Lợi ích và thách thức từ tiền kỹ thuật số: Khi nào Việt Nam chấp nhận sử dụng?

10:28 | 25/12/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Bên cạnh những lợi ích mang lại thì luôn có những thách thức đi kèm khi sử dụng phương tiện thanh toán là tiền kỹ thuật số và hiện chưa phải giai đoạn để Việt Nam chấp nhận sử dụng đồng tiền này…

Tiền kỹ thuật số là gì?

 
Tiền kỹ thuật số là loại tiền vô hình được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu phân tán trên internet, cơ sở dữ liệu máy tính điện tử, trong tệp kỹ thuật số hoặc trong các thẻ có giá trị lưu trữ. Tiền kỹ thuật số không ở dạng vật lý, tức không có bất kỳ một vật chất nào có giá trị tương đương trong thế giới thực, nhưng nó lại hội tụ gần như tất cả những đặc điểm của loại tiền truyền thống. Chúng ta có thể sở hữu và sử dụng tiền kỹ thuật số làm phương tiện thanh toán khi mua hàng hóa, dịch vụ… thậm chí chúng ta có thể chuyển nhượng hoặc đổi nó sang một loại tiền khác. Đặc biệt, tiền kỹ thuật số không có giới hạn về địa lý và chính trị, có thể dùng làm phương tiện thanh toán cho tất cả các giao dịch diễn ra mọi lúc, mọi nơi trên thế giới.
 
 
Lợi ích và thách thức từ tiền kỹ thuật số: Khi nào Việt Nam chấp nhận sử dụng? - ảnh 1
Ảnh minh họa.
 
Tiền kỹ thuật số ngân hàng trung ương (CBDC): Là một loại tiền pháp định dưới dạng kỹ thuật số, được phát hành, kiểm soát và đảm bảo bởi Ngân hàng trung ương của một quốc gia hay của một vùng lãnh thổ có chủ quyền. Tiền kỹ thuật số ngân hàng trung ương ra đời nhằm số hóa tiền mặt, cung cấp một phương thức khả thi để kiểm soát nền kinh tế số, góp phần nâng cao hiệu quả chính sách tiền tệ đối với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của quốc gia.
 
Tạp chí Tài chính online vừa có bài đánh giá của ThS. Nguyễn Thị Ngọc Loan - Trường Đại học Tài chính – Marketing  về xu hướng phát triển tiền kỹ thuật số và đề xuất chính sách ở Việt Nam.
Theo đó, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, tiền kỹ thuật số đã ra đời và được sử dụng làm phương tiện thanh toán ngày càng phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới.
 
Bên cạnh những lợi ích mang lại thì luôn có những rủi ro đi kèm khi sử dụng phương tiện thanh toán là tiền kỹ thuật số, tuy nhiên không vì thế mà Việt Nam đi ngược lại xu hướng phát triển chung của thế giới. Trong tương lai, Việt Nam cần hoạch định cơ chế, chính sách để phát triển tiền kỹ thuật số ngân hàng trung ương và dùng làm phương tiện thanh toán hợp pháp, nhằm giảm thiểu chi phí và thời gian giao dịch, làm công cụ điều tiết chính sách tiền tệ quốc gia...
 
Về lợi ích khi sử dụng CBDC, nhờ công nghệ chuỗi khối và mã hóa, các giao dịch liên quan đến tiền kỹ thuật số có tính minh bạch, độ tin cậy và tính bảo mật cao, có thể truy xuất lịch sử giao dịch, vì vậy CBDC có thể giảm thiểu rủi ro cho các giao dịch và các chủ thể kinh tế tham gia giao dịch.
 
CBDC không có giới hạn về địa lý nên sẽ tạo ra cách mạng toàn cầu về thanh toán, các hoạt động thanh toán, gửi tiền hay nhận tiền đều có thể thực hiện ngay lập tức, mọi lúc, mọi nơi, phi tiếp xúc và không cần đơn vị trung gian, không giới hạn số tiền giao dịch… từ đó, góp phần giảm thiểu chi phí giao dịch.
 
Cùng với đó, sự phát triển của tiền kỹ thuật số góp phần tăng cường hiệu quả và an toàn hệ thống thanh toán quốc gia, thúc đẩy tài chính toàn diện nhờ ưu điểm tức thời, không giới hạn thời gian và không gian, đa dạng, đảm bảo được tiêu chí “xanh” - thân thiện và bảo vệ môi trường…
 
Sự phát triển của tiền kỹ thuật số và các phương thức thanh toán hiện đại và đa dạng sẽ góp phần thúc đẩy thương mại điện tử (đặc biệt thương mại điện tử xuyên biên giới); phát triển Fintech; sự tham gia của khu vực tư nhân trong cung ứng dịch vụ tiền kỹ thuật số, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, viễn thông, ngân hàng tài chính... Vì vậy, CBDC tác động lan tỏa đến các hoạt động kinh tế - xã hội, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số.
 
