Lỗ gần nghìn tỷ đồng, Vietjet Air đang làm những điều này để bù đắp tổn thất vì dịch COVID-19
Để tăng thêm nguồn thu bù đắp hoạt động cốt lõi là vận tải bị giảm sút, Vietjet Air tiếp tục mở ra các giải pháp kinh doanh mới như tự phục vụ mặt đất tại cảng hàng không Nội Bài để giảm chi phí vận hành.
Hãng hàng không thế hệ mới Vietjet Air vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2020 với ghi nhận doanh thu từ dịch vụ vận tải hàng không tăng so với quý II/2020.
Theo đó, với hoạt động chính là vận tải hàng không bị tác động lớn bởi dịch COVID-19, báo cáo tài chính ghi nhận doanh thu dịch vụ vận tải hàng không là 2.802 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế lỗ 926 tỷ đồng. Kết quả hợp nhất quý III cũng ghi nhận doanh thu đạt 2.809 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế lỗ 971 tỷ đồng.
Giải pháp kinh doanh nào giúp Vietjet Air bù đắp tổn thất hậu COVID-19?
"Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm"
Để tăng thêm nguồn thu bù đắp hoạt động cốt lõi là vận tải bị giảm sút, Vietjet Air đã có nhiều chiến lược hoạt động tăng nguồn thu như: tự phục vụ mặt đất tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Cam Ranh từ 1/1/2020, tăng nguồn thu dịch vụ phụ trợ tại sân bay.
Hiện nay, phục vụ mặt đất tại các Cảng hàng không do Công ty Cổ phần Phục vụ mặt đất Hà Nội do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam và Công ty Cổ phần Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS) thực hiện.
Các dịch vụ mà hai công ty này cung cấp cho hàng chục hãng hàng không trong nước và quốc tế như: Dịch vụ phục vụ hành khách đi, đến, thủ tục hành lý, thiết bị phục vụ hành khách trên sân đỗ như xe thang, chất dỡ hành lý, xe phục vụ tổ bay, xe chung chuyển hành khách, hành lý…
Chỉ riêng việc phục vụ mặt đất trọn gói cho các hãng hàng không đã giúp SAGS thu về 1.288 tỷ đồng trong năm 2018; tăng trưởng 16% so với năm 2017 và vượt kế hoạch đề ra; lợi nhuận sau thuế năm 2018 đạt 263 tỷ đồng, vượt 18% so với kế hoạch. Còn Công ty Cổ phần phục vụ mặt đất Hà Nội lợi nhuận 72,4 tỷ đồng trong năm 2018, tăng 6% so với năm 2017.
Có thể thấy, chiến lước cắt giảm chi phí vận hành của Vietjet Air có hiệu quả rõ rệt.
Đồng thời Vietjet Air đã liên tục cho ra mắt các sản phẩm mang lại giá trị mới cho hành khách cùng nhiều chương trình khuyến mãi. Ngoài hạng vé Skyboss và Eco, ngày 18/09/2020 Vietjet Air đã công bố hạng vé mới Deluxe với các dịch vụ đi kèm khác biệt được thiết kế riêng cho các phân khúc khách hàng khác nhau, đáp ứng nhu cầu của hành khách, tăng nguồn thu dịch vụ ngoài giá vé.
Bên cạnh đó, Vietjet Air tiếp tục đàm phán với các nhà cung cấp; trong đó giảm chi phí hoạt động thuê tàu bay, chi phí bảo trì bảo dưỡng và tối ưu các chi phí khai thác theo giờ bay, với bình quân chi phí hoạt động giảm từ 50% tới 70%.
Trước đó, Vietjet Air đã có văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh Phú Yên xem xét chấp thuận cho Vietjet được tài trợ việc điều chỉnh quy hoạch cảng hàng không Tuy Hòa giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo định hướng phát triển tổng thế hệ thống cảng hàng không, sân bay trên toàn quốc.
Đồng thời đánh giá lại tổng thể quy hoạch cảng hàng không Tuy Hòa đã được phê duyệt tại Quyết định số 4123 và điều chỉnh quy hoạch chi tiết để phù hợp với định hướng phát triển của cảng hàng không Tuy Hòa trong hệ thống cảng hàng không, sân bay trên toàn quốc.
Giai đoạn đến năm 2025, Cảng hàng không Tuy Hòa có thể tiếp nhận 300.000 lượt hành khách/năm và hàng hóa thông qua cảng là 2.000 tấn/năm.
Để vượt qua khó khăn thời gian bệnh dịch COVID-19 Vietjet Air đã liên tục cho ra mắt các sản phẩm mang lại giá trị mới cho hành khách
Giảm tải áp lực từ Chính phủ
Theo Thông tư 19/2020/TT-BGTVT ngày 1/9/2020 của Bộ Giao thông Vận tải các hãng hàng không được giảm 50% chi phí hạ cất cánh, phục vụ mặt đất và điều hành bay, giúp các hãng tiết kiệm chi phí. Khả năng Chính phủ sẽ tiếp tục hỗ trợ giảm thuế môi trường nhiên liệu bay và giảm phí phục vụ mặt đất, hạ cất cánh kéo dài đến hết năm 2021 và thực hiện chương trình cho vay ưu đãi.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất giảm 70% mức thuế bảo vệ môi trường năm 2021 đối với nhiên liệu bay. Theo tính toán, giải pháp này có thể khiến số thu ngân sách giảm khoảng hơn 2.400 tỷ đồng nhưng có tác dụng giúp các hãng hàng không giảm chi phí đầu vào, giảm áp lực về dòng tiền để duy trì hoạt động.
Trong dự thảo gói hỗ trợ lần 2 cho các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng hướng trọng tâm, trọng điểm vào các giải pháp, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hàng không.
Cụ thể là đề xuất Chính phủ bảo lãnh các khoản vay cho các doanh nghiệp hàng không; nghiên cứu cơ chế cho Tổng Công ty Kinh doanh và đầu tư vốn nhà nước (SCIC) được phép đầu tư vào các doanh nghiệp hàng không theo hướng cho phép thực hiện quy chế đặc thù để bảo đảm tách bạch kết quả hoạt động đầu tư này với kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh chung của doanh nghiệp.
SkyBoss Của Vietjet Air. Nguồn: Vietjet
Hải Yến