Làm thế nào đảm bảo an toàn thực phẩm vì quyền lợi người tiêu dùng?

17:15 | 18/07/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Hội thảo: “Ngành công thương đảm bảo công tác an toàn thực phẩm vì quyền lợi người tiêu dùng”, sáng 18/8 đã đưa ra khuyến nghị nhiều chiều cho cả nhà quản lý và doanh nghiệp.

Làm thế nào đảm bảo an toàn thực phẩm vì quyền lợi người tiêu dùng? - ảnh 1
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: DNVN/Minh Hoa. 
Hội thảo do Bộ Công Thương tổ chức với mục đích tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP) nhằm giải quyết các vấn đề cấp bách liên quan trong tình hình mới, đồng thời, tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và nâng cao nhận thức, kiến thức của người tiêu dùng trong công tác bảo đảm ATTP.

Tham dự Hội thảo có sự tham gia của đại diện các cơ quan thuộc Bộ Công Thương, đại diện các bộ, ban ngành, các trường, các viện, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ một số tỉnh, thành phố; các hiệp hội ngành nghề, ngành hàng và đại diện các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm, nước giải khát trong và ngoài nước.

5 tháng đầu năm: Kiểm tra 3.256 vụ, xử lý 2.103 vụ vi phạm ATTP

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, Bộ Công Thương là một trong ba cơ quan được Chính phủ giao triển khai công tác quản lý nhà nước về ATTP. Thời gian qua, Bộ Công Thương đã quyết liệt triển khai đồng bộ với nhiều giải pháp các nhiệm vụ quản lý nhà nước để hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm khẳng định thương hiệu cũng như góp phần xây dựng, phát triển thị trường thực phẩm an toàn. Đồng thời, Bộ cũng đã và đang rất tích cực trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ các đối tượng thuộc phạm vi quản lý nhằm đảm bảo công tác ATTP vì quyền lợi người tiêu dùng.

Tổng hợp từ báo cáo của các Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho thấy, trong 5 tháng năm 2019 lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 3.256 vụ, xử lý 2.103 vụ việc vi phạm về an toàn thực phẩm, xử phạt vi phạm hành chính hơn 6,1 tỷ đồng, trị giá tang vật thu giữ hơn 9,6 tỷ đồng.

Đại diện Tổng cục Quản lý Thị trường, bà Phạm Thị Vĩnh Hà chia sẻ: Các hành vi vi phạm chủ yếu là vi phạm về điều kiện ATTP, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng, hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ; vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm bị bệnh hoặc không rõ nguồn gốc; vi phạm về nhãn mác hàng hóa, đặc biệt là tình trạng làm giả nhãn mác hàng hóa của các doanh nghiệp có thương hiệu mạnh gây ảnh hưởng đến uy tín, doanh thu của doanh nghiệp và thiệt hại cho người tiêu dùng.

Những nơi thường xảy ra các vụ vi phạm lớn chủ yếu tập trung ở địa bàn thành phố và vùng phụ cận, nơi tập trung đông dân cư, nhu cầu về thực phẩm lớn như Hà Nội, TPHCM; các cửa khẩu nơi tập trung hoạt động xuất nhập khẩu hàng thực phẩm đông lạnh như Móng Cái, Lạng Sơn, Lào Cai; các cảng biển, cảng sông như Hải Phòng, Cát Lái…

Mô hình thí điểm chợ ATTP đã có trên 55 địa phương

Nói về mô hình thí điểm chợ ATTP, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết Bộ Công Thương đã giao Vụ Thị trường trong nước làm đầu mối, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các cơ chế chính sách, chương trình hỗ trợ các đối tượng kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý.

Làm thế nào đảm bảo an toàn thực phẩm vì quyền lợi người tiêu dùng? - ảnh 2
Nguồn: Internet. 
 Theo đó, Vụ đã tư vấn hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp xây dựng mô hình thí điểm chợ bảo đảm ATTP và mô hình chuỗi cửa hàng, cơ sở bảo đảm ATTP ngành công thương. Mục tiêu là khuyến khích và hướng dẫn các chợ, cơ sở kinh doanh thực phẩm áp dụng các phương thức quản lý tiên tiến, các quy định phù hợp với quy định của pháp luật và bảo đảm ATTP trong kinh doanh như HACCP, ISO, tiêu chuẩn Việt Nam.

