Lô tổ yến đầu tiên chính thức được xuất khẩu sang Trung Quốc
Lễ công bố xuất khẩu lô sản phẩm tổ yến đầu tiên của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đánh dấu một sự kiện đặc biệt quan trọng đối với ngành Nông nghiệp Việt Nam trong nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu nông sản, đồng thời đây cũng là một dấu mốc quan trọng đối với ngành yến của Việt Nam.
Đây là kết quả triển khai quyết liệt và có hiệu quả các yêu cầu về kiểm dịch, kiểm tra và vệ sinh thú y đối với các sản phẩm tổ yến của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc nêu tại Nghị định thư.
Như vậy sau hơn 5 năm, với sự chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sự nỗ lực của Cục Thú y và các đơn vị liên quan, cũng như sự quyết tâm của doanh nghiệp thì các sản phẩm tổ yến của Việt Nam đã chính thức có được giấy thông hành đi vào thị trường Trung Quốc, một trong những thị trường tiềm năng nhất thế giới, với dân số hơn 1,4 tỷ người và có nhu cầu rất lớn về tổ yến và các sản phẩm từ yến.
Tại Việt Nam, nghề nuôi chim yến với mục đích thương mại là một hoạt động sản xuất mới xuất hiện từ năm 2004 ở một số tỉnh Nam Bộ. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, nghề này đã phát triển nhanh với nhiều loại hình và quy mô khác nhau. Nhiều tỉnh, thành có lợi thế về tự nhiên để phát triển nghề nuôi chim yến, tạo việc làm và nguồn thu đáng kể cho người dân. Hiện nay, cả nước có 42/63 tỉnh có nuôi chim yến với trên 22.000 nhà yến. Sản lượng tổ yến của Việt Nam khoảng 150 tấn, giá trị trên 600 triệu USD. Ngành yến Việt Nam đang có nhiều cơ hội phát triển và tiềm năng mang lại giá trị kinh tế rất cao, đặc biệt là sau khi Nghị định thư về xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc được ký kết.
Việc Trung Quốc chính thức cho phép nhập khẩu sản phẩm tổ yến từ Việt Nam sẽ tạo cơ hội lớn cho ngành chăn nuôi chim yến và sản xuất, chế biến tổ yến của Việt Nam.
Phát biểu khai mạc buổi lễ, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh: "Trung Quốc là thị trường lớn với dân số hơn 1,4 tỷ người, đây cũng là thị trường tiêu thụ sản phẩm tổ yến lớn nhất thế giới, với nhu cầu hơn 300 tấn/năm, chiếm khoảng 80% thị phần toàn cầu. Với nhu cầu lớn như vậy, trong khi sản lượng khai thác tổ yến của Trung Quốc còn hạn chế, vì vậy hàng năm Trung Quốc đã nhập khẩu lượng lớn yến sào từ các nước khác.
Các số liệu chuyên ngành tổ yến tại Trung Quốc cho biết, nhập khẩu tổ yến chính ngạch vào Trung Quốc năm 2020 là 220 tấn, năm 2021 khoảng hơn 300 tấn và năm 2022 là 452 tấn. Trung Quốc nhập khẩu yến sào từ nhiều quốc gia Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia, Thái Lan và hiện nay có thêm Việt Nam.
Chúng tôi nhìn nhận việc Trung Quốc đồng ý nhập khẩu sản phẩm tổ yến của Việt Nam vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức để các doanh nghiệp sản xuất, chế biến sản phẩm tổ yến tự hoàn thiện, đổi mới công nghệ để đáp ứng các yêu cầu của thị trường nhập khẩu".
2023 sẽ là năm bản lề để xuất khẩu tổ yến
Trao đổi với phóng viên, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: “Sự kiện có ý nghĩa quan trọng, nhất là trong bối cảnh sản phẩm chính của ngành chăn nuôi là thịt gia súc, gia cầm chững lại sau một giai đoạn dài bị Covid. Lô hàng yến đầu tiên được xuất khẩu theo Nghị định thư là thành tựu quan trọng, sự cố gắng của nhiều cơ quan trong và ngoài Bộ Nông nghiệp.
Với Việt Nam, ngành chăn nuôi có vai trò quan trọng. Nếu ngành yến có thể phát triển bền vững thì mỗi năm có thể thu được trên 100 tấn, mang về giá trị cao trên thị trường trong nước và quốc tế.
