Lối đi nào cho nông, thủy sản Việt Nam giữa đại dịch?

15:22 | 11/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Chính phủ cùng các cơ quan ban ngành tìm mọi cách hỗ trợ tiêu thụ mặt hàng nông, thủy sản Việt qua mọi kênh phân phối giúp lưu thông hàng hóa tránh đứt gãy chuỗi cung ứng.

Kết nối nông sản với hàng trăm doanh nghiệp nước ngoài

Theo đó, trong hai ngày 9 và 10 tháng 8 năm 2021, Bộ Công Thương đã tiến hành các phiên giao thương kết nối doanh nghiệp sản xuất, chế biến, cung ứng nông sản, thủy sản của khu vực Nam bộ, Tây Nguyên với các doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu trong nước, hệ thống phân phối, sàn Thương mại điện tử và nhà nhập khẩu nước ngoài, kết hợp tư vấn phát triển thị trường cho các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh đó, Phiên giao thương B2B đã kết nối hơn 90 doanh nghiệp Việt Nam với 20 doanh nghiệp nhập khẩu đến từ nhiều quốc gia như (Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Bangladesh, Pakistan, UAE (Châu Á), CH Séc, Đức, Rumani (Châu Âu); Senegal, Algerie (Châu Phi); New Zealand. Đồng thời, phiên tư vấn trực tuyến xuất khẩu nông sản, thủy sản sang thị trường Hà Lan và đã thu hút trên 100 doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản Việt Nam tham dự.

Sáng ngày 10/8, Phiên giao thương B2B kết nối thúc đẩy tiêu thụ cả thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu, có 3 nhà nhập khẩu lớn đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Hungary giao dịch với hơn 20 doanh nghiệp Việt Nam về các mặt hàng như: nông sản, gia vị, thuỷ sản…

Ở thị trường trong nước, "=Tổ Công tác đặc biệt về đảm bảo nguồn cung hàng hóa và hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phía Nam trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp của Bộ Công Thương (Tổ công tác đặc biệt) đang tiếp tục kết nối nông sản Tây Nguyên và Nam bộ vào hệ thống siêu thị Vinmart với Sở Công Thương các tỉnh phía Nam với để thu mua các mặt hàng trái cây, nông sản của các địa phương, đưa vào chương trình bán hàng theo “combo”.

Lối đi nào cho nông, thủy sản Việt Nam giữa đại dịch? - ảnh 1

Trái thanh long của Việt Nam đang vào mùa và rất cần đầu ra 

Các chương trình kết nối cung cầu nông sản của Tổ công tác đặc biệt đã mang lại hiệu quả tương đối tích cực. Đơn cử, Sở Công Thương Long An đã ngay lập tức kết nối với Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương khi trái thanh long đến vụ thu hoạch khó tiêu thụ do sản lượng tăng vọt. Ngay sau khi nhận được thông tin, Tổ công tác đặc biệt đã kết nối cho các nhà cung ứng với những kênh phân phối lớn như Aeon Việt Nam, Bách Hóa Xanh, Big C, Co.opmart… Nhờ đó, sản phẩm thanh long đến nay đã cơ bản được các kênh bán lẻ cam kết tiêu thụ hết. Chẳng hạn Bách Hóa Xanh đã cam kết tăng lượng tiêu thụ từ 4-5 tấn/tuần sang 15 tấn/ngày.

Tương tự, huyện Châu Thành - địa phương trồng nhãn nhiều nhất tỉnh Đồng Tháp - dự kiến có hơn 340ha nhãn đến thời điểm thu hoạch, sản lượng dự kiến khoảng 4.000 tấn. Để hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm, Sở Công Thương Đồng Tháp đã phối hợp cùng Tổ công tác đặc biệt kết nối với hệ thống siêu thị Big C và hệ thống siêu thị Bách Hóa Xanh. Các đơn vị này cam kết thu mua cho nông dân với giá cố định và bán không lợi nhuận nhằm hỗ trợ nông dân đầu ra đến khi thu hoạch dứt điểm vụ nhãn.