“Bộ Công Thương đã hướng dẫn, phối hợp xây dựng mô hình thí điểm chợ bảo đảm ATTP tại 55 địa phương và 13 mô hình chuỗi cửa hàng kinh doanh bảo đảm an toàn thực phẩm đạt tiêu chuẩn HACCP, ISO 22000:2005 đối với siêu thị tổng hợp, cửa hàng sữa, cửa hàng bánh ngọt. Trong năm 2019, Bộ Công Thương phấn đấu hoàn thành mục tiêu 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có mô hình chợ bảo đảm ATTP”, bà Nga nói.

Sau khi được Bộ Công Thương hỗ trợ triển khai mô hình thí điểm chợ ATTP, một số địa phương đã quan tâm bố trí ngân sách địa phương để triển khai nhân rộng mô hình, tiêu biểu như Thanh Hóa, Ninh Bình, Tiền Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu.

Tuy nhiên, để bảo đảm chất lượng ATTP thì tất cả các khâu trong chuỗi bảo đảm chất lượng thực phẩm (từ khâu nuôi trồng, đánh bắt, đến sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh, sử dụng) đều phải đạt vệ sinh và an toàn. Nếu bất kỳ khâu nào không đạt yêu cầu thì mất ATTP đều có thể xảy ra, bà Nga cho biết.

Quan trọng vẫn là hậu kiểm có trọng tâm và DN tự chủ, chịu trách nhiệm

Nhằm đảm bảo công tác ATTP của ngành công thương trong thời gian tới, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng chỉ đạo cần tập trung triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm có trọng tâm, trọng điểm; đánh giá trách nhiệm đơn vị, cá nhân trong thực hiện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về ATTP.

“Các đơn vị trong ngành công thương tiếp tục triển khai đầy đủ các chính sách pháp luật của Nhà nước về ATTP, các chương trình hỗ trợ, thúc đẩy các đơn vị kinh doanh thực phẩm an toàn để cung cấp cho thị trường”, ông Hưng nói.

Làm thế nào đảm bảo an toàn thực phẩm vì quyền lợi người tiêu dùng? - ảnh 3
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: DNVN/Minh Hoa. 
Đại diện Tổng cục Quản lý Thị trường đưa ra giải pháp cần chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường cả nước làm tốt công tác dự báo tình hình, theo dõi sát diễn biến của thị trường, phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm việc vận chuyển, kinh doanh thực phẩm giả, không rõ nguồn gốc đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm, tập trung vào một số mặt hàng như: Rượu, hương liệu, chất phụ gia, chất hỗ trợ chế biến; ngăn chặn gia cầm, thịt gia súc gia cầm và phụ phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc và các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử và bán hàng đa cấp.

Cùng với đó là việc rà soát, tổng hợp các vướng mắc tại các văn bản quy phạm pháp luật về ATTP để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về ATTP.

Đồng thời, tăng cường công tác hướng dẫn, tuyên truyền pháp luật cho tổ chức, cá nhân kinh doanh về tác hại của việc kinh doanh và sử dụng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh ATTP. Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của các tổ chức, cá nhân kinh doanh không vì lợi ích cá nhân trước mắt mà gây hại cho người dân và cả nền kinh tế. Thông qua các phương tiện truyền thông kịp thời đưa tin tình hình kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm, biểu dương các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt các quy định của luật pháp cũng như phê phán nghiêm khắc các hành vi vi phạm pháp luật.

Đối với trách nhiệm của doanh nghiệp, ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương nhấn mạnh: Doanh nghiệp cần có trách nhiệm cung cấp thông tin, cung cấp bằng chứng giao dịch, bảo vệ thông tin, trách nhiệm bên thứ ba, bồi thường thiệt hại, giải quyết khiếu nại.

Bà Lê Việt Nga cũng đưa ra đề nghị: Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm cần nâng cao tính tự chủ trong sản xuất, kinh doanh, chịu trách nhiệm về hoạt động sản xuất, kinh doanh của chính doanh nghiệp mình; thực hiện các hoạt động truyền thông, marketing, xây dựng thương hiệu nhằm khẳng định sự uy tín của sản phẩm và phát triển thị trường một cách bền vững.