cùng kỳ (186 tỷ đồng, tăng 74%)".

Cùng trong những khó khăn của ngành thuỷ sản, những tháng vừa qua, các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng tôm còn gặp thêm “nút thắt 2 đầu” khi phải mua giống với giá cao, thậm chí thấp hơn nhiều so với các nước cùng kinh doanh khiến lợi thế cạnh tranh bị giảm sút. Giá thành tôm nguyên liệu của Việt Nam hiện khoảng 170.000 đồng/kg (loại 40 con/kg), trong khi của Ấn Độ và Ecuador chỉ khoảng 110.000 đồng/kg. Trước những khó khăn về thị trường, doanh nghiệp cũng gặp khó khăn về vốn vay và lãi suất cao nên không dám mạo hiểm nhập hàng dự trữ.  

Tại “vua tôm” CTCP Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú (mã: MPC), doanh thu 6 tháng đạt 4.472 tỷ đồng, giảm 48% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận trước thuế ghi nhận âm 33,9 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước lãi 274 tỷ đồng).

Một trong những tác nhân khiến Minh Phú báo lỗ trước thuế trong lũy kế 6 tháng đầu năm là chi phí tài chính với chủ yếu là lãi vay tăng cao. Trong nửa đầu năm, khoản vay và thuê nợ tài chính cả ngắn hạn và dài hạn giảm không đáng kể so với đầu năm, xuống 3.870 tỷ đồng. Luỹ kế nửa đầu năm, Minh Phú phải chi phí 63 tỷ đồng cho chi phí lãi vay và 33 tỷ đồng cho chênh lệch tỷ giá. 

Tại CTCP Thực phẩm Sao Ta (mã: FMC), doanh thu luỹ kế 6 tháng đầu năm 2023 đạt hơn 2.041 tỷ đồng, giảm 26% so với 6 tháng đầu năm trước. Lợi nhuận sau thuế giảm 22% xuống 125 tỷ đồng.

Bên cạnh nguyên nhân giá bán tôm giảm, phần chi phí lãi vay lên tới 9,3 tỷ, (tăng 2,8 tỷ so với cùng kỳ năm ngoái) cũng là một trong những tác động khiến lợi nhuận doanh nghiệp đi xuống. 

Gói tín dụng 15.000 tỷ sẽ gỡ khó phần nào?

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành văn bản 5631/NHNN-TD, hướng dẫn ngân hàng thương mại triển khai Chương trình tín dụng với gói 15.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản.

Đối tượng vay vốn là khách hàng có dự án/phương án phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh lĩnh vực lâm sản, thủy sản. Lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam, thấp hơn tối thiểu từ 1-2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn (ngắn hạn; trung, dài hạn) của chính ngân hàng cho vay áp dụng trong từng thời kỳ. Đến nay, 12 ngân hàng thương mại đã đăng ký tham gia chương trình.

Chia sẻ với báo chí,ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) đánh giá: "Giải pháp của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ vào thời điểm này sẽ giúp ích được cho ngành hàng duy trì được chuỗi cung ứng và chúng ta sẽ có được cơ hội tốt hơn vào cuối năm nay".