Ngành hoá chất phân hóa mạnh, có những cái tên ghi nhận lợi nhuận tăng vọt
Giá ure giảm tác động mạnh đến doanh thu
Thời gian gần đây, giá phân urê (chủng loại dẫn dắt thị trường phân bón trong nước) đã giảm nhẹ theo giá thế giới. Theo phân tích của công ty nghiên cứu thị trường Agroviet, trong ngắn hạn, thị trường có xu hướng dư cung do nguồn cung từ Nigeria và Đông Nam Á phục hồi. Ngoài ra, xuất khẩu urê của Trung Quốc dự kiến tăng. Nhu cầu phân bón urê dường như không cải thiện khiến cả thương nhân và nhà nhập khẩu đều có xu hướng giảm giá chào bán.
Giá urê được các nhà phân phối và đại lý chào giá sang tay ở mức 9.500-9.900 đồng/kg, giảm 75 đồng/kg so với hai tuần trước đây. Tại Sài Gòn, các nhà phân phối chào bán urê ở mức 9.700-9.800 đồng/kg, giảm 350 đồng/kg so với hai tuần trước đó.
Trong bối cảnh đó, hai doanh nghiệp đầu ngành phân bón là Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau đều chứng kiến kết quả kinh doanh quý III giảm sút so với cùng kỳ. Theo đó, lợi nhuận sau thuế cùng giảm trên 90% xuống 84 tỷ và 74 tỷ đồng.
Theo giải trình, Đạm Cà Mau cho biết, sản lượng tiêu thụ sản phẩm quý III tăng 36% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá các mặt hàng phân bón giảm kéo doanh thu thấp xuống, trong khi giá vốn tăng mạnh. Bên cạnh đó, chi phí bán hàng gia tăng do công ty đẩy mạnh hoạt động bán hàng, mở rộng thị trường và xuất khẩu hàng hóa.
Giá phân giảm cũng là nguyên nhân Đạm Phú Mỹ đưa ra để giải đáp cho mức giảm lợi nhuận của mình.
Một doanh nghiệp lớn khác ngành hoá chất là Hóa chất Đức Giang cũng ghi nhận lợi nhuận giảm mạnh tới 47%. Tuy nhiên, đơn vị này ghi nhận lợi nhuận sau thuế lớn nhất ngành với 803 tỷ đồng. Mức lãi này chỉ thấp hơn cùng kỳ năm 2022, khi xảy ra “cơn sốt” hàng hoá hoá chất toàn cầu. Nếu so với các quý trước năm 2022, mức lợi nhuận của quý III vẫn khá lạc quan.
DGC cho biết, nguyên nhân khiến doanh thu giảm là vì giá bán giảm, do thị trường trong nước và thế giới đi xuống. Cụ thể, Phốt pho vàng và H3PO4 giảm 39% doanh thu; WPA giảm 38% doanh thu; phân bón các loại giảm 14% doanh thu.
Với các doanh nghiệp nhỏ hơn, kết quả kinh doanh trong quý cũng khá ảm đạm, trong đó có nhiều doanh nghiệp thuộc nhóm Vinachem. Như Hóa chất Việt Trì rơi tới 97% lợi nhuận, mức giảm sâu nhất ngành, ghi nhận 1,2 tỷ đồng lãi ròng trong quý III. Đây cũng là quý có kết quả thấp nhất trong vòng 14 năm của đơn vị này.
Tương tự, lãi ròng DAP-Vinachem cũng giảm tới 88%, còn gần 7 tỷ đồng. Dù sản lượng tiêu thụ phân DAP gia tăng, việc giá bán liên tục giảm theo xu hướng chung trong khi giá vốn tăng mạnh đã kéo lợi nhuận của DDV đi xuống.
Doanh nghiệp ghi nhận chuyển lãi thành lỗ nặng nhất trong quý III là Đạm Hà Bắc. Đơn vị này lỗ tới 309 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 347 tỷ đồng). Nguyên nhân cũng vì giá urê đi xuống, trong khi giá nhiên liệu (than) và nguyên liệu đầu vào giữ ở mức cao. Ngoài ra, chi phí lãi vay cùng tỷ giá kém thuận lợi cũng là gánh nặng khiến DHB càng thua lỗ. Lũy kế 9 tháng, doanh nghiệp lỗ ròng tới 788 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm hơn 1.000 tỷ đồng.
