Petrolimex trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ thấp nhất kể từ khi niêm yết

A.N/BNEWS/TTXVN 10:49 | 14/09/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex, mã chứng khoán PLX) sẽ trả cổ tức năm 2022 bằng tiền với tỷ lệ 7%, thấp nhất kể từ khi niêm yết vào năm 2017 đến nay.

Nhân viên bán xăng cho khách tại cửa hàng xăng dầu Petrolimex. Ảnh: MInh Quyết-TTXVN

Với tỷ lệ thực hiện 7% (1 cổ phiếu được nhận 700 đồng) và hơn 1.,27 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, Petrolimex sẽ hi khoảng 890 tỷ đồng để hoàn tất đợt trả cổ tức này. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 21/9. Ngày đăng ký cuối cùng là 22/9. Ngày thanh toán dự kiến là 10/10.

Tính tới ngày 30/6, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp hiện đang là cổ đông lớn nhất của PLX với tỷ lệ sở hữu 75,87% (gần 982 triệu cổ phiếu) có thể nhận về 687 tỷ đồng tiền cổ tức từ PLX.

Trước đó, Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 của  PLX đã thông qua kế hoạch chi trả cổ tức 2022 với tỷ lệ 7% bằng tiền.

Kể từ khi niêm yết vào ngày 21/4/2017 tới nay, PLX luôn duy trì mức cổ tức bằng tiền với tỷ lệ từ 10% trở lên. Cụ thể, tỷ lệ cổ tức năm 2016 là 32,24% (1 cổ phiếu PLX được nhận 3.224 đồng). Tỷ lệ cổ tức năm 2017 là 30% (1 cổ phiếu PLX được nhận 3.000 đồng). Tỷ lệ cổ tức năm 2018 là 26% (1 cổ phiếu PLX được nhận 2.600 đồng). Tỷ lệ cổ tức năm 2019 là 30% (1 cổ phiếu PLX được nhận 3.000 đồng). Tỷ lệ cổ tức năm 2020 và năm 2021 là 12% (1 cổ phiếu được nhận 1.200 đồng). 

Theo các chuyên gia, tỷ lệ cổ tức  bằng tiền cho năm 2022 thấp nhất kể từ khi niêm yết là do năm 2022, Petrolimex hoạt động kinh doanh khó khăn trong bối cảnh giá dầu diễn biến phức tạp do tác động bất lợi của xung đột Nga-Ukraine. Ở trong nước, với việc Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn giảm mạnh công suất trong trong quý I/2022, Petrolimex phải tăng cường nhập khẩu thêm xăng dầu từ nước ngoài theo chỉ đạo của Bộ Công Thương trong điều kiện giá xăng dầu biến động bất thường để thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường. Chính vì vậy, lợi nhuận cả năm 2022 của Petrolimex bị sụt giảm mạnh. 

6 tháng đầu năm 2023, mặc dù doanh thu thuần của PLX chỉ đạt hơn 133.182 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ và bằng 70% kế hoạch năm nhưng lợi nhuận sau thuế cao hơn gấp 6,7 lần cùng kỳ và bằng gần 1.433 tỷ đồng.

Theo Petrolimex, trong 6 tháng đầu năm 2023, hoạt động kinh doanh xăng dầu về cơ bản ổn định, có hiệu quả và không chịu tác động bất thường như cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh thuộc các lĩnh vực khác của Petrolimex cơ bản ổn định và tăng trưởng so với cùng kỳ. Cùng đó, Công ty mẹ Petrolimex trích lập dự phòng hàng tồn kho là 53 tỷ đồng thấp hơn so với trích lập 1.259 tỷ đồng tại thời điểm cùng kỳ năm 2022. Ngoài ra, nguồn cung xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước khá ổn định, các thương nhân thực hiện nhập mua xăng dầu theo đúng kế hoạch và đảm bảo hiệu quả.

Tuy nhiên, lợi nhuận từ các công ty con, liên doanh liên kết kinh doanh hóa dầu, lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu lợi nhuận ngoài xăng dầu của Tập đoàn trong 6 tháng đầu năm 2023 giảm so với cùng kỳ, chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ đã bình ổn trở lại không cao như cùng kỳ là giai đoạn tăng mạnh sau dịch COVID-19. NGoài ra, lợi nhuận từ các công ty con kinh doanh dịch vụ kho hiệu quả thấp hơn so với cùng kỳ do nhu cầu dự trữ xăng dầu của các nhà cung cấp lớn có xu hướng giảm.

Năm 2023, PLX đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 190.000 tỷ đồng, giảm 38% so với thực hiện năm 2022; lãi trước thuế kỳ vọng tăng 42% lên 3.228 tỷ đồng. Với kết quả lãi trước thuế hơn 1.902 tỷ đồng trong 6 tháng, Tập đoàn thực hiện được gần 59% kế hoạch lợi nhuận năm.

Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên giao dịch hôm nay 13/9, cổ phiếu PLX tăng 0,75% và đóng cửa ở mức 40.300 đồng/cổ phiếu. Tính từ đầu năm đến nay, thị giá PLX tăng 27,13%, trong đó giá đóng cửa cao nhất là 41.800 đồng/cổ phiếu (ngày 10/7) và giá đóng cửa thấp nhất là 32.950 đồng/cổ phiếu (3/1).