Lỗ hổng BT: Cốt lõi liệu có nằm từ lợi ích tư nhân?

08:55 | 20/08/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Dự án BT là một hình thức PPP (đối tác công tư), dựa trên nhu cầu đầu tư xây dựng phuc vụ xã hội, tuy nhiên thời gian qua không ít các dự án bị “bóp méo” thiếu hiệu quả, gây thất thoát, chủ yếu mang lại lợi ích tư.

Lời toà soạn: Trong những năm vừa qua, nhìn nhận một cách khách quan không thể phủ nhận được vai trò của các dự án BT (đổi đất lấy công trình). Các dự án BT đóng góp một vai trò trong sự phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông và điều kiện môi trường. Đặc biệt, các dự án BT nếu được thực hiện một cách nghiêm túc và minh bạch sẽ còn góp phần làm giảm gánh nặng cho ngân sách và đảm bảo quyền lợi cho các bên tham gia.

Mô hình đầu tư theo hình thức BT có thể hiểu một cách đơn giản hơn đó chính là các dự án được xây dựng, được chuyển giao, hay còn được gọi là đổi đất lấy cơ sở hạ tầng. Nhìn tổng thể thì hình thức này đã góp phần không nhỏ phát triển hệ thống hạ tầng, các công trình phúc lợi phục vụ lợi ích cộng đồng, đặc biệt là huy động nguồn lực khu vực tư nhân. Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến của cơ quan quản lý và chuyên gia kinh tế cũng vạch ra nhiều lỗ hổng và vấn đề đã, đang hiện hữu trong quá trình thực hiện các dự án BT.

Lỗ hổng BT: Cốt lõi liệu có nằm từ lợi ích tư nhân? - ảnh 1

Nhiều lỗ hổng đã hiện rõ trong quá trình thực hiện

Kỳ vọng rồi thất vọng?

Tại hội thảo khoa học: “Dự án PPP và vai trò của Kiểm toán Nhà nước” diễn ra vào tháng 3/2020, với sự tham dự của các lãnh đạo, chuyên gia và nhà khoa học của Kiểm toán Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Quốc hội và UBND một số tỉnh, thành phố phía bắc cũng chỉ ra nhiều vấn đề xung quanh việc triển khai các dự án BT.

Theo Báo cáo số 25/BC-CP ngày 30-1-2019 của Chính phủ về tổng kết tình hình thực hiện dự án PPP, đến nay cả nước đã có 336 dự án PPP (trong đó, 140 dự án theo hợp đồng BOT, 188 dự án theo hợp đồng BT và tám dự án được áp dụng các loại hợp đồng khác); huy động được khoảng 1.609.295 tỷ đồng vào đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng quốc gia). Trong đó, 99 dự án BT với tổng vốn đầu tư khoảng 117.421 tỷ đồng, ba dự án theo hình thức khác.

Kiểm toán nhà nước cũng chỉ ra rằng, đối với các dự án BT thanh toán bằng quỹ đất cũng đã bộc lộ một số bất cập (tương tự như các dự án BOT) về công tác công bố dự án, lạm dụng chỉ định thầu, công tác giám sát lỏng lẻo... Ngoài ra, công tác xác định giá trị quỹ đất để thanh toán còn nhiều hạn chế, dẫn đến sự chênh lệch lớn giữa giá trị công trình BT và giá trị quỹ đất thanh toán, chênh lệch giữa giá đền bù, giá công bố của chính quyền địa phương và giá bán của nhà đầu tư gây bức xúc trong xã hội.

Hơn nữa, nhiều dự án đầu tư được phê duyệt khi không có báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt; Việc xác định giá trị nghiệm thu thanh toán áp dụng giá vật tư, xăng, dầu, cát vàng, xi-măng… không đúng tại thời điểm thi công làm tăng giá trị ảo cho dựa án.

Tính đến thời điểm 2018, qua kiểm toán tại 30 dự án BT từ trước tới nay, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 4.515 tỷ đồng, trong đó có dự án tỷ lệ xử lý tài chính lên đến 27% tổng giá trị dự án được kiểm toán.

Thanh tra Chính phủ cũng đã có thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong thực hiện một số dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, BOT trên địa bàn TP. Hà Nội. Tại thời điểm thanh tra, có 15 dự án theo hình thức hợp đồng BT, chỉ có một dự án thực hiện đấu thầu, còn lại đều là chỉ định thầu.

Tại một số dự án BT, có hiện tượng cơ quan chức năng TP. Hà Nội thẩm định, phê duyệt sai, ẩu, dẫn đến tăng tổng mức đầu tư dự án, ảnh hưởng đến việc tính toán, sắp xếp các phương án giao đất đối ứng để xác định thu tiền sử dụng đất.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan "các dự án BT sẽ mang lại lợi ích cho ai?". Thực chất, các dự án BT là sử dụng nguồn ngân sách nhà nước, vốn đầu tư chủ yếu là vốn vay (khoảng 85%) và được tính lãi, với lãi suất tối đa huy động bằng 1,3 lần lãi suất trái phiếu Chính phủ. Điều này dẫn đến việc thực hiện dự án BT không thực sự giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Trong khi đó, khi một con đường mới được xây dựng theo hình thức BT, chủ đầu tư lại được giao đất đối ứng ngay cạnh dự án đó. Như vậy, rõ ràng khi dự án được hoàn thành, giá trị bất động sản tại khu đất đó sẽ được tăng lên nhiều lần. Con đường mới xây đó không gì khác là phục vụ cho chính dự án của chủ đầu tư và cư dân tại đó sau này.

