Lộ diện nhà đầu tư chi gần 6.500 tỷ đồng làm dự án khu công nghiệp tại Đông Anh

Đông Bắc 12:47 | 06/03/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Đông Anh, thành phố Hà Nội. Dự án có tổng vốn đầu tư là 6.338,478 tỷ đồng.

  

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 5/3/2024 chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng  khu công nghiệp Đông Anh (Hà Nội).

Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) là chủ đầu tư Dự án.

Dự án được thực hiện tại các xã Nguyên Khê, Xuân Nộn, Thụy Lâm, Liên Hà và thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội với tổng vốn đầu tư là 6.338,478 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư 1.267,696 tỷ đồng.

Quy mô sử dụng đất của dự án là 299,45 ha gồm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 là 179,1 ha và giai đoạn 2 là 120,35 ha; trong đó, không tính phần diện tích đất các nhà đầu tư, doanh nghiệp hiện hữu đã thuê đất của Nhà nước theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với quy hoạch phân khu đô thị N6 và quy hoạch phân khu xây dựng khu công nghiệp Đông Anh vào phần diện tích được phép cho thuê lại đất của nhà đầu tư.

 

 Chủ trương đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Đông Anh, Hà Nội được chấp thuận. Ảnh VGP.

Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm về những nội dung được giao thẩm định chủ trương đầu tư dự án và thực hiện quản lý nhà nước về khu công nghiệp theo quy định của Luật Đầu tư và pháp luật có liên quan.

Các Bộ, ngành có liên quan chịu trách nhiệm về nội dung thẩm định chủ trương đầu tư dự án thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của Luật Đầu tư và pháp luật có liên quan.

Chính phủ yêu cầu UBND thành phố Hà Nội đảm bảo tính chính xác của thông tin, số liệu báo cáo, các nội dung thẩm định theo quy định của pháp luật; sự phù hợp của dự án với các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và chịu trách nhiệm về những nội dung đã chấp thuận, thẩm định, phê duyệt hoặc giải quyết trước đó; tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành.

Kiểm tra, giám sát, đảm bảo dự án triển khai phù hợp với vị trí quy hoạch phát triển khu công nghiệp Đông Anh đã được phê duyệt. Không được chuyển phần diện tích quy hoạch phát triển khu công nghiệp Đông Anh còn lại đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sang mục đích khác khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Tổ chức lập và phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng khu công nghiệp Đông Anh theo quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật về khu công nghiệp và khu kinh tế; xem xét bố trí quỹ đất công nghiệp trong khu công nghiệp Đông Anh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp thuộc diện ưu tiên, hỗ trợ mặt bằng sản xuất kinh doanh thuê lại đất.

Kiểm tra, xác định nhà đầu tư đáp ứng điều kiện được Nhà nước cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án tại thời điểm cho thuê, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

Tổ chức xây dựng và thực hiện phương án thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, chuyển mục đích sử dụng đất, cho thuê đất theo trình tự, thủ tục, quy định của pháp luật về đất đai, quy định về quản lý, sử dụng đất trồng lúa và các văn bản có liên quan; phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có liên quan...

Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (nhà đầu tư) chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, chính xác, trung thực của nội dung hồ sơ dự án và văn bản gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đảm bảo góp đủ vốn chủ sở hữu theo cam kết để thực hiện dự án theo đúng tiến độ và tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai; đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 02/2022/NĐ-CP ngày 6/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản khi thực hiện hoạt động kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp.

Đồng thời, chỉ được thực hiện dự án sau khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, bao gồm được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa và có trách nhiệm nộp một khoản tiền để bảo vệ, phát triển đất trồng lúa theo quy định tại khoản 3 Điều 134 Luật Đất đai và Điều 45 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai...

 

Doanh thu Vinaconex đạt mốc cao nhất một thập kỷ

Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã chứng khoán: VCG) đã có báo cáo quý IV/2023 với doanh thu thuần 3.790 tỷ đồng, tăng 116% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, doanh thu tài chính cũng tăng 35%. Công ty cũng tiết giảm được phần các chi phí như chi phí tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp.

Kết quả, Vinaconex lãi sau thuế 132 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ báo lỗ.

Lũy kế cả năm 2023, Vinaconex ghi nhận doanh thu thuần 12.705 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là mức doanh thu thuần cao nhất của công ty từ năm 2012 đến nay.

Hoạt động xây lắp vẫn đóng vai trò chủ đạo với doanh thu gần 8.274 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ. Mảng kinh doanh bất động sản cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng lên 2.315 tỷ đồng (cao gấp 11 lần so với kết quả 212 tỷ đồng cùng kỳ).

Song, do giá vốn và các chi phí tăng, trong khi doanh thu tài chính và lợi nhuận khác giảm, cùng với việc ghi nhận khoản lỗ từ công ty liên doanh, liên kết sâu hơn cùng kỳ, Vinaconex báo lãi sau thuế 336 tỷ đồng, giảm 64% so với năm 2022. Kết quả này tương đương thực hiện được 39% trong mục tiêu lãi 860 tỷ đồng mà công ty đề ra cho năm 2023.

Lãi giảm, song, nhờ thu hồi công nợ, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Vinaconex dương gần 3.302 tỷ đồng trong năm 2023, trong khi cùng kỳ âm gần 1.767 tỷ đồng. Cũng qua đó, công ty duy trì được dòng tiền thuần dương hơn 572 tỷ đồng, sau các khoản chi hàng nghìn tỷ để đầu tư và trả nợ.