Làng nghề Cát Đằng tiếp nối truyền thống vươn mình ra biển lớn
Như bao làng quê Việt Nam khác, làng nghề Cát Đằng trải qua gần 700 năm thăng trầm của lịch sử, nhưng nghề sơn mài truyền thống nơi đây vẫn được gìn giữ và ngày một phát triển. Đến nay, các sản phẩm làng nghề Cát Đằng không chỉ nổi tiếng bởi chất lượng tốt, giá trị nghệ thuật cao mà còn nhờ vào sự phát triển của công nghệ thông tin. Hiện nay, khách hàng trong và ngoài nước có thể đặt các sản phẩm độc đáo của làng nghề Cát Đằng thông qua mạng Internet.
Nét độc đáo của sơn mài làng nghề Cát Đằng
Tương truyền, các đồ sơn mài lâu đời, vẫn dùng để trang trí nội, ngoại thất trong các lăng tẩm, cung đình, đình chùa xưa ở Huế, Đà Nẵng, Hà Nội, Ninh Bình… chủ yếu do bàn tay tài hoa của các nghệ nhân làng nghề Cát Đằng làm ra. Các sản phẩm đó góp phần tạo nên nét văn hoá đặc trưng của người dân Bắc Bộ nói riêng và của người Việt Nam nói chung.
Ngày 8/5/2017, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký ban hành Quyết định số 1852/QĐ-BVHTTDL về việc công bố nghề sơn mài Cát Đằng được công nhận danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Làng nghề sơn mài Cát Đằng được hình thành và phát triển trên nền tảng văn hóa truyền thống của địa phương có từ thời Đinh - Tiền Lê (thế kỷ IX-X). Nơi đây có đền thờ Thánh Tổ nghề sơn là Ngô Đức Dũng và Ngô Ân Ba - người đã có công truyền dạy nghề sơn cho dân làng vào cuối thời Trần (đời vua Trần Thuận Tông) thế kỷ XIV. Điều này đã được ghi chép tỉ mỉ trong cuốn thần tích “Cát Đằng xã liệt vị Thánh Tổ từ sự tích” hiện còn lưu giữ tại đình Cát Đằng. Là làng nghề có lịch sử trên 600 năm tồn tại và phát triển, đến nay nghề sơn mài Cát Đằng vẫn tiếp tục được các nghệ nhân duy trì; đồng thời cải tiến, sáng tạo ra nhiều mẫu mã sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Điều đó khẳng định sức sống mãnh liệt của nghề sơn mài Cát Đằng có thể thích ứng và biến đổi theo xu thế hội nhập. Sự phát triển của nghề sơn mài Cát Đằng với nhiều loại mặt hàng phong phú, đa dạng đã từng bước giới thiệu những giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa địa phương và dân tộc ra khắp thế giới.
Trao đổi với phóng viên, nghệ nhân Trương Đình Bốn cho hay để có một sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ sơn mài tâm linh truyền thống, trước hết phải nói đến tầm quan trọng của chất liệu. Chất liệu chính của sơn mài truyền thống là nhựa cây sơn (sơn ta), ngày nay công nghệ khoa học kỹ thuật phát triển, cây sơn ta không còn, nhiều làng nghề chuyển sang dùng sơn điều. Loại nguyên vật liệu thứ hai là vàng quỳ và bạc quỳ. Thứ ba là bột màu, các loại sơn được nhập từ Trung Quốc hay Nhật Bản. Ngoài ra, còn có thể kể đến một số nguyên liệu khác như đất sét, vải, giấy, các loại dầu như dầu trẩu, nhựa thông... Ông cũng nhấn mạnh đến việc pha chế sơn có vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định đến sự thành bại của sản phẩm. Công đoạn này thường được những nghệ nhân có kinh nghiệm làm và mỗi nhà trong làng có một bí quyết pha chế sơn riêng tạo nên sự độc đáo của mỗi gia đình. Nói chung, khâu nào cũng đòi hỏi người thợ phải kiên nhẫn, tỉ mỉ.
Ngoài pha chế sơn, nghệ nhân làng nghề phải thao tác qua hàng chục công đoạn khác trong khoảng thời gian gần một tháng. Đầu tiên là khâu cắt mộc (gỗ cây, gỗ trần) để tạo hình thành các loại sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ như kiệu, cửa võng, cuốn thư… Thông thường, nếu như làm đồ mộc thì phải đục tra mộng mạng và đóng đinh cho bén chắc. Nhưng người thợ mộc trong làng nghề Cát Đằng lại khác hẳn, tuyệt đối không được đóng đinh mà chỉ gắn đinh tre và cốn (cốn trộn với mùn cưa). Do vậy, yêu cầu kỹ thuật phải chính xác đến từng milimet, cho vừa khớp với các bộ phận khác. Sau đó bào nạo, đánh giấy ráp nhẵn nhụi rồi chuyển sang bộ phận làm vóc. Mỗi công đoạn đòi hỏi nghệ nhân phải có nghệ thuật riêng, vừa tỉ mỉ lại vừa công phu. Có công đoạn làm đi làm lại tới 8 lần mới đạt yêu cầu như công đoạn hom, sơn lót.
Kết hợp truyền thống và hiện đại
Hiện nay, sản phẩm sơn mài Cát Đằng rất đa dạng, chủ yếu là đỗ mỹ nghệ tâm linh, trong các công trình như đình, chùa, miếu mạo hay trong gia đình. Ngoài ra còn dòng sản phẩm về mây tre đan chủ yếu phục vụ cho các đơn hàng xuất khẩu sang thị trường khó tính như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Nga và các nước ASEAN. Để có được thành công này, những nghệ nhân làng nghề Cát Đằng thường xuyên đổi mới, sáng tạo, kết hợp hài hòa giữa truyền thống và ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại.
Nghệ nhân Trương Đình Bốn cho biết, làng nghề Cát Đằng đã có khoảng thời gian dài “ngủ quên trên chiến thắng” nên khách hàng ngày càng ít. Tìm hiểu được nguyên nhân, những nghệ nhân tâm huyết với nghề đã truyền lửa cho thế hệ trẻ, cử người trẻ đi học những khóa học về marketing, về phát triển thương hiệu trên không gian mạng.
Ngày nay làng nghề Cát Đằng đang phát triển web catdang.info để đưa thương hiệu của làng nghề Cát Đằng đến gần hơn với khách hàng trong nước cũng như quốc tế. Ngoài ra, website cũng chính là nơi để bà con người Việt đang sinh sống, học tập và làm việc ở nước ngoài có thể dễ dàng mua sản phẩm truyền thống của Việt Nam ngay tại nước sở tại.
Ông Bốn còn cho biết sắp tới làng nghề Cát Đằng còn giới thiệu đến khách hàng ứng dụng di động về siêu thị mỹ nghệ mang tên Cát Đằng để khách hàng cũng như đại lý của Cát Đằng trên toàn thế giới có thể dễ dàng tìm được sản phẩm ưng ý cho mình.