Liệu đà giảm giá của đồng yen sẽ sớm kết thúc?
Vào cuối năm ngoái, đồng yen vẫn được giao dịch ổn định ở mức 1 USD đổi được khoảng 115 yen. Tuy nhiên, kể từ tháng 3/2022 tới nay, đồng yen đã liên tục mất giá so với đồng bạc xanh của Mỹ. Vào lúc 9 giờ sáng 17/10 tại thị trường Tokyo, tỷ giá giữa hai đồng tiền được niêm yết ở mức 148,61-64 yen/USD, tăng mạnh so với mức giá đóng cửa 147,47-49 yen/USD trên thị trường này vào cuối tuần trước.
Giới phân tích dự báo tỷ giá giữa hai đồng tiền này có thể sẽ sớm vượt mốc 150 yen/USD, mức thấp nhất kể từ tháng 8/1990, trong bối cảnh khoảng cách lãi suất giữa Nhật Bản và Mỹ đang ngày càng nới rộng do Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) vẫn kiên định với chính sách tiền tệ siêu lỏng để hỗ trợ cho nền kinh tế, trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong phiên họp thường kỳ tháng 11/2022 để kiềm chế lạm phát.
Phát biểu trước Ủy ban Ngân sách Hạ viện sáng 17/10, Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda đã tái khẳng định cam kết duy trì lãi suất siêu thấp để hỗ trợ cho nền kinh tế. Ông nói: “Nền kinh tế Nhật Bản vẫn đang trong quá trình hồi phục từ dịch COVID-19. Giá cả hàng hóa tăng cao, do tình hình ở Ukraine (U-crai-na), đang khiến dòng thu nhập chảy từ Nhật Bản ra nước ngoài, làm tăng áp lực suy thoái đối với nền kinh tế”.
Trong bối cảnh đó, Thống đốc BoJ nhấn mạnh: “Tại thời điểm hiện nay, chúng tôi nghĩ rằng việc tiếp tục nới lỏng tiền tệ là phù hợp bởi vì, điều đó cần thiết để hỗ trợ cho nền kinh tế và đạt được mục tiêu lạm phát một cách bền vững và ổn định đi cùng với việc tăng lương”.
Trước đó, BoJ vẫn duy trì quan điểm cho rằng lạm phát do chi phí đẩy ở Nhật Bản hiện nay sẽ không bền vững ngay cả khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cơ bản (không bao gồm biến động giá thực phẩm tươi sống) của Nhật Bản trong tháng 8/2022 tăng tới 2,8%, cao nhất kể từ tháng 10/2014. Đây là tháng thứ 12 liên tiếp chỉ số này tăng nhưng là tháng thứ 5 liên tiếp ở trên mức mục tiêu 2% của BoJ. Thống đốc Kuroda dự báo CPI có thể sẽ tiếp tục tăng trong thời gian từ nay tới cuối năm, một phần do đồng yen mất giá, nhưng chỉ số này sẽ ở dưới ngưỡng mục tiêu 2% của BoJ vào tài khóa tới. Vì vậy, BoJ cho rằng việc nới lỏng tiền tệ là cần thiết để đảm bảo thực hiện thành công mục tiêu duy trì lạm phát ổn định ở mức 2% đi kèm theo việc tăng lương.
Về phần mình, kể từ đầu năm tới nay, Fed đã 5 lần liên tiếp tăng lãi suất nhằm hạ nhiệt lạm phát. Mới đây nhất, trong phiên họp hồi tháng Chín, Fed đã tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75 điểm phần trăm. Đáng chú ý, Chủ tịch Fed Jerome Powell tuyên bố rằng giới chức nước này sẽ tiếp tục hành động dứt khoát để đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu 2%/năm, ngay cả khi điều đó có nghĩa là tỷ lệ thất nghiệp tăng và nguy cơ suy thoái trong ngắn hạn. Vì vậy, giới đầu tư lo ngại Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong hai cuộc họp còn lại của năm nay, nhất là khi CPI trong tháng Chín ở nước này đã tăng cao hơn so với kỳ vọng của thị trường.
