Liệu khí hóa lỏng của Mỹ có thể cạnh tranh trên quy mô toàn cầu?
Trong ngắn hạn, xuất khẩu LNG của Mỹ đang lập kỷ lục, hưởng lợi từ giá giao ngay mùa hè cao nhất ở Châu Á trong ít nhất 6 năm và tồn kho khí tự nhiên đang nằm ở mức rất thấp của Châu Âu. Châu Âu đang phải bổ sung khí đốt tự nhiên sau một mùa đông khắc nghiệt làm cạn kiệt hàng tồn kho vì đợt lạnh giá vào tháng 4 đã khiến các kho dự trữ bị rút đi rất nhiều.
Hiện tại, các nguyên tắc cơ bản của thị trường cho thấy xuất khẩu LNG của Mỹ tăng mạnh trong ngắn hạn do nguồn cung của Mỹ đang hấp dẫn đối với người mua. Nhưng LNG của Mỹ hấp dẫn như thế nào trong trung và dài hạn?
Khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Mỹ hấp dẫn vì không liên kết với giá dầu thô. Ảnh: Informa.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng của Viện Baker (CES), nguồn cung LNG của Mỹ sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trên thị trường toàn cầu trong tương lai, nhờ vào ba khía cạnh chính: định giá phi dầu mỏ, động cơ địa chính trị của an ninh năng lượng với người mua - đặc biệt là ở các khu vực của Châu Âu, và mong muốn của những người mua khác, đặc biệt là ở Châu Á khi muốn chuyển từ sản xuất nhiệt điện than sang đốt khí tự nhiên sạch hơn.
Michelle Michot Foss và Anna Mikulska tại Viện Baker lập luận: “Nhu cầu về nguồn cung cấp đa dạng để chống lại rủi ro an ninh năng lượng và mong muốn sử dụng khí đốt tự nhiên sạch hơn có thể duy trì tốt việc xuất khẩu LNG của Mỹ cho những khách hàng nhạy cảm về giá cả”.
“Các phân tử của Tự do Mỹ”
LNG của Mỹ hấp dẫn ở các nước Trung và Đông Âu muốn giảm bớt sự phụ thuộc vào đường ống dẫn khí của Nga và công ty độc quyền khí đốt Gazprom. Những quốc gia này bao gồm Ba Lan và các nước vùng Baltic, vốn đã mong muốn loại bỏ ảnh hưởng năng lượng của Nga và tiếp tục phản đối mạnh mẽ dự án đường ống Nord Stream 2 từ Nga đến Đức bỏ qua khu vực Ukraine.
Chính quyền Mỹ thậm chí còn coi xuất khẩu LNG là “các phân tử tự do của Mỹ xuất khẩu ra thế giới”. Hai năm trước, Mỹ đã phê duyệt các dự án mới nhằm bổ sung năng lực hóa lỏng và xuất khẩu của mình.
Định giá phi dầu mỏ
Các nhà cung cấp LNG của Mỹ cũng đã cách mạng hóa việc định giá và hợp đồng thời hạn bằng cách liên kết giá với cơ sở đo lường khí đốt tự nhiên theo tiêu chuẩn Henry Hub của Mỹ (thay vì liên kết với dầu) và cho phép có sự linh hoạt hơn ở các điểm giao hàng và thời hạn của hợp đồng. LNG của Mỹ cũng được hưởng lợi từ thị trường giao ngay ngày càng cạnh tranh.
Sự phục hồi của giá dầu trong những tháng gần đây đã làm tăng giá LNG toàn cầu liên kết với giá dầu thô. Vì thế, nguồn cung LNG liên kết với tiêu chuẩn khí đốt của Mỹ trở nên hấp dẫn hơn.
Các điều khoản linh hoạt và các lựa chọn thay thế giá cả cho các hợp đồng liên kết với dầu là những điểm mạnh với nguồn cung LNG của Mỹ. Nhưng thực tế về mặt chi phí, hàng hóa xuất khẩu của Mỹ vẫn phải vật lộn để cạnh tranh với Qatar. Không phải tất cả các dự án được lên kế hoạch ở Mỹ đều chắc chắn sẽ nhận được quyết định đầu tư cuối cùng (FID) trong những năm tới.
