Lập báo cáo tiền khả thi đường sắt TP HCM – Cần Thơ trong giai đoạn 2021 - 2025
Bộ GTVT vừa có văn bản trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Long An về kế hoạch mở tuyến đường sắt TP HCM - Cần Thơ để giảm tải lưu lượng xe lưu thông trên tuyến quốc lộ 1A.
Về vấn đề nay, Bộ cho biết Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồi tháng 10/2021 định hướng xây dựng tuyến đường sắt TP HCM - Cần Thơ nhằm tăng cường kết nối TP HCM, trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thuộc miền Đông Nam bộ với TP Cần Thơ, trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long, cửa ngõ của vùng Tây Nam bộ.
Tuyến đường sắt này được định hướng phát triển với quy mô đường đôi, khổ 1.435 mm, chiều dài khoảng 174 km. Đồng thời, trên cơ sở cân đối nguồn lực đầu tư, quy hoạch cũng đã dự kiến chuẩn bị đầu tư, nghiên cứu để triển khai tuyến đường sắt này trong giai đoạn đến năm 2030.
Vào tháng 1 vừa qua, Bộ Giao thông vận tải có quyết định giao nhiệm vụ cho Ban Quản lý dự án đường sắt tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời đề nghị UBND tỉnh Long An chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý dự án đường sắt trong quá trình nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư dự án.
Bộ Giao thông vận tải cũng cho biết, để đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang này, giảm tải cho quốc lộ 1, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả khu vực, trong giai đoạn 2021 - 2025, Bộ đang tập trung mọi nguồn lực để đầu tư thông tuyến đường bộ cao tốc TP HCM - Cần Thơ.
Quy hoạch đường sắt TP HCM - Cần Thơ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 được thực hiện trên địa bàn các tỉnh, thành phố: Bình Dương, TP HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ với hướng tuyến có điểm đầu là ga lập tàu hàng An Bình (xã An Bình, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương); điểm cuối là ga Cái Răng (phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP Cần Thơ). Chiều dài tuyến khoảng 174 km gồm 14 ga và hai trạm khách.