Đẩy mạnh xuất khẩu sang Australia và Hà Lan và các nước EU

Theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Australia, từ đầu năm 2021, mặc dù nhiều thành phố tại Australia bị giãn cách xã hội nhưng sầu riêng Ri6 vẫn có sức hút lớn với người dân. Vừa mới đây, hơn 15 tấn sầu riêng đông lạnh của Công ty Ưu Đàm xuất sang Australia đã “cháy hàng” chỉ trong 2 ngày phân phối từ 23-24/7.

45 tấn sầu riêng Ri6 nhãn hiệu Ưu Đàm mặc dù hiện đang trên đường vận chuyển cũng “cháy hàng” vì các cửa hàng đặt mua hết. Giá sầu riêng Ri6 thấp nhất lên đến 18.99 AUD/1kg (khoảng 320.000 đồng/kg) đối với sầu riêng đông lạnh nguyên quả và 20-25 AUD/kg (khoảng 420.000 đồng) đối với loại bóc sẵn múi.

Nguyên nhân “cháy hàng” sản phẩm sầu riêng là do Công ty xuất khẩu Ưu Đàm cam kết chất lượng sản phẩm, cho khách hàng đổi sau khi mua. Bên cạnh đó, công tác xây dựng thương hiệu trái sầu riêng Việt Nam được Thương vụ Việt Nam tại Australia xây dựng mạnh mẽ, liên tục sau hơn 2 năm. Kết quả là sầu riêng Ri6 đã có chỗ đứng vững chắc và được người tiêu dùng yêu thích tại thị trường khó tính Australia.

Lối đi nào cho nông, thủy sản Việt Nam giữa đại dịch? - ảnh 2

45 tấn sầu riêng đông lạnh được xuất khẩu sang thị trường Australia " cháy hàng" sau 2 ngày

Thương vụ Việt Nam tại Australia còn đưa ra khẩu hiệu quảng bá mạnh mẽ cho trái sầu riêng là “Ri6 Durian - Another king” (Sầu riêng Ri6 - Một vị vua khác) nhằm khẳng định đẳng cấp về chất lượng, hương vị của loại trái cây đặc biệt thơm ngon này.

Năm 2021, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Thương vụ đã làm việc với một loạt các nhà nhập khẩu lớn để tiếp tục nhập khẩu thêm sầu riêng và nông sản xuất khẩu sang thị trường Australia ngay trong tháng 8/2021. Riêng đối với Công ty Ưu Đàm, theo kế hoạch ghi nhớ với Thương vụ, Công ty sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sầu riêng Ri6 sang Australia từ 100-150 tấn. Tuy nhiên, Thương vụ Việt Nam tại Australia cũng lưu ý các doanh nghiệp xuất khẩu về việc trái sầu riêng Ri6 đã xây dựng được thương hiệu, do đó, khách hàng cần chất lượng hơn là giá rẻ.

 Bên cạnh thị trường Australia thì Hà Lan là thị trường mở, không có bất cứ ưu tiên hoặc hạn chế hàng nông, thủy sản từ quốc gia nào, do vậy doanh nghiệp Việt Nam có mong muốn xuất khẩu nông, thuỷ sản sang thị trường này cần phải có tâm thức cạnh tranh, tìm cách nâng cao chất lượng sản phẩm và giải bài toán cạnh tranh về giá.

Tại Phiên tư vấn trực tuyến xuất khẩu nông, thủy sản vào thị trường Hà Lan, trong khuôn khổ Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu nông, thủy sản khu vực Nam bộ, Tây Nguyên 2021, do Bộ Công Thương tổ chức, bà Võ Thị Ngọc Diệp - Tham tán thương mại Việt Nam tại Hà Lan - cũng thông tin, Hà Lan sẵn sàng nhập khẩu những mặt hàng đáp ứng được tiêu chuẩn của châu Âu nói chung, của thị trường Hà Lan nói riêng và đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng nơi đây.