“Miếng bánh dành cho doanh nghiệp”

Như đã nêu ở trên, trong những năm vừa các dự án BT mặc dù được đã đặt nhiều kỳ vọng, tuy nhiên do quá trình thực hiện còn nhiều bất cập dẫn đến hiệu quả không cao, chủ yếu mang lại lợi ích cho doanh nghiệp.

Nhận định từ phía Thanh tra chính phủ, việc giám sát thực hiện hợp đồng các dự án BT (xây dựng — chuyển giao) của UBND thành phố Hà Nội và các cơ quan có liên quan còn chưa chặt chẽ. Hầu hết các dự án đều chậm tiến độ, kéo dài thời gian thực hiện, phải gia hạn hợp đồng làm phát sinh, tăng chi phí đầu tư và không hoàn thành đúng tiến độ để đảm bảo phục vụ các mục tiêu cấp bách, kịp thời như chủ trương đề ra ban đầu.

Những sai sót đó dẫn tới việc ký kết giá trị hợp đồng BT ban đầu (căn cứ theo tổng mức đầu tư) thường có giá trị lớn hơn nhiều so với giá trị thực tế thực hiện mà không ít các dự án đã bị Kiểm toán nhà nước điểm mặt chỉ tên. Dự án xây dựng tuyến đường từ Lê Đức Thọ đến Khu đô thị mới Xuân Phương (chủ đầu tư là Công ty CP Tasco) có con số báo cáo là 1.543,6 tỉ đồng; còn giá trị KTNN xác nhận lại chỉ hơn 946,5 tỉ đồng (chênh nhau gần 600 tỉ đồng). KTNN chỉ ra rằng, dự án lựa chọn chủ đầu tư là CTCP Tasco không đủ năng lực tài chính, thiết kế dự toán không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt là nguyên nhân gây thất thoát ngân sách lớn; thương thảo, kí hợp đồng chưa đảm bảo quy định.

Còn tại dự án đầu tư xây dựng Nút giao thông trung tâm quận Long Biên có tổng mức đầu tư báo cáo là 2.379,7 tỉ đồng. Quỹ đất được UBND TP Hà Nội dự kiến giao nghiên cứu để thực hiện dự án đối ứng nhằm thu hồi vốn đầu tư dự án BT là tại 4 vị trí trên địa bàn quận Long Biên và huyện Gia Lâm, tổng diện tích tạm xác định là 567,4 ha. Sau kiểm toán, dự án này bị giảm tới gần 1.080 tỷ đồng, chỉ còn 1.300 tỷ đồng, thay vì gần 2.480 tỷ đồng tổng mức đầu tư dự kiến trước đó.

Một dự án khác là tuyến đường bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An theo hình thức BT chỉ định cho Bitexco, dự án gồm 2 tuyến đường. Tuyến số 1 có chiều dài hơn 2,5 km có điểm đầu giao với đường vành đai 3, điểm cuối nối với đường 70.

Tuyến số 2 (trong dự án gọi là tuyến số 5) là tuyến đường giáp ranh giữa Khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An và khu chức năng đô thị nam đường vành đai 3. Tuyến này có chiều dài gần 1,2 km, điểm đầu giao cắt với tuyến số 1, điểm cuối giao cắt với dự án đường vào phía đông Khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An.

Tổng mức đầu tư dự án là 1.475 tỷ đồng. Để đổi lại khoản vốn này, Bitexco được UBND TP. Hà Nội đổi khu đất phía nam đường vành đai 3 (thuộc phường Đại Kim - quận Hoàng Mai và phường Thanh Liệt - huyện Thanh Trì). Đây là khu đất rộng khoảng 90 ha. Nếu tính cả hồ nước xung quanh có thể lên đến gần 200 ha. Dự án được trình xin chủ trương lựa chọn nhà đầu tư bằng phương pháp chỉ định thầu với lý do cấp bách, cần thiết. Tuy nhiên, UBND TP. Hà Nội lại không làm rõ được tính cấp bách, cần thiết của dự án này.

Lỗ hổng BT: Cốt lõi liệu có nằm từ lợi ích tư nhân? - ảnh 2

Dự án The Manor Central Park được hình thành từ phần đất đối ứng BT

Bên cạnh đó, nhà đầu tư dự án - tại thời điểm thẩm định, đánh giá lựa chọn nhà đầu tư - bị xác định là hạn chế về năng lực tài chính, không đảm bảo năng lực.

Trước tình trạng trên kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 14 đã thông qua dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) với rất nhiều điểm mới được ban hành.

Một trong những điểm mới đáng chú ý là loại hình hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) đã bị “khai tử” ra khỏi luật này.

Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) đã quy định dừng triển khai dự án mới áp dụng loại Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT) kể từ ngày Luật PPP có hiệu lực (01/01/2021) và dừng thực hiện dự án BT chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư kể từ ngày 15/08/2020.

Mặc dù, cũng đã có những ý kiến về việc chỉ nên “khai tử” tạm thời rồi lại làm sống lại các dự án theo hình thức BT. Tuy nhiên, nếu công tác quản lý, thực hiện vẫn còn lỏng lẻo và nhiều kẽ hở thì phương thức đối tác công tư này liệu có thật sự cân bằng hay chỉ làm “lợi cho tư”?

Để làm rõ tất cả vấn đề đó, Doanh nhân Việt Nam khởi đăng tuyến bài về các dự án BT và câu chuyện quản lý chính sách. Kính mời bạn đọc quan tâm theo dõi.


Hải Đăng

Xem thêm: Điểm mặt các dự án huy động vốn trái phép đình đám

 

ĐỌC NHIỀU