Lô vaccine COVID-19 AstraZeneca đầu tiên sẽ được nhập về Việt Nam ngày 28/2
Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho phép Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam nhập khẩu 204.000 liều vaccine COVID-19 đầu tiên về nước vào ngày 23/2.
Ngày 17/2, ông Lê Việt Dũng, Phó cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế ký văn bản Công văn số 1215/QLD-KD gửi Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam về việc nhập khẩu thuốc chưa có giấy đăng ký lưu hành để đáp ứng nhu cầu cấp bách cho phòng, chống dịch bệnh.
Theo đó, Cục Quản lý dược nhận được đơn hàng số AZ02/21-64/AZD1222-Korea đề ngày 2/2/2021 của Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam về việc nhập khẩu vaccine chưa có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam để đáp ứng nhu cầu cấp bách cho phòng, chống dịch bệnh. Cục đồng ý để công ty nhập khẩu 204.000 liều vaccine COVID-19 (vaccine AstraZeneca).
Vaccine nhập khẩu phải đáp ứng điều kiện đi kèm, quy định tại văn bản phê duyệt vaccine ngày 1/2 của Bộ Y tế. 204.000 liều vaccine này cũng là lô vaccine COVID-19 của Astra Zeneca đầu tiên được nhập khẩu, nằm trong số 30 triệu liều mà Việt Nam đặt mua. Dự kiến ngày 28/2, lô vaccine đầu tiên này sẽ về đến Việt Nam.
Cùng đó khoảng 4,88 triệu liều vaccine của COVAX facility cũng dự kiến sẽ về đến Việt Nam. Như vậy, Việt Nam có khoảng hơn 5 triệu liều để tiêm mũi thứ nhất cho hơn 5 triệu người.
Trước đó, ngày 29/1, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Bộ đã cấp phép vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca. Đây là loại vaccine COVID-19 đầu tiên được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam.
Ngoài ra, vaccine này đã được cấp phép lưu hành một năm hoặc nhập khẩu có điều kiện tại Philippines, Thái Lan, Anh, Việt Nam và một số quốc gia khác.
Vaccine COVID-19 của AstraZeneca tên là ChAdOx, do AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford (Anh) nghiên cứu, phát triển. Vaccine được điều chế dựa trên công nghệ vector virus, sử dụng virus cảm cúm vô hại từ tinh tinh.
Mức bảo vệ của vaccine dao động 62-90%, tùy thuộc vào liều tiêm. Có hai liệu trình vaccine khác nhau trong thử nghiệm. Ở phác đồ một, tình nguyện viên nhận một nửa liều, sau đó ít nhất một tháng được tiêm liều đầy đủ, đạt hiệu quả 90%. Phác đồ thứ hai tiêm hai liều đầy đủ cách nhau một tháng, đạt hiệu quả 62%. Hiệu quả trung bình của hai phác đồ là 70%.
Hôm 23/11/2020, hãng dược AstraZeneca và Đại học Oxford thông báo vaccine ChAdOx có hiệu quả 90% tùy thuộc vào từng liều lượng. Đây là sản phẩm thứ ba trên thế giới đạt kết quả khả quan trong giai đoạn thử nghiệm thứ ba dù vẫn thấp hơn kết quả thử nghiệm của hai đối thủ là Moderna và Pfizer. Ưu điểm của vaccine này là có giá thấp, dễ vận chuyển và bảo quản hơn.
Hà Ly