Những cái tên có lợi nhuận tăng trưởng bằng lần
Trái ngược với nhóm phân đạm, nhóm phân lân và NPK thuộc Vinachem đón nhận kết quả rực rỡ trong quý III.
Phân bón Bình Điền là cái tên đạt tăng trưởng mạnh nhất trong ngành với mức lợi nhuận sau thuế 59 tỷ đồng, gấp gần 20 lần cùng kỳ. Xét theo tỷ suất tăng trưởng, đơn vị này có mức tăng trưởng cao nhất toàn ngành trong quý III với 1.867%.
Theo giải trình, nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu phân bón của nông dân tăng cao, dẫn đến sản lượng bán ra tăng so với cùng kỳ và cải thiện được biên lợi nhuận gộp.
Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cũng báo lãi gấp 3 lần cùng kỳ, đạt 29 tỷ đồng, nhờ gia tăng sản lượng tiêu thụ phân bón. Trong đó, Supe lân các loại tăng 17.300 tấn, NPK tăng gần 26.000 tấn.
Phân bón miền Nam cũng báo lãi ròng gấp 9 lần cùng kỳ, đạt 19 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức tăng trên không đến phần nhiều từ hoạt động kinh doanh cốt lõi mà đến từ doanh thu tài chính và khoản lợi nhuận khác do không còn ghi nhận nộp truy thu tiền thuê đất như quý III/2022.
Ngành phân bón sẽ sáng hơn về cuối năm?
Theo quy luật tiêu thụ phân bón nhiều năm lại đây, nhu cầu phân bón ure sẽ tăng mạnh hơn trong quý IV (thời điểm vụ Đông Xuân) nên có thể sẽ điều chỉnh tăng. Ngoài ra, giá phân ure thế giới được định giá theo biến động của giá dầu khí. Vì vậy, giá urê trong nước đang được nhiều doanh nghiệp dự báo sẽ tăng trong quý IV.
Theo SSI Research, lệnh hạn chế xuất khẩu urê trong khi nhu cầu từ Ấn Độ gia tăng do mở rộng diện tích trồng lúa để cải thiện an ninh lương thực sẽ góp phần trợ giá cho urê. Bởi lẽ, Ấn Độ đang chiếm 17% tổng sản lượng urê nhập khẩu từ Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm 2023.
Trên thị trường quốc tế, giá xuất khẩu urê tại Ai Cập và Trung Đông tăng 46% so với mức đáy vào tháng 6 và tháng 7, trong khi giá urê tại Biển Đen tăng 31%. Giá urê tại Trung Quốc và Indonesia tăng với tốc độ chậm hơn (lần lượt là 27% và 18%). Giá urê trung bình ở Việt Nam đã tăng 25% so với mức đáy, cùng với sự phục hồi giá urê của các nước lân cận (như Trung Quốc và Indonesia). Thị trường phân bón của Việt Nam vốn phụ thuộc cao với thế giới. Thời gian qua, giá các mặt hàng urê, phân DAP trong nước cũng rục rịch đi lên.
Ngoài Trung Quốc, một quốc gia khác nằm trong top đầu về xuất khẩu phân bón là Morocco xảy ra trận động đất mạnh nhất thế kỷ vào ngày 8/9 vừa qua sẽ tác động đến nguồn cung phân bón thế giới trong ngắn hạn. Morocco sở hữu 70% sản lượng đá phốt pho của thế giới, có lợi thế về sản xuất phân bón, phân lân.
Theo đánh giá của Chứng khoán BSC, phân bón trong nước sẽ duy trì xu hướng tăng trong nửa cuối năm 2023 để bắt kịp đà tăng của giá ure thế giới (ước tính trong 2 quý cuối năm có thể tăng lên mức 11.500 – 11.800 đồng/kg, tương ứng 25 – 30% so với mức đáy hồi đầu tháng 6). Theo đó, những doanh nghiệp đã có chỗ đứng trên thị trường như: DPM, DCM, BFC, DDV dự báo sẽ khởi sắc hơn trong kết quả kinh doanh những tháng cuối năm.