Từ tháng 8/2020, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) mà Hà Lan là thành viên, đã triển khai Hiệp định Thương mại Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), có nhiều ưu đãi về thuế, mang lại nhiều cơ hội và thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam khi đưa hàng hóa sang các nước này. Thực tế từ tháng 8/2020 đến nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã vận dụng tốt C/O này để được hưởng ưu đãi về thuế nhập khẩu hàng hóa vào Hà Lan.

Để xuất khẩu nông, thuỷ sản sang Hà Lan, doanh nghiệp cần giải các bài toán để cạnh tranh được về giá, khẳng định hàng thủy sản Việt Nam đã được xuất khẩu sang EU từ rất lâu, có tiềm năng, thế mạnh tại Hà Lan. Song bà Võ Thị Ngọc Diệp cũng lưu ý, những năm gần đây, hàng thủy sản của Việt Nam phải cạnh tranh với thủy sản từ một số nước như Bangladesh, Ấn Độ, Ecuador… Với mặt hàng trái cây, hiện nay, đa số trái cây tươi tại Hà Lan được nhập khẩu từ Nam Mỹ do sự cạnh tranh về thời gian vận chuyển và giá.

Những thông tin trên đòi hỏi để hàng nông, thủy sản Việt Nam thâm nhập và có chỗ đứng tại thị trường Hà Lan nói riêng, EU nói chung, các doanh nghiệp Việt Nam phải có tâm thức cạnh tranh, tìm cách nâng cao chất lượng sản phẩm và giải những bài toán để cạnh tranh được về giá.

Lối đi nào cho nông, thủy sản Việt Nam giữa đại dịch? - ảnh 3

Nhiều sản phẩm thủy sản cũng được xuất khẩu sang Hà Lan và các nước EU

Khẳng định sẵn sàng đồng hành với các doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng hoá Việt Nam vào thị trường Hà Lan, ông Phạm Văn Hiển - Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu LTP (Hà Lan) - cũng thông tin, hiện nay 50% hàng nhập khẩu của Công ty Xuất nhập khẩu LTP là sản phẩm đến từ Việt Nam. Mặt hàng nông, thủy sản, đặc biệt là đặc sản các vùng miền của Việt Nam gần đây được người tiêu dùng Hà Lan đón nhận.

Ông Phạm Văn Hiển cũng tư vấn các doanh nghiệp về quy cách đóng gói sản phẩm. Cụ thể, với mặt hàng đồ khô, khi đóng gói cho khách bán sỉ nên đóng túi 20-25kg, nhưng đưa vào các chuỗi siêu thị chỉ nên đóng khoảng 400gr hoặc 500gr; hạt điều chế biến sấy tẩm gia vị, sấy khô có thể đóng gói 100-500gr khi bán cho siêu thị; quả bưởi da xanh cần đóng mỗi thùng 9 quả…

Theo ông Phạm Văn Hiển, thị trường Hà Lan có những đòi hỏi về chỉ tiêu môi trường nên sẽ không nhập khẩu những sản phẩm đóng gói bằng ni lông. Vì vậy, các doanh nghiệp cần sử dụng bao bì được làm từ những chất liệu thân thiện với môi trường, dễ phân hủy. Ngoài ra, sản phẩm nông sản, thủy sản muốn vào được thị trường EU nói chung, Hà Lan nói riêng bắt buộc phải đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng được dư lượng thuốc trừ sâu trong giới hạn cho phép (đối với hàng rau quả tươi và sấy khô).

Nông sản lên sàn Thương mại điện tử

Hiện nay, các kênh tiêu thụ chủ yếu của các loại trái cây tươi gồm thị trường trong tỉnh; thị trường lớn là TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành trong nước; xuất khẩu sang thị trường Campuchia, Trung Quốc, một số nước thuộc thị trường như Hàn Quốc, Mỹ, Nhật, Trung Đông...

