Lãnh đạo Petrolimex khẳng định có thể hoàn tất thoái vốn PG Bank trong năm nay

Lê Thị Thu Hà 15:48 | 29/03/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Lãnh đạo Petrolimex cho biết hiện tập đoàn đang đợi văn bản chỉ đạo của Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước và làm các thủ tục tiếp theo để báo cáo Ngân hàng nhà nước nhằm thoái vốn PG Bank theo đúng trình tự.

Sáng nay (29/3), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex - Mã: PLX) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2021 với sự tham gia của 256 cổ đông ứng với 9,136% tổng số cổ phần của doanh nghiệp.

 Ảnh chụp màn hình.

Tại đại hội, Petrolimex đã được cổ đông thông qua bầu bổ sung 3 thành viên HĐQT gồm ông Đào Nam Hải, đại diện vốn nhà nước; ông Ken Kimura, đại diện cổ đông lớn Eneos và ông Võ Văn Quyền làm thành viên HĐQT độc lập.

Ông Đào Nam Hải sinh năm 1974, Thạc sĩ Luật, Thạc sỹ Quản trị kinh doanh. Từ năm 1996 đến tháng 8/2020, ông đã công tác tại Tổng công ty PJICO và ông bắt đầu giữ chức Tổng Giám đốc Tập đoàn Petrolimex từ ngày 1/3.

Còn ông Ken Kimura sinh năm 1966, quốc tịch Nhật Bản. Ông Ken Kimura hiện đang công tác tại Ban điều hành Tập đoàn Eneos Trưởng đại diện tại Việt Nam đồng thời là Tổng Giám đốc Công ty TNHH Eneos Việt Nam. 

Ông Võ Văn Quyền sinh năm 1957, trình độ Tiến sĩ Kinh tế. Ông Quyền từng công tác nhiều năm ở Bộ Quốc phòng, Bộ Nội thương và bắt đầu đảm nhiệm vị trí mới ở Bộ Công thương từ năm 2005 tới 2017 với vị trí Phó Vụ trưởng rồi lên Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước.

Sau khi việc bổ nhiệm được thông qua, HĐQT của Petrolimex gồm 8 thành viên trong đó ông Phạm Văn Thanh là Chủ tịch HĐQT.

Bên cạnh đó, ĐHĐCĐ cũng thông qua bổ nhiệm bà Đinh Thị Kiều Trang, đại diện nhóm cổ đông và ông Norimasa Kuroda, đại diện cổ đông lớn Eneos vào Ban Kiểm soát. Số thành viên Ban kiểm soát nâng lên 5 người, trong đó ông Đăng Quang Tuấn là Trưởng Ban kiểm soát.

Về bà Đinh Thị Kiều Trang, bà sinh năm 1971 và hiện đang là Phó trưởng Ban Kiểm toán - HĐQT của Petrolimex. Còn ông Norimasa Kuroda sinh năm 1968, đang đảm nhiệm chức Phó phòng Kế toán Tập đoàn Eneos Corporation.

Ra mắt HĐQT mới. (Ảnh chụp màn hình).

Tại đại hội, cổ đông cũng đưa ra một số câu hỏi liên quan tới hoạt động kinh doanh của tập đoàn.

Về tiến độ thoái vốn PJICO và PG Bank, lãnh đạo cho biết tập đoàn đang trong giai đoạn tiến hành báo cáo các cơ quan quản lý nhà nước để thoái vốn PG Bank.

Vào tuần trước, nhóm đại diện vốn của tập đoàn đã họp với Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) để đưa ra các lộ trình và giải pháp thoái vốn PG Bank sau khi đã có cuộc họp giữa CMSC, tập đoàn và chủ trì là Phó Thủ tướng Lê Minh Khái.

Hiện tập đoàn đang đợi văn bản chỉ đạo của CMSC và làm các thủ tục tiếp theo để báo cáo Ngân hàng nhà nước nhằm thoái vốn theo đúng trình tự. Trong năm 2022 có thể sẽ hoàn tất thoái vốn PG Bank.

Về PJICO, HĐQT đã báo cáo CMSC sẽ thoái vốn từ 40,95% xuống 35,1%, và đang đợi chỉ đạo chính thức từ CMSC để tiến hành.

Tại thời điểm cuối năm 2021, khoản đầu tư vào PG Bank của Petrolimex có giá trị gần 1.673 tỷ đồng, ứng với tỷ lệ sở hữu 40,57%. Còn khoản đầu tư vào PJICO có giá trị 728 tỷ đồng.

Về cơ cấu nguồn hàng của Petrolimex, ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng Giám đốc doanh nghiệp thông tin một số mặt hàng đạt tiêu chuẩn khí thải Euro mức 5 tập đoàn sẽ nhập khẩu 100% như diesen mức 5, xăng 95 mức 5 vì nhà máy lọc dầu trong nước không sản xuất được.

Năm 2022, tập đoàn đã đưa mặt hàng xăng euro 95 mức 5 vào tiêu thụ nội địa.

Đối với mặt hàng F0 (hay còn gọi là dầu mazut) và dầu hoả, Petrolimex cũng nhập khẩu 100%.

Đối với mặt hàng tiêu dùng phổ biến như xăng RON 95 mức 5, RE 5, diesen mức 2, nếu hai nhà máy hoạt động bình thường thì Petrolimex nhập từ hai đơn vị này dao động từ 66-70% sản lượng.

Trong năm 2022, sự cố về mặt tài chính ở nhà máy lọc dầu Nghi Sơn khiến khả năng sản xuất bị ảnh hưởng, Bộ Công thương đã chỉ đạo các thương nhân đầu mối trong đó có Petrolimex trong quý II sẽ tổ chức nhập khẩu lượng dự kiến mà nhà máy Nghi Sơn không đáp ứng được. Do đó, tỷ lệ nhập mua hàng nội địa của tập đoàn sẽ có ảnh hưởng, tỷ trọng nhập khẩu và mua nội địa ra sao sẽ phụ thuộc và công suất của nhà máy Nghi Sơn nhưng vẫn ưu tiên sử dụng tối đa các mặt hàng sản xuất trong nước.

Năm nay, dự kiến tỷ lệ nhập nguồn hàng từ trong nước chiếm khoảng 65-66% và còn phụ thuộc vào công suất của hai nhà máy, đặc biệt là nhà máy Nghi Sơn.