Loạt dự án giao thông nghìn tỷ về đích đầu năm 2022
Ngày 4/2, Bộ Giao thông vận tải, UBND hai tỉnh Ninh Bình và Nam Định đã tổ chức lễ khánh thành dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cao Bồ - Mai Sơn thuộc dự án đầu tư xây dựng một số tuyến đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017-2020.
Được khởi công vào tháng 12/2019, cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn đi qua địa bàn hai tỉnh Ninh Bình và Nam Định, có tổng chiều dài hơn 15 km, quy mô giai đoạn phân kỳ là 4 làn xe, giai đoạn hoàn chỉnh là 6 làn xe.
Điểm đầu nối với đoạn cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (thuộc xã Yên Bằng, huyện Ý Yên, Nam Định), điểm cuối giao cắt với quốc lộ 1 tránh thành phố Ninh Bình (thuộc xã Mai Sơn, huyện Yên Mô, Ninh Bình).
Dự án có tổng mức đầu tư 1.607 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia. Dự án được khởi công tháng 12/2019, sau 24 tháng thi công đã hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng.
Ngày 3/2, tỉnh Bình Định đã tổ chức lễ gắn biển hoàn thành tuyến đường ven biển đoạn Cát Tiến - Đề Gi và đường vào Cảng hàng không Phù Cát.
Dự án đường ven biển (đoạn Cát Tiến - Đề Gi) có chiều dài tuyến 23,2 km, điểm đầu tuyến tại nút giao với đường trục Khu kinh tế nối dài thuộc địa bàn thị trấn Cát Tiến, điểm cuối tại khu vực cảng Đề Gi thuộc địa bàn xã Cát Khánh, huyện Phù Cát.
Tuyến đường ven biển Cát Tiến - Đề Gi qua đèo Vĩnh Hội (ranh giới giữa xã Cát Hải và Cát Tiến, huyện Phù Cát). (Ảnh: Zing).
Công trình được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, vận tốc thiết kế 80 km/h, quy mô bề rộng nền đường 20,5 m, mặt đường 4 làn xe, xây dựng hoàn thiện hệ thống điện chiếu sáng để đảm bảo an toàn giao thông và trồng cây xanh mỹ quan toàn tuyến.
Dự án có tổng vốn đầu tư 1.262 tỷ đồng. Công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng tạo ra tuyến giao thông hết sức quan trọng, góp phần phát triển KT-XH ven biển, khai thác hiệu quả quỹ đất và tiềm năng kinh tế biển, du lịch - dịch vụ của khu vực; tạo trục cảnh quan kết nối huyện Phù Cát với TP Quy Nhơn.
Còn đường vào Cảng hàng không Phù Cát có tổng chiều dài 3,2 km, được thiết kế theo tiêu chuẩn đường phố chính đô thị thứ yếu, vận tốc thiết kế 60 km/h, quy mô bề rộng nền đường 30 m, mặt đường bố trí 4 - 6 làn xe, xây dựng hoàn thiện hệ thống điện chiếu sáng để đảm bảo an toàn giao thông và trồng cây xanh mỹ quan toàn tuyến.
Dự án có tổng vốn đầu tư 365 tỷ đồng. Khi đưa vào sử dụng góp phần hoàn chỉnh hạ tầng cửa ngõ ra, vào sân bay Phù Cát, phục vụ tốt hành khách của các chuyến bay, tạo điều kiện thuận lợi khai thác du lịch; đồng thời, tăng cường an ninh, quốc phòng trong phạm vi sân bay và khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Sáng 28/1, UBND TP Cần Thơ tổ chức Lễ thông xe kỹ thuật gói thầu số 01, dự án đường tỉnh 922 đoạn nối từ quốc lộ 91B đến thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ.
Tuyến đường tỉnh 922 chính thức thông xe kỹ thuật kịp phục vụ nhu cầu đi lại người dân trong dịp Tết Nguyên đán năm nay. (Ảnh: Báo Cần Thơ).