Nếu phát triển nghề yến bền vững hơn thì phải đáp ứng đủ 2 điều kiện:
Thứ nhất là duy trì môi trường sinh thái, đặc biệt là môi trường sinh thái tự nhiên. Hệ côn trùng là nguồn thức ăn quan trọng của chim yến.
Thứ hai là kiểm toát tốt. Đồng thời tăng cường vai trò truyền thông để người dân không săn bắt yến sử dụng cho mục đích khác.
Đồng thời các địa phương phải có quy hoạch các vùng chăn nuôi để phát triển nghề yến bền vững”.
Về phía doanh nghiệp, ông Chinh cho rằng, các doanh nghiệp cần đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn để chế biến sâu của thị trường nhập khẩu (cụ thể là Trung Quốc). Ngoài ra cũng phải đáp ứng thêm các yêu cầu kiểm dịch, an toàn thực phẩm, đặc biệt là tập quán của người Trung Quốc khi sử dụng các sản phẩm của chúng ta. “Các doanh nghiệp khi tham gia xuất khẩu yến cần có sự liên kết, hợp tác chặt chẽ để trong Hiệp hội hay khu vực xuất khẩu có thể chia sẻ thông tin, giúp đỡ lẫn nhau để phát triển thị trường. Thông qua đó có thể giảm chi phí logistic, dễ dàng truy suất nguồn gốc xuất xứ.”, đại diện Cục Chăn nuôi chia sẻ.
“2023 là năm đầu tiên Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc và cũng là những bước đầu làm quen để hoàn chỉnh quy trình xuất nhập khẩu, chuẩn bị cho sự tăng tốc những năm tiếp theo”, ông Chinh kỳ vọng.
Xuất khẩu yến qua chế biến sẽ giúp nâng giá trị tổ yến lên gấp 3 lần
Chia sẻ thêm với phóng viên bên lề sự kiện, ông Võ Nguyên Hoà, Ban chấp hành Hiệp hội Yến Sào Bình Định (doanh nghiệp sở hữu 4 nhà yến) cho hay, mỗi năm, các nhà yến ở đây cho sản lượng khoảng 4 tấn với 2.000 yến. Khó khăn lớn nhất với các nhà yến là tình trạng săn bắt động vật quý hiếm nói chung và yến nói riêng. Đây là vấn đề nan giải và khó giải quyết với tất cả bà con nuôi yến. “Quyết định của Thủ tướng cũng rất kịp thời là các Sở, ban ngành cùng vào cuộc để ngăn chặn nạn săn bắt chim yến”, ông Hoà cho hay.
Chia sẻ về giá bán yến thô trong nước, đại diện Hiệp hội nhận định: “Yến thô trong nước hiện chưa được xuất khẩu chính ngạch nên giá trị tương đối thấp, khoảng 18-22 triệu/kg. Nếu được chế biến và xuất khẩu thì giá trị có thể tăng gấp 3 lần. Khi đó bà con yến sẽ rất phấn khởi, mang lại nguồn thu lớn cho quốc gia”.
Đầu tư vào yến vẫn là ngành nghề rủi ro
Nuôi yến và tổ yến không là ngành nghề mới, tuy nhiên chỉ nuôi được ở một vài địa phương do đặc điểm địa hình và khí hậu. Do đó, đây là một ngành nghề khá rủi ro nếu người dân vay vốn để đầu tư. “Không phải ai xây nhà yến cũng thành công, tỷ lệ thất bại lên tới 40%. Trong số 2.000 nhà yến ở Bình Định, có đến 600 nhà không có chim yến. Do đó bà con kinh doanh phải có vốn nhàn rỗi để đầu tư, chứ không nên đi vay vốn”, ông Hoà nói.
Nói thêm về vốn tín dụng cho ngành yến, ông Lê Thành Đại, Chủ tịch Hiệp hội Yến sào Việt Nam nhận định: “Hiện nay, nuôi yến vẫn chưa phải là ngành nghề đại trà, chỉ tập trung ở một vài địa phương. Chỉ sử dụng vốn nhàn rỗi để đầu tư thì nhà yến mới đem lại hiệu quả, bởi thời gian chờ đợi để có thể thu lợi ít nhất 3 năm. Do đó, giới đầu tư vào yến thường không phải nông dân, chủ yếu là giới có khả năng kinh tế, không phải đi vay”.