Nếu Fed tiếp tục tăng lãi suất, khoảng cách lãi suất giữa Nhật Bản và Mỹ sẽ nới rộng, khiến đồng yen tiếp tục mất giá. Điều này có thể xảy ra ngay cả khi Chính phủ Nhật Bản tiếp tục can thiệp vào thị trường tiền tệ để chặn đà giảm giá của đồng yen.
Trước đó, hôm 22/9, Bộ Tài chính Nhật Bản đã phải thực hiện nghiệp vụ bán USD mua yen sau khi tỷ giá giữa hai đồng tiền này trên thị trường Tokyo đã tăng lên mức 145,9 yen/USD. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1998, Nhật Bản phải can thiệp vào thị trường bằng cách bán đồng USD mua đồng yen.
Mặc dù rõ ràng là việc đơn phương can thiệp vào thị trường tiền tệ không có nhiều tác dụng trong việc chặn đà mất giá của đồng yen nhưng Chính phủ Nhật Bản vẫn duy trì quan điểm sẵn sàng can thiệp vào thị trường tiền tệ nếu đồng yen biến động quá mức do các hoạt động đầu cơ. Phát biểu với các phóng viên ở Washington vào cuối tuần trước, Thứ trưởng Tài chính Nhật Bản Masato Kanda tuyên bố Chính phủ Nhật Bản và BoJ sẽ không ngần ngại can thiệp vào thị trường một lần nữa nếu các biến động quá mức trên thị trường ngoại hối vẫn tiếp tục. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi luôn sẵn sàng có hành động quyết định”.
Việc đồng yen mất giá sẽ khiến giá cả hàng hóa nhập khẩu, nhất là nhiên liệu – một mặt hàng mà Nhật Bản vẫn phải nhập khẩu là chủ yếu, trở nên đắt đỏ hơn, từ đó tác động tiêu cực tới đà phục hồi kinh tế vẫn còn mong manh của nước này. Trong bối cảnh đó, Chính phủ Nhật Bản đang chuẩn bị tung ra gói kích thích mới để vực dậy nền kinh tế và chống lạm phát. Phát biểu với các phóng viên sau cuộc gặp với ông Natsuo Yamaguchi, Chủ tịch đảng Công minh – đối tác của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền - ở Tokyo hôm 14/10, Thủ tướng Fumio Kishida khẳng định: “Chúng tôi sẽ soạn thảo một gói kích thích kinh tế táo bạo có thể thuyết phục những người dân thường Nhật Bản bằng bản chất và quy mô của nó”.
Theo các phương tiện truyền thông Nhật Bản, gói kích thích kinh tế mới sẽ tập trung vào ba lĩnh vực, gồm: giải quyết tình trạng giá hàng hóa leo thang và đồng yen mất giá, thúc đẩy tăng lương, và mang lại sức sống mới cho nền kinh tế thông qua đầu tư và cải cách. Đáng chú ý, Thủ tướng Kishida tiết lộ gói kích thích kinh tế mới sẽ hỗ trợ giảm hóa đơn tiền điện cho các hộ gia đình bị tác động bởi lạm phát. Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản sẽ cân nhắc xây dựng chương trình tương tự để hỗ trợ cắt giảm chi phí khí đốt cho các hộ gia đình.
Trước đó, hôm 9/9, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định thực hiện gói biện pháp mới để giảm bớt tác động của lạm phát tới các hộ gia đình và doanh nghiệp trong nước. Đáng chú ý, Chính phủ Nhật Bản sẽ chi khoảng 900 tỷ yen (6,054 tỷ USD) để thực hiện chương trình trợ cấp trực tiếp 50.000 yen/hộ cho các hộ gia đình có thu nhập thấp được miễn thuế cư trú. Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ gia hạn chương trình trợ cấp cho các nhà nhập khẩu và bán buôn xăng dầu thêm ba tháng cho tới cuối năm nay nhằm duy trì ổn định giá nhiên liệu trong nước…