Công trình có chiều dài tuyến hơn 29,5 km, gồm hai gói thầu. Gói thầu số 1 thi công phần tuyến chính và gói thầu số 2 thi công cầu và đường dẫn vào cầu của 4 cầu (cầu số 8, số 7, số 6, số 5). Tổng mức đầu tư của dự án trên 1.494 tỷ đồng, từ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ.
Dự án đi qua địa bàn 4 quận, huyện là Bình Thủy, Ô Môn, Thới Lai và Cờ Ðỏ. Ðường tỉnh 922 hoàn thành tạo điều kiện cho các địa phương có dự án đi qua phát triển kinh tế - xã hội, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông của TP Cần Thơ.
Sáng 26/1, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Lễ khánh thành cầu Cửa Lục 1 (cầu Tình Yêu), tuyến đường bao biển nối TP Hạ Long với TP Cẩm Phả (giai đoạn 1).
Cầu Tình Yêu có tổng chiều dài 4.569 m, tổng mức đầu tư 2.109 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh. Điểm đầu giao với tuyến đường nối Khu công nghiệp Cái Lân - Việt Hưng đến đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn tại phường Giếng Đáy; điểm cuối đấu nối với quốc lộ 279 tại Km24+750, thuộc địa phận xã Lê Lợi, TP Hạ Long.
Cầu Tình Yêu có thiết kế 6 làn xe, nối đôi bờ vịnh Cửa Lục. (Ảnh: Báo Quảng Ninh).
Cây cầu gồm 6 làn xe cơ giới, vận tốc thiết kế 60 km/h, lấy ý tưởng kiến trúc là "Cánh chim biển trên vịnh Hạ Long". Trong đó, cầu chính dài 885 m được thiết kế 5 nhịp vòm.
Còn dự án đường bao biển nối TP Hạ Long - TP Cẩm Phả được phê duyệt đầu tư ngày 31/10/2018, có tổng chiều dài toàn tuyến là 18,69 km. Tuyến đường có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 2.290 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh.
Đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả dài hơn 18 km, bề rộng 18 m, quy mô 6 làn xe sau điều chỉnh. (Ảnh: Báo Quảng Ninh).
Giai đoạn 1 dự án có quy mô mặt đường 4 làn xe, vận tốc thiết kế 60 km/h, giai đoạn 2 mở rộng mặt đường lên 6 làn xe và đầu tư hoàn thiện hệ thống cây xanh, điện chiếu sáng trên toàn tuyến.
Công trình có điểm đầu tuyến tại ngã ba giao cắt giữa đường Trần Quốc Nghiễn và đường Điện Biên Phủ (phường Hồng Hà, TP Hạ Long), kết thúc tuyến tại Cảng Km6 (phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả).
Trong đó, riêng đường hầm xuyên núi đá tại Km13 của tuyến đường bao biển nối TP Hạ Long với TP Cẩm Phả được thiết kế có tổng chiều dài 235 m, với hai ống hầm riêng biệt, mỗi ống hầm có ba làn xe.
Đây là một trong những công trình đường hầm xuyên núi có quy mô mặt cắt ngang lớn nhất Việt Nam đến thời điểm hiện nay và cũng là tuyến hầm đường bộ 6 làn xe đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh.
Tại Quảng Ninh, trong ngày đầu tiên năm 2022, tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đã chính thức được thông tuyến kỹ thuật.
Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái (Quảng Ninh) chính thức được thông tuyến kỹ thuật vào ngày 1/1/2022. (Ảnh: Dân Trí).
Tuyến cao tốc này là đoạn tuyến cuối cùng của trục cao tốc xương sống dọc tỉnh Quảng Ninh gồm Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái dài gần 200 km, điểm đầu kết nối trực tiếp với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, điểm cuối đấu nối với đường dẫn cầu Bắc Luân II thuộc thành phố Móng Cái.
