Lạm phát tại Mỹ: Liệu mây mù đã tan?

Diên Vỹ 11:25 | 10/08/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
“Chúng tôi kỳ vọng lạm phát sẽ tiếp tục giảm tốc trong tương lai, nhưng một số chỉ số vẫn sẽ ở mức cao và làm phức tạp thêm các dự báo”, một nhận định về lạm phát tại Mỹ trước thềm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 được công bố.

 

Dự báo trái chiều

Thị trường nói chung, bao gồm các nhà giao dịch, nhà đầu tư và cả các nhà kinh tế đều đang tin tưởng rằng báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ sắp công bố sẽ cho thấy một viễn cảnh sáng sủa hơn, rằng CPI hàng năm tháng 7 đã hạ nhiệt so với đỉnh kỷ lục hồi tháng 6. 

Quan điểm dự báo tổng quát là CPI tháng 7 của Mỹ sẽ tăng đâu đó trong khoảng 8,7% hoặc 8,8%, từ mức cao gần 41 năm là 9,1% vào tháng 6. Những dự báo dựa trên cơ sở giá xăng dầu và giá hàng hóa hạ nhiệt trong thời gian gần đây do diễn biến chung trên thị trường quốc tế.

Các dấu hiệu về sự kỳ vọng bao trùm thị trường tài chính Mỹ rằng lạm phát đang sẵn sàng trên đà suy giảm là rất rõ ràng: chứng khoán Mỹ nhìn chung đã phục hồi từ đáy hồi giữa tháng 6, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ trung và dài hạn đã giảm từ mức đỉnh hồi tháng 6… 

Nhưng tờ MarketWatch cảnh báo rằng một con số khác có thể bị bỏ quên, và bức tranh cơ bản về lạm phát có khả năng không lạc quan như những gì thị trường đang tin tưởng. 

Theo MarketWatch, chỉ số CPI lõi của Mỹ đã tăng 5,9% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm 2021. Khảo sát thực hiện trên các nhà kinh tế cho thấy quan điểm đồng thuận rằng chỉ số này có thể tăng lên 6,1% vào tháng 7. Một chuyên gia từ Quỹ đầu tư hàng đầu thế giới BlackRock, ông Gargi Chaudhuri thậm chí cho rằng CPI lõi có thể tăng 6,2% trong tháng 7. Đồng quan điểm này, các nhà phân tích từ Goldman Sachs cảnh báo nền lạm phát ngắn hạn của Mỹ “có khả năng vẫn tiếp tục cao một cách dai dẳng”.

Sở dĩ mức tăng cao hơn của CPI lõi được đánh giá là quan trọng, vì nó phản ánh xu hướng thực sự của lạm phát trong nền kinh tế (CPI lõi không tính đến mức tăng giá các hàng hóa dễ biến động như năng lượng và thực phẩm). Một khi CPI lõi tháng 7 tăng với mức cao hơn so với tháng 6, đó sẽ là tín hiệu thổi bay những hy vọng đang nhen nhóm trên thị trường vào sự hạ nhiệt của lạm phát. 

 Ảnh: Reuters

“Triển vọng lạm phát vẫn là mối quan tâm hàng đầu với giới đầu tư”, Giám đốc Đầu tư Tony Roth và Nhà kinh tế trưởng Luke Tilley từ Wilmington Trust Investment Advisors nhận định. “Lạm phát dai dẳng đang đè nặng lên tâm lý của người tiêu dùng và doanh nghiệp, tuy nhiên dữ liệu kinh tế vẫn còn khá trái chiều. Ngoài ra, một mối quan ngại khác là chính sách tiền tệ thắt chặt của Cục Dự trữ Liên bang (FED) trong cuộc chiến chống lạm phát có nguy cơ đẩy nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái”.

“Chúng tôi kỳ vọng lạm phát sẽ tiếp tục giảm tốc trong tương lai, nhưng một số chỉ số vẫn sẽ ở mức cao và làm phức tạp thêm các dự báo”, hai vị chuyên gia nhận định thêm.

Tương tự với quan điểm thận trọng này, Phó giám đốc đầu tư Brad Conger  tại Hirtle Callaghan & Co. (quỹ đầu tư trụ sở Pennsylvania, quản lý khoảng 20 tỷ USD tài sản), cho biết ông nhận định lạm phát và mức độ sẵn sàng giải quyết lạm phát của FED đang bị đánh giá thấp. Ông Conger nhận thấy động lực tăng trưởng lạm phát đang xoay chuyển từ hàng hóa sang dịch vụ.

“Giả sử bạn đang làm việc tại một doanh nghiệp với quy mô 1.000 nhân sự. Vào tháng 5, 28 đồng nghiệp của bạn nghỉ việc và chấp nhận các lời mời mới. Chủ doanh nghiệp của bạn mặc dù vẫn tăng lương bình quân hàng năm ngang với mức tăng chung của thị trường lao động, nhưng rõ ràng 972 nhân viên ở lại như bạn biết chính xác 28 người rời đi nhận được gì ở vị trí mới. Nó dần dần trở thành kỳ vọng chế độ của họ. Đó là con đường đẩy lạm phát lên cao hơn và rất khó để loại bỏ”, ông Conger nhận định, đồng thời chỉ ra nhiều dịch vụ khác như giá thuê nhà cũng vận hành tương tự. 

Dữ liệu lạm phát sẽ tác động đến các thị trường như thế nào?

Ông Jay Hatfield, giám đốc điều hành tại Infrastructure Capital Management nhận định rằng nếu CPI tổng quát diễn biến giảm phù hợp với kỳ vọng thị trường, hoặc thậm chí giảm mạnh hơn kỳ vọng thị trường, các thị trường từ chứng khoán cho đến tiền điện tử có thể chứng kiến một đợt tăng nhẹ.

Nhưng cũng không loại trừ khả năng thị trường giao dịch "bất chấp" chỉ số CPI. Thêm vào đó, chỉ số CPI lõi tháng 7 nếu tăng nóng hơn tháng 6 cũng sẽ mang đến cho thị trường một động lực suy giảm, theo Kevin Gordon, giám đốc nghiên cứu đầu tư cấp cao tại Charles Schwab. 

“Mặc dù các quan chức FED khẳng định họ xem xét nhiều chỉ số để đánh giá lạm phát, nhưng rõ ràng CPI lõi là một trong những trọng tâm được quan tâm”, ông Gordon nói thêm.

Ngoài ra, thống kê về việc làm mới trong tháng 7 cho thấy nước Mỹ có thêm 528.000 công việc trong tháng, tăng hơn gấp đôi mức dự báo 258.000 việc làm theo kết quả thăm dò của The Wall Street Journal, cũng phù hợp với dự báo rằng CPI lõi sẽ tăng. “Nếu bạn nhìn vào mức tăng mạnh mẽ về bảng lương danh nghĩa và số giờ làm việc cũng như thu nhập bình quân hàng giờ, điều này sẽ phù hợp với môi trường CPI tăng và CPI lõi đặc biệt tăng cao hơn”.

Martha Reyes, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại sàn giao dịch tiền điện tử Bequant, cũng đồng tình với quan điểm này. Ông Reyes nói: “Bạn có thể chứng kiến một con số CPI lạc quan hơn trước đây chút ít, nhưng thực tế lạm phát có thể không giảm nhanh chóng”.