Quyết định của Qatar về việc phát triển dự án lớn nhất thế giới về năng suất LNG là thách thức lớn đối với các nhà xuất khẩu LNG chủ chốt khác, bao gồm cả Mỹ, nhằm giảm chi phí.
Ngoài định giá phi dầu mỏ, yếu tố địa chính trị cũng khiến LNG của Mỹ hấp dẫn các nước Châu Âu hơn là khí đốt của Nga. Ảnh: NortonRoseFullbright.
Khi Qatar tuyên bố về dự án mở rộng khổng lồ của mình vào hồi đầu năm, Giám đốc nghiên cứu Giles Farrer của Wood Mackenzie nói: “Với mức giá hòa vốn dài hạn chỉ hơn 4 USD/triệu đơn vị nhiệt của Anh, nó nằm ngay ở ngay đáy của đường cong chi phí LNG toàn cầu, cùng với các dự án ở Bắc Cực của Nga”.
“Qatar đang theo đuổi việc chiếm thị phần. FID này có khả năng gây áp lực lên các nhà cung cấp LNG trước các FID khác, những người có thể thấy Qatar đã có chỗ đứng vững chắc ở các thị trường mới ”, Farrer nói thêm.
Mặc dù chi phí và giá LNG của Mỹ cao hơn, nhưng đối với một số người mua, đặc biệt là ở Trung Âu, việc trả nhiều tiền hơn cho nguồn cung của Mỹ là cái giá nhỏ hơn phải trả so với việc tiếp tục phụ thuộc vào Nga cho phần lớn khí đốt của mình.
“Gót chân Achilles” của nguồn cung LNG Mỹ
Gạt vấn đề giá cả và địa chính trị sang một bên, yếu tố thứ ba - ngày càng quan trọng - là mong muốn sử dụng nguồn năng lượng sạch hơn, sẽ định hình sức hấp dẫn của nguồn cung LNG Mỹ trong tương lai.
Các nền kinh tế phát triển lớn đang chạy đua với các mục tiêu phát thải ròng bằng 0, trong khi các nhà đầu tư và những người ủng hộ các dự án nhiên liệu hóa thạch đòi hỏi các mục tiêu giảm phát thải và cấu hình nguồn cung mới. Theo Wood Mackenzie, đây là “gót chân Achilles” của xuất khẩu LNG Mỹ.
Nguồn cung của Mỹ hấp dẫn về mặt giá cả không liên quan đến dầu mỏ hoặc tính linh hoạt trong hợp đồng. Nhưng lượng khí thải carbon của nó có thể là yếu tố cản trở khách hàng, đặc biệt là ở Tây Âu, nơi đang ngày càng chú ý tới hồ sơ phát thải của năng lượng nhập khẩu.
Tại Mỹ, các nhà phát triển đã bắt đầu đặt cược vào việc làm cho tác động môi trường thấp hơn khi cạnh tranh với Qatar và Úc để dẫn đầu về xuất khẩu LNG toàn cầu.
Alex Munton, nhà phân tích chính của Wood Mackenzie về LNG tại Châu Mỹ, cho biết: “Để giành được khách hàng, các nhà phát triển LNG phải làm nhiều hơn nữa để chứng minh chứng chỉ xanh trong các dự án của mình".
Sản xuất khí ở thượng nguồn của 48 tiểu bang vùng hạ nước Mỹ cần giảm lượng khí thải để thu hút người mua trong quá trình chuyển đổi năng lượng.
Ông Giles Farrer nói: “Sẽ mất nhiều năm kiểm soát chặt chẽ hơn trước khi khí đốt thượng nguồn của Mỹ cạnh tranh về cường độ phát thải carbon với các lưu vực toàn cầu”.
Lợi ích của LNG so với than ở Châu Á là điểm lợi thế cho xuất khẩu của Mỹ. Nhưng việc Tây Âu từ chối nguồn cung của Mỹ do lo ngại về khí thải, có thể sẽ thay đổi cách các nhà phát triển LNG Mỹ lập kế hoạch và thiết kế năng lực xuất khẩu của họ để duy trì khả năng cạnh tranh không chỉ về mặt chi phí mà còn trong chứng chỉ "xanh".
Tiệp Nguyễn