'Làn sóng' hàng giá rẻ Trung Quốc có thể khiến nhiều nhà sản xuất Thái Lan đóng cửa

Đỗ Sinh/ TTXVN 16:35 | 04/08/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Khi hàng nhập khẩu của Trung Quốc tiếp tục tăng, một số nhà sản xuất tại Thái Lan đã ngừng sản xuất và quyết định thay đổi hoạt động kinh doanh bằng cách nhập hàng từ Trung Quốc để bán.
 

Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan (FTI) mới đây lên tiếng cảnh báo các nhà sản xuất Thái Lan có thể không chịu nổi làn sóng sản phẩm giá rẻ mới từ Trung Quốc nếu chính phủ không đưa ra các biện pháp đối phó với sự gia nhập của nhà bán lẻ trực tuyến Temu (Trung Quốc).

Theo FTI, với việc Temu có kế hoạch giảm giá tới 90% cho các sản phẩm được bán trên nền tảng của mình, khả năng có thêm nhiều nhà máy Thái Lan phải đóng cửa càng trở nên dễ xảy ra hơn vì sản phẩm của họ kém cạnh tranh hơn so với đối thủ Trung Quốc.

Apichit Prasoprat, Phó chủ tịch FTI cho biết, Temu sẽ thu hút khách hàng bằng các sản phẩm giá rẻ vì chi phí vận hành ở Trung Quốc, bao gồm giá năng lượng và tiền lương, thấp hơn ở Thái Lan. Ông cũng thừa nhận sự xuất hiện của nền tảng thương mại điện tử mới sẽ tăng cường cạnh tranh tại thị trường Thái Lan vì hàng nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng lên.

Theo FTI, Trung Quốc có xu hướng xuất khẩu hàng hóa sang các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong đó có Thái Lan, đặc biệt sau khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung nổ ra ảnh hưởng đến thương mại quốc tế của nước này.

Tỷ lệ mua sắm trực tuyến của người dân Thái Lan hiện ở mức cao. Khi hàng nhập khẩu của Trung Quốc tiếp tục tăng, một số nhà sản xuất tại Thái Lan đã ngừng sản xuất và quyết định thay đổi hoạt động kinh doanh bằng cách nhập hàng từ Trung Quốc để bán.

Ông Apichit cho rằng động thái của chính phủ mới đây áp thuế giá trị gia tăng (VAT) 7% đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị không vượt quá 1.500 baht có thể cũng không đủ để ngăn chặn dòng sản phẩm Trung Quốc tràn vào.

Trong khi đó, Tổng giám đốc Văn phòng Kinh tế Công nghiệp Warawan Chitaroon cho biết, các quan chức công nghiệp đang theo dõi chặt chẽ tình hình và tiếp tục yêu cầu Viện Tiêu chuẩn Công nghiệp Thái Lan (TISI) thực hiện kiểm tra nghiêm túc các sản phẩm nhập khẩu từ các nước láng giềng.

Theo bà Warawan, các cơ quan chức năng cũng đang làm việc với các công ty hậu cần để kiểm tra những kho chứa nhiều sản phẩm nhập khẩu như vậy. Bà cho biết, nếu chính phủ không giải quyết vấn đề một cách hiệu quả, nó sẽ ảnh hưởng đến chỉ số Nhà quản trị mua hàng (MPI) và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Thái Lan trong lĩnh vực công nghiệp.