Sự phát triển của CBDC sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành chính sách tiền tệ trong trường hợp tiền kỹ thuật số do Ngân hàng Trung ương phát hành. Khi đó, sự thay thế của tiền kỹ thuật số với vai trò là đồng tiền pháp định giúp tiết giảm/loại bỏ nhiều loại chi phí liên quan đến phát hành và lưu thông tiền mặt như: in ấn, lưu thông, bảo an đồng tiền, chống tiền giả, tiêu hủy tiền cũ/rách/hỏng... Đồng thời, Ngân hàng Trung ương có thêm công cụ giúp kiểm soát chính xác lượng cung tiền, từ đó, nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ đối với thúc đẩy nền kinh tế (như có thể áp dụng lãi suất âm đối với tiền kỹ thuật số để kích thích tăng trưởng kinh tế).
 
Tuy nhiên, CBDC cũng mang lại nhiều thách thức. Công chúng quen sử dụng tiền pháp định truyền thống, nên giai đoạn đầu việc chấp nhận BCDC trong thanh toán sẽ rất thấp.
 
Khi CBDC trở nên phổ biến hơn, lợi nhuận của các tổ chức tín dụng có thể bị ảnh hưởng, do một số nguồn thu từ các dịch vụ truyền thống bị xóa bỏ, vì không còn phù hợp.
 
Nếu có quốc gia có chính sách cấm đoán giao dịch tiền kỹ thuật số sẽ gây ra rủi ro cho các trung gian tài chính có chấp nhận loại tiền này.
 
Bên cạnh đó là những rủi ro kỹ thuật và các hoạt động phi pháp có thể xuất hiện vì hoạt động giao dịch, mua bán tiền kỹ thuật số chủ yếu dựa vào thiết vị điện tử và hệ thống công nghệ thông tin. Vì vậy, nguy cơ mất an toàn khi sàn giao dịch bị sập, ổ cứng bị lỗi, dữ liệu bị virus, các tập tin bị mất cắp, luôn hiện hữu hacker và tội phạm mạng… Cùng với đó, do tính ẩn danh và thuận lợi, dễ dàng trong giao dịch nên tiền kỹ thuật số có thể bị lợi dụng cho các giao dịch phi pháp như rửa tiền, trốn thuế, tài trợ khủng bố, tin tặc…
 
Sẽ là một thách thức lớn với các NHTW và cơ quan quản lý trong kiểm soát lượng cung tiền cũng như trách nhiệm quản lý, giám sát và xử lý sự cố, rủi ro.
 

Sử dụng tiền kỹ thuật hiện nay chưa phù hợp với thực tiễn Việt Nam

 
Tại Việt Nam, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước coi tiền kỹ thuật số là một loại tài sản ảo (tiền ảo) và không coi nó là tiền tệ hay phương tiện thanh toán, việc dùng tiền kỹ thuật số làm phương tiện thanh toán ở Việt Nam là vi phạm quy định pháp luật. Vì vậy, việc chấp nhận đồng tiền kỹ thuật số trong giai đoạn này có thể là chưa phù hợp đối với thực tiễn ở Việt Nam.
 
 
Lợi ích và thách thức từ tiền kỹ thuật số: Khi nào Việt Nam chấp nhận sử dụng? - ảnh 2
 Ngân hàng Nhà nước coi tiền kỹ thuật số là một loại tài sản ảo
 
Hiện chưa có khung pháp lý về quản lý thị trường tiền kỹ thuật số, vì vậy chưa có khái niệm chính thức về đồng tiền này. Theo quan điểm của Bộ Công Thương Việt Nam (2017): Bitcoin không đáp ứng các đặc tính cơ bản của hàng hóa hay dịch vụ.
 
Do đó, Bitcoin không phải là hàng hóa, dịch vụ. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhận định: Bitcoin (và các loại tiền kỹ thuật số tương tự) không phải là tiền tệ và phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.
 
Cụ thể, ngày 21/7/2017, Ngân hàng Nhà nước ban hành văn bản với quan điểm: “Bitcoin, Litecoin không phải là tiền tệ và phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam”. Tuy nhiên, trên thực tế cho thấy các hoạt động đầu tư, kinh doanh, và huy động vốn bằng tiền kỹ thuật số đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam, mặc dù chưa có khung pháp lý điều chỉnh.
 
Trước tình hình đó, ngày 11/4/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg về tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới Bitcoin và các loại tiền kỹ thuật số tương tự khác. Chỉ thị nêu rõ việc sử dụng tiền kỹ thuật số tiềm ẩn nguy cơ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các hoạt động tội phạm như rửa tiền, trốn thuế, lừa đảo bởi tiền kỹ thuật số có tính ẩn danh, hoạt động phân tán và không chịu sự quản lý của bất kỳ cơ quan, tổ chức nào.
 
Đồng thời, ngày 20/7/2018, Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước của Việt Nam (UBCKNN) ban hành Công văn số 4486/UBCK-GSDC yêu cầu các công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý tài sản và quỹ đầu tư chứng khoán: (i) Không được phép thực hiện bất kỳ hoạt