Trong bối cảnh nhiều chợ đầu mối, chợ truyền thống ở TP. Hồ Chí Minh và Đồng Nai phải tạm ngừng hoạt động để phòng, chống dịch COVID-19, chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản trong tỉnh bị ảnh hưởng khá nhiều. Việc lưu thông, tiêu thụ nông sản gặp khó khăn dẫn đến một số nơi xảy ra tình trạng sản phẩm nông sản và chăn nuôi giảm giá, ứ hàng cục bộ.

Thời điểm đầu tháng 8/2021, hàng loạt nông sản của tỉnh Long An, trong đó có trái thanh long tới vụ thu hoạch song lại tắc đầu ra do toàn miền Nam đang trong thời gian giãn cách xã hội. Bà Châu Thị Lệ - Phó Giám đốc Sở Công Thương Long An chia sẻ: Dù chúng tôi đã tìm nhiều phương cách song chỉ tiêu thụ được số lượng hạn chế cho bà con nông dân. Trong khi đó sản lượng thanh long đến ngày thu hoạch quá lớn, lên tới 15.000 tấn trong tháng 8/2021.

Trước tình hình đó, Sở Công Thương tỉnh Long An đã lập danh sách cung cấp thông tin đầu mối cung ứng hàng hóa đến Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương để được hỗ trợ kết nối tiêu thụ.

Lối đi nào cho nông, thủy sản Việt Nam giữa đại dịch? - ảnh 4

Trái nhãn một trong số rất nhiều loại nông sản được bán trên các sàn Thương mại điện tử

Hiện tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, việc lưu thông hàng hóa qua các địa phương còn khó khăn, trong khi đó nông sản các địa phương khu vực Tây Nam bộ cần thu hoạch vẫn còn nhiều. Đơn cử ở Sóc Trăng, theo ông Võ Văn Chiêu - Giám đốc Sở Công Thương Sóc Trăng, tỉnh có 24.443 tấn nhãn, thời điểm thu hoạch kéo dài từ tháng 7 - 12, với sản lượng trung bình hơn 4.000 tấn/tháng; hơn 15.370 tấn bưởi, sản lượng thu hoạch trung bình khoảng 1.500 tấn/tháng; 4.600 tấn vú sữa dự kiến sẽ tập trung thu hoạch vào 2 tháng cuối năm; 15.800 tấn cam sành được thu hoạch từ nay đến cuối năm; 15.535 tấn xoài sẽ được thu hoạch vào tháng 11 và 12; gần 20.500 tấn chanh cũng được thu hoạch từ nay đến cuối năm. Để tìm đầu ra cho các nông sản này, Sở Công Thương Sóc Trăng cho biết đã có công văn tới Tổ công tác đặc biệt và Sở Công Thương các tỉnh, thành trên cả nước với mong muốn được hỗ trợ.

Tương tự tại Hậu Giang, ông Nguyễn Văn Thậm - Phó Giám đốc Sở Công Thương - cho biết, từ nay đến cuối năm toàn tỉnh có 466.100 tấn trái cây các loại; 309.400 tấn rau màu các loại; 80.000 tấn thủy hải sản các loại sẽ thu hoạch. Trong đó, riêng trong tháng 8/2021 có 102.000 tấn trái cây các loại; 35.000 tấn rau màu các loại; 20,668 tấn thủy hải sản. “Chúng tôi đã liên hệ và gửi số liệu để Tổ công tác đặc biệt của liên Bộ Công Thương và Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nắm được, qua đó giúp địa phương kết nối tiêu thụ sớm”. ông Thậm cho biết.

Được biết trong thời gian tới, Tổ công tác đặc biệt sẽ tiếp tục kết nối, hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân với các hệ thống bán lẻ lớn. Ngoài kết nối tiêu thụ trực tiếp, Tổ công tác đặc biệt còn phối hợp với doanh nghiệp bưu chính như Viettel Post, VN Post tiêu thụ nông sản cho các địa phương trên sàn thương mại điện tử Voso và Postmart.

Ly Na