Loạt dự án giao thông lớn tại Hà Nội về đích năm 2021

Nguyễn Minh Quyết 06:00 | 18/12/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Dù chịu ảnh hưởng từ dịch COVID-19, song nhiều dự án giao thông lớn tại Hà Nội vẫn kịp về đích trong năm 2021. Nổi bật nhất trong số đó là dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông có tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng đã chính thức đưa vào khai thác thương mại sau 10 năm khởi công.

Là một trong những dự án lớn tại Hà Nội về đích trong năm 2021, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông khiến nhiều người nhắc đến bởi đây là dự án đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội cũng như của cả nước. Dự án chính thức đi vào ngày 6/11 sau 10 năm khởi công xây dựng.

Sau 15 ngày đầu bán vé miễn phí cho khách, đường sắt Cát Linh - Hà Đông bắt đầu mở bán vé, khai thác thương mại từ ngày 21/11.

Hình ảnh đoàn tàu thuộc tuyến Cát Linh - Hà Đông đi qua hồ Hoàng Cầu. (Ảnh: HV).  

Ngay từ ngày đầu lăn bánh, dự án đã nhận được nhiều sự quan tâm của người dân thủ đô. Thống kê từ ngày 21/11 đến ngày 5/12 (15 ngày), tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã chạy 3.045 chuyến tàu an toàn, vận chuyển 239.954 lượt hành khách.

Tính chung từ ngày 6/11 đến ngày 5/12, Hanoi Metro đã vận hành 5.599 chuyến tàu chở 620.464 hành khách, bình quân đạt 20.682 hành khách/ngày. 

Về tỷ lệ phân bổ hành khách, theo thống kê, ga Cát Linh đạt cao nhất với 33,2%, ga Yên Nghĩa 17,3%. 10 ga còn lại chiếm 49,5% lượng khách. Tất cả các chuyến tàu đều chạy đúng biểu đồ và bảo đảm an toàn.

Trước đó, vào hồi đầu tháng 1, nút giao đường Vành đai 3 với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có tổng vốn hơn 400 tỷ đồng, khởi công vào ngày 6/1/2020, cũng đã được khánh thành và đi vào hoạt động. 

Toàn cảnh nút giao vành đai 3 nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. (Ảnh: Dân trí).  

Dự án dài gần 1,5 km, chiều rộng mặt đường từ 33-51 m. Với nút giao này, xe ô tô đi từ trung tâm thành phố vào cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ không phải đi vòng để sang tuyến cầu Vĩnh Tuy.

Còn từ cầu Thanh Trì đi về phía quận Long Biên, xe ô tô cũng không phải vòng qua nút giao khu đô thị Ecopark rồi rẽ vào đường Cổ Linh như trước đây, rút ngắn thời gian di chuyển từ 15 - 20 phút.

Cũng trong thời điểm tháng 1, dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng cũng được thông xe sau gần 5 tháng thi công.

Cầu Thăng Long xây dựng từ năm 1974 và thông xe đưa vào sử dụng từ tháng 5/1985. Tuy nhiên, sau thời gian dài khai thác, mặt cầu đã bị hư hỏng và tiến hành sửa chữa lớn vào năm 2009 và sửa chữa cục bộ một số năm sau đó nhưng vẫn không thể triệt để hoàn toàn.

Toàn cảnh lễ thông xe cầu Thăng Long sau 5 tháng sửa chữa mặt cầu. (Ảnh: Báo Giao thông).  

Dự án sửa chữa cầu Thăng Long bắt đầu triển khai từ 16/8/2020, sau gần năm tháng thi công, hàng trăm công nhân, kỹ sư đã hoàn thành một khối lượng công việc không nhỏ như: hàn hơn 1,4 triệu đinh neo; lắp đặt 800 tấn cốt thép; rải 2.000 m3 bê-tông siêu tính năng; quét keo Epoxy dính bám và thảm 27.200m2 bê-tông nhựa Polymer.

Việc hoàn thành việc sửa chữa, cầu Thăng Long sẽ khớp nối đồng bộ với tuyến đường Vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, tạo thành trục giao thông xuyên suốt kết nối trung tâm TP đến sân bay Nội Bài và các khu vực lân cận.

Diện mạo mới của tuyến đường Liễu Giai-Văn Cao với 8 làn xe. (Ảnh: TTXVN).  

Vào hồi tháng 9 vừa qua, dự án mở rộng đường Văn Cao - Liễu Giai cũng chính thức hoàn tất sau gần hai tháng thi công. Hoàn thành việc mở rộng, tuyến đường Liễu Giai, Văn Cao tăng từ 6 lên 8 làn xe. Qua đó, giúp kết nối đồng bộ trục giao thông từ hồ Tây đến Trung tâm Hội nghị quốc gia theo quy hoạch của thành phố.

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long được khởi công từ tháng 5/2018, với tổng vốn đầu tư hơn 5.343 tỷ đồng. Trong đó, tổng kinh phí xây dựng 6 nhánh nối cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long là 207 tỷ đồng.

Một trong 6 nhánh nối cầu cạn Vành đai 3. (Ảnh: TTXVN).  

Dự án này được khởi công từ tháng 10/2020, gồm hai nhánh ở Hoàng Quốc Việt, hai nhánh Cổ Nhuế và hai nhánh Nguyễn Hoàng Tôn. Theo kế hoạch, 6 nhánh nối cầu cạn sẽ khánh thành vào tháng 7/2021. Song, do dịch COVID-19 khiến tiến độ thi công bị trễ, dự án dự kiến thông xe trong tháng 12 này.

Sau gần một năm thi công, cầu vòm thép bắc qua hồ Linh Đàm (Hà Nội) đang được công nhân gấp rút hoàn thành tiến độ để kịp thông xe vào cuối năm. Dự án có tổng mức đầu tư 65 tỷ đồng.

Cầu vòm thép dành riêng cho xe máy đi dưới gầm đường Vành đai 3 trên cao có mặt cắt ngang cầu rộng 7,5 m, bề rộng phần xe chạy 6 m. Kết cấu nhịp dầm vòm dạng ống thép, tổng chiều dài cầu 297,2 m.

Cầu vòm sắt được thi công và nằm hoàn toàn dưới gầm Vành đai 3 trên cao vượt hồ Linh Đàm. (Ảnh: TTXVN).  

Hiện tại, dự án đã hoàn thành khoảng 85% khối lượng công việc và đang chạy nước rút để kịp thông xe trước Tết dương lịch 2022.

Bước sang năm 2022, Hà Nội dự kiến sẽ triển khai một loạt dự án hạ tầng giao thông trọng điểm khác. 

Theo đó, thành phố sẽ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn - Ga Hà Nội; quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9 đường sắt đô thị tuyến số 2 (đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo); phê duyệt Chủ trương đầu tư dự án đường sắt đô thị tuyến số 3 (đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai).

Ngoài ra, thành phố sẽ tiến hành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án tuyến đường sắt đô thị số 5 (Văn cao -Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc) và thẩm định trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến đường vành đai 4 - vùng thủ đô Hà Nội.