Lần thứ 15 kể từ đầu năm ngoái, quỹ ngoại Singapore đăng ký mua 21 triệu cổ phiếu Vinamilk (VNM)
Theo đó, quỹ ngoại đến từ Singapore thông báo tiếp tục đăng ký mua 20.899.554 cổ phiếu VNM theo phương thức giao dịch thỏa thuận hoặc khớp lệnh. Thời gian giao dịch từ ngày 21/6 đến ngày 20/7/2023. Người nội bộ có liên quan tại VNM là ông Alain Xavier Cany - Thành viên HĐQT VNM.
Nếu giao dịch thành công, quỹ Platinum Victory sẽ tăng tỷ lệ nắm giữ tại VNM từ gần 221,86 triệu cổ phiếu, tương đương 10,62% vốn lên mức 242,76 triệu cổ phiếu, tương đương 11,62% vốn điều lệ.
Đáng chú ý, số cổ phiếu đăng ký mua thêm này trùng khớp với số quỹ này đăng ký mua từ 17/5-15/6, sau đó giao dịch không được thực hiện vì "thị trường không thuận lợi".
Theo thống kê của người viết, kể từ đầu năm 2022 đến nay, đây là lần thứ 15 liên tiếp quỹ ngoại Platinum Victory đăng ký mua vào số lượng lớn cổ phiếu VNM. Tuy nhiên không lần nào mua thành công cũng vì lý do tương tự.
Trong một diễn biến khác, một quỹ ngoại khác từ Singapore là quỹ F&N Dairy Investments Pte.Ltd cũng đã đăng ký mua vào 20.899.554 cổ phiếu VNM từ ngày 10/2 đến ngày 10/3/2023, qua đó dự kiến nâng số lượng cổ phiếu sở hữu lên 390,7 triệu đơn vị, ứng với 18,69% vốn. Tuy nhiên giao dịch cũng không được thực hiện.
Nhìn chung, ròng rã nhiều tháng qua, cả hai quỹ ngoại đến từ Singapore đều liên tục đăng ký gom thêm gần 21 triệu cổ phiếu VNM nhưng chưa lần nào thành công.
Đại ĐHĐCĐ năm 2023 vừa diễn ra, khi cổ đông hỏi về việc vì sao nhà đầu tư ngoại liên tục đăng ký mua lượng lớn cổ phiếu VNM nhưng không thực hiện, CEO Vinamilk đã nhường quyền trả lời cho cổ đông nước ngoài. Theo đó, quỹ ngoại này cho biết vì phải trải qua thủ tục đăng ký rồi mới được mua nên lúc được mua thì giá thị trường đã không còn như kỳ vọng.
Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính hợp nhất đã soát xét quý I, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần 13.918 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,2% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, giá vốn bán hàng lại tăng nhanh hơn (3,2%) lên mức 8.520 tỷ đồng. Điều này khiến lợi nhuận gộp của VNM giảm 4%, về mức 5.398 tỷ đồng. Biên lợi nhuận ở mức 38,7%, thấp hơn mức trung bình của VNM những năm gần đây.
Điểm sáng là doanh thu hoạt động tài chính tăng 31% lên mức 420 tỷ đồng, lỗ từ công ty liên doanh liên kết giảm xuống 14 tỷ đồng (so với cùng kỳ 35 tỷ đồng). Nhưng do chi phí tài chính và chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng đáng kể nên kết quả, doanh nghiệp sữa đầu ngành mang về 2.312 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế; 1.906 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 17% so với kết quả thực hiện quý I/2022.
Chia sẻ về tình hình kết quả kinh doanh quý I, Tổng Giám đốc Mai Kiều Liên cho biết lợi nhuận quý đầu năm sụt giảm so với cùng kỳ do giá vốn ở mức cao. Trong khi đó, quý I/2022, VNM được hưởng lợi nhờ giá nguyên vật liệu thấp từ năm 2021. Cũng tại đại hội, trả lời câu hỏi của cổ đông về việc liệu biên lợi nhuận của VNM có hồi phục về mức trước đại dịch, bà Mai Kiều Liên chia sẻ dù giá nguyên vật liệu đã hạ nhiệt so với năm 2022 song biên lợi nhuận phải “1 năm nữa mới có thể quay lại trước đại dịch”.