Dự án gồm 2 dự án thành phần: Cao tốc Vân Đồn - Tiên Yên có tổng mức đầu tư 3.658 tỷ đồng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh; đường cao tốc Tiên Yên - Móng Cái theo phương thức PPP, hợp đồng BOT có tổng vốn đầu tư 9.113 tỷ đồng.
Ngày 25/1, UBND TP Hải Phòng chính thức thông xe kỹ thuật công trình cầu Rào bắc qua sông Lạch Tray với tổng mức đầu tư 2.265 tỷ đồng.
Cầu Rào được khởi công xây dựng từ tháng 10/2020, tổng mức đầu tư 2.265 tỷ đồng. (Ảnh: Zing).
Công trình cầu Rào và đường dẫn được xây dựng bằng kết cấu bê tông vĩnh cửu và vòm thép; chiều rộng 30,5 m, gấp gần ba lần cầu cũ. Quy mô cầu gồm 4 làn xe cơ giới, hai làn xe hỗn hợp cùng giải phân cách, giải an toàn, vỉa hè hai bên.
Cầu được xây dựng vượt sông và vượt đường Bùi Viện với chiều dài là 456,5 m. Đường dẫn phía nam chạy thẳng, tiếp nối với đường Phạm Văn Đồng, với chiều dài 91 m; phía hai bên cầu và giáp sông là công viên cây xanh, được trồng cây Phượng vĩ và cây hoa Gạo đỏ.
Sáng 19/1, UBND tỉnh Tiền Giang và CTCP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã tổ chức Lễ thông xe kỹ thuật cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự và phát lệnh thông xe.
Thông xe tuyến chính cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vào ngày 19/1. (Ảnh: PLO).
Công trình dài 51,5 km, với bề mặt nền đường rộng 17 m, mặt đường rộng 16 m, 4 làn xe cao tốc rộng 3,5 m/làn và dải phân cách giữa; có bố trí 11 điểm dừng khẩn cấp.
Trên toàn tuyến có 56 cây cầu và 4 nút giao liên thông. Tổng vốn đầu tư 12.668 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách 2.186 tỷ đồng, còn lại là vốn BOT.
Cuối tháng 1, Cục Hàng không Việt Nam quyết định đưa vào khai thác đường băng, đường lăn sân bay Nội Bài sau thời gian nâng cấp, sửa chữa.
Theo đó, đường cất hạ cánh 11L/29R (đường băng 1A); các đường lăn S1, S2, S7 trong phạm vi cải tạo, nâng cấp giai đoạn 2 của dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng hàng không quốc tế Nội Bài được khai thác từ 27/1.
Đưa đường băng 1A sân bay Nội Bài vào khai thác từ 27/1. (Ảnh: Bộ Giao thông vận tải).
Dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn sân bay Nội Bài được khởi công từ ngày 29/6/2020, tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng. Hiện hoàn thành, bàn giao khai thác bước 1 đoạn 3.000 m đường cất hạ cánh 1B và các đường lăn từ ngày 1/1/2021, đảm bảo chất lượng, tiến độ và khai thác an toàn cho hơn 7.500 chuyến bay.
Từ nay đến cuối năm, nhiều dự án giao thông trên phạm vi cả nước dự kiến sẽ hoàn thành và được đưa vào sử dụng.
Tại Hà Nội dự kiến hoàn thành nhiều công trình giao thông lớn như đoạn trên cao đường sắt Nhổn - ga Hà Nội, cầu Vĩnh Tuy 2, vành đai 2 trên cao đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng, hầm chui Lê Văn Lương - vành đai 3.
Tại TP HCM, cầu Thủ Thiêm 2 nối TP Thủ Đức với quận 1, nhánh số 2 dự án cầu Bưng, nâng cấp đường Đặng Thúc Vịnh, mở rộng đường Đồng Văn Cống và cầu Mỹ Thủy 3,... cũng sẽ được hoàn thành trong năm nay.