Petrolimex: Giảm 90% mục tiêu lợi nhuận so với kế hoạch ban đầu

Trang Mai 08:05 | 21/11/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex, HOSE: PLX) công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ bất thường 2022, trong đó đề cập đến các thay đổi trong kế hoạch kinh doanh năm 2022 và các năm tiếp theo.

Giảm 90% mục tiêu lãi trước thuế so với kế hoạch đầu năm

Tập đoàn cho biết 9 tháng đầu năm xảy ra nhiều sự việc ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh xăng dầu, đặc biệt vào các thời điểm biên độ giá dầu thế giới tăng nhanh. Theo đó, việc các thương nhân, đầu mối hạn chế bán hàng đã dồn nhu cầu tiêu thụ về Petrolimex, gây áp lực lớn đến nguồn cung. Hàng tồn kho sụt giảm nhanh, có lúc phải “mua đuổi giá” để kịp cung ứng cho thị trường.

Trong bối cảnh nguồn cung và giá dầu thế giới thời điểm cuối năm biến động bất thường, gây ảnh hưởng đến chi phí tạo nguồn và lợi nhuận, kế hoạch Tập đoàn đặt ra cho cả năm tại ĐHĐCĐ 2022 khó thực hiện được. Do đó, Tập đoàn dự kiến trình ĐHĐCĐ thông qua việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2022.

Cụ thể, Petrolimex dự kiến doanh thu hợp nhất tăng từ mức 186.000 tỷ đồng theo kế hoạch cũ lên 240.000 tỷ đồng, giảm mục tiêu lợi nhuận trước thuế từ 3.060 tỷ đồng xuống 300 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Tập đoàn giữ nguyên chỉ tiêu nộp ngân sách, đầu tư phát triển và cổ tức. 

Như vậy, mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2022 của Petrolimex giảm chỉ còn 1/10 kế hoạch trước đó.  

 Các chỉ tiêu kinh doanh giai đoạn 2021-2025 của PLX. Nguồn: PLX 

Đồng thời, Petrolimex dự kiến trình kế hoạch kinh doanh giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu doanh thu hơn 971.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất hơn 14.000 tỷ đồng.  

 Petrolimex dự kiến kế hoạch giai đoạn 2021-2025.Nguồn: PLX  

Thời gian vừa qua, giá xăng dầu thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng liên tục có những biến động do nhiều yếu tố của chính trị. Là đơn vị nắm hơn nửa thị phần xăng dầu tại Việt Nam, Petrolimex không nằm ngoài vùng ảnh hưởng khi ghi nhận lỗ từ kinh doanh xăng dầu. 

Petrolimex vừa trải qua quý III với nguồn doanh thu từ kinh doanh xăng dầu tăng mạnh, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước, lên gần 73.700 tỷ đồng (khoảng 3 tỷ USD). Doanh thu tăng vọt kéo lợi nhuận gộp tăng 38%, lên hơn 2.800 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt gần 190 tỷ đồng, cao gần gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông Công ty mẹ đạt 99 tỷ đồng,  tăng trưởng 30%. 

Tuy nhiên, mức lãi này không đến từ hoạt động kinh doanh xăng dầu - hoạt động chính của Petrolimex. Mảng này thực chất là lỗ, giảm hơn 300 tỷ đồng so với cùng kỳ, vì giá xăng dầu diễn biến giảm bất thường trong khi khâu tạo nguồn, lưu thông tạo chi phí cao hơn định mức trong giá cơ sở. Thay vào đó, lợi nhuận tăng chủ yếu đến từ lĩnh vực khác tăng so cùng kỳ (tăng 400 tỷ đồng) nhờ các công ty con thuộc lĩnh vực vận tải, nhiên liệu bay... hoạt động ổn định giai đoạn hậu COVID-19, kéo kết quả quý III tăng lên tương ứng.

Lũy kế 9 tháng, Petrolimex ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 226.000 tỷ đồng, tăng gần 90% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, do phải gánh khoản lỗ từ quý II và khoản lãi giảm mạnh trong quý I, lãi trước thuế và lãi ròng 9 tháng chỉ đạt lần lượt 614 tỷ đồng và hơn 312 tỷ đồng, giảm 79% và 86% so cùng kỳ.

 

Kết phiên 18/11, cổ phiếu PLX giảm 550 đồng xuống 25.100 đồng/cp, giảm mạnh so với mức đỉnh trên 63.000 đồng/cp hồi cuối tháng 2 năm nay. 

Mới đây, Tổng Công ty Hóa dầu Petrolimex - CTCP (HNX: PLC) (Công ty con của PLX) đã thông báo chốt quyền tạm ứng cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ thực hiện 12% (cổ đông sở hữu 1 cp được nhận 1.200 đồng). Ngày giao dịch không hưởng quyền là 7/12.

Như vậy, với gần 81 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính PLC sẽ phải tri trả gần 97 tỷ đồng để hoàn tất đợt tạm ứng này. Hiện nay, PLX sở hữu gần 64 triệu cp, tương đương 79.07% vốn. Như vậy, PLX sẽ nhận về gần 76,7 tỷ đồng cổ tức từ PLC.

Petrolimex giữ tỷ lệ của Nhà nước trên 75%

Cũng trong tờ trình ĐHĐCĐ bất thường 2022, Petrolimex cho biết dù đã có lộ trình thoái vốn về mức trên 50-65%, nhưng Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp hồi tháng 9 đã ban hành chỉ đạo về việc giữ nguyên tỷ lệ sở hữu vốn Nhà nước tại Tập đoàn, cụ thể là 75,87% vốn điều lệ trong giai đoạn 2021-2025. Do đó, Tập đoàn sẽ duy trì tỷ lệ này trong giai đoạn nêu trên.

Đối với các công ty thành viên, Petrolimex cho biết trong giai đoạn 2022-2023 sẽ tập trung thoái vốn tại Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank, UPCoM: PGB). Tuy nhiên, với các công ty thuộc mảng kinh doanh xăng dầu - cũng là mảng cốt lõi, Petrolimex sẽ đảm bảo nắm quyền sở hữu chi phối trong giai đoạn 2021-2025.