Lãi vay tăng cao, lợi nhuận Masan trong quý I/2023 giảm 77%

Trang Mai 15:50 | 28/04/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ngày 28/4, CTCP Tập đoàn Masan công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023 với doanh thu gần 19.000 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên lợi nhuận sau thuế giảm mạnh 4,3 lần, xuống 439 tỷ đồng.

Về tình hình kinh doanh, trong quý I/2023, doanh thu thuần Masan đạt 18.706 tỷ đồng, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận gộp giảm nhẹ xuống 5.086 tỷ đồng. Biên lãi gộp giảm 1 điểm %, xuống 27% trong quý I. 

Ban lãnh đạo Masan cho rằng, kết quả này là khá khả quan trong bối cảnh môi trường vĩ mô đầy thách thức. Bên cạnh đó, công ty sẽ tập trung cải thiện lợi nhuận với kỳ vọng vào nửa cuối năm 2023, lĩnh vực ngân hàng sẽ "sáng sủa", lãi suất giảm, từ đó nâng cao khả năng sinh lời chung của công ty.

Chi tiết các lĩnh vực kinh doanh, The CrownX (TCX) - nền tảng bán lẻ tiêu dùng hợp nhất WinCommerce (WCM) và Masan Consumer Holdings (MCH) ghi nhận doanh thu đạt 13.300 tỷ đồng, giảm 1,1% so với cùng kỳ năm ngoái trong môi trường vĩ mô đầy thách thức và tâm lý người tiêu dùng thắt chặt. 

Trong đó, doanh thu thuần của WCM ghi nhận 7.335 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Trong quý I, WCM đã mở thêm 55 WinMart+ và 1 WinMart với tổng cộng 3.442 địa điểm trên toàn quốc cho cả siêu thị minimart và siêu thị.

Trong khi đó, thành viên thứ 2 của TCX là MCH có tăng trưởng nhẹ tăng nhẹ trên cơ sở Life For Life (LFL), không bao gồm thịt chế biến. Theo đó, do chuyển nhượng mảng thịt chế biến sang Masan MeatLife (MML) nên doanh thu thuần của MCH giảm 2,8% xuống 6.265 tỷ đồng trong quý I/2023 so với 6.448 tỷ đồng trong quý I/2022. 

Nếu loại trừ doanh thu thịt chế biến, doanh thu thuần của MCH tăng 2,6%. Mảng gia vị, chăm sóc gia đình và cá nhân (HPC) cùng cà phê ghi nhận tăng trưởng so với cùng kỳ lần lượt là 12,6%, 26,6% và 22%.

Doanh thu mảng MML tăng tới gần 72% so với cùng kỳ nhờ doanh thu cao hơn trên tất cả các phân khúc sản phẩm và việc MCH đẩy mạnh mảng kinh doanh thịt chế biến.

Cụ thể, mảng chế biến thịt đã mang lại cho MML 1.600 tỷ đồng trong quý I, tăng 72% so với 931 tỷ đồng trong quý I/2022 trên cơ sở doanh thu LFL, đặc biệt là thịt chế biến tăng 25,6%.

Thành viên thứ 3 của TCX là Phúc Long Heritage (PLH) đạt mức tăng trưởng doanh thu 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, doanh thu cửa hàng flagship ghi nhận 311 tỷ đồng, tăng 12%., tuy nhiên biên EBITDA giảm do doanh thu/cửa hàng thấp hơn. Bên cạnh đó, PLH đã đóng cửa các ki-ốt hoạt động kém hiệu quả. 

Đối với Masan High-Tech Materials (MHT) - đơn vị cung cấp vật liệu Vonfram, được sử dụng trong các ngành công nghiệp có doanh thu giảm 3,6% so với cùng kỳ. Giá đầu ra thấp ảnh hưởng tiêu cực lên sản lượng của mỏ Núi Pháo (NPMC) và hiệu ứng cơ sở từ H.C.Starck khiến khách hàng tích trữ hàng tồn kho vào đầu năm 2022 sau COVID. 

Sau thuế, Masan báo lãi 439 tỷ đồng, giảm 77% so với cùng kỳ. Theo giải trình, Masan cho biết do chi phí tài chính tăng mạnh 64% (từ 1.062 tỷ trong quý I/2022 lên 1.747 tỷ đồng quý I/2023), đồng thời doanh nghiệp đánh giá lại khoản đầu tư và Phúc Long Heritage và thu nhập tài chính trong quý I năm ngoái cao hơn. Quý I/2023 cũng là quý giảm lợi nhuận thứ 3 liên tiếp của doanh nghiệp. 

 

Tổng vay nợ và trái phiếu gần 80.000 tỷ

Về tình hình tài chính, tính đến 31/3/2023, Masan có tổng tài sản 145.784 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với đầu năm. Trong đó tiền mặt và tiền gửi các kỳ hạn gần 18.000 tỷ đồng, tăng 26%. Các chỉ tiêu khác biến động không đáng kể.

Tổng nợ phải trả của Masan đến hết quý I tăng 3,8% lên 108.677 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay, trái phiếu phát hành và nợ thuê tài chính hơn 75.677 tỷ đồng, chiếm gần 70% tổng nợ. Trong quý I/2023, Masan đã chi hơn 1.746 tỷ đồng, chiếm 88% chi phí tài chính cho lãi vay. 

Mới đây, Masan công bố đã giải ngân thành công 375 triệu USD thuộc phần bảo lãnh của khoản vay hợp vốn trị giá 650 triệu USD (tương đương hơn 15.000 tỷ đồng) được ký vào tháng 2/2023. 

Công ty đặt mục tiêu sử dụng toàn bộ khoản vay hợp vốn này bằng quyền chọn “greenshoe” đối với khoản 275 triệu USD còn lại vào cuối năm nay.

Gói tín dụng được bảo lãnh phát hành, thu hút sự tham gia của các bên cho vay chính và Quản lý sổ đăng ký đầu tư bao gồm Ngân hàng BNP Paribas, Credit Suisse, HSBC, Standard Chartered và Ngân hàng United Overseas.

Khoản vay bằng USD có lãi suất cộng thêm 3,5% với lãi suất tham chiếu SOFR, tương đương lãi suất 8,0% mỗi năm. Với thời hạn 5 năm, khoản vay hợp vốn năm 2023 sẽ giúp Masan gia tăng nguồn vốn dài hạn và củng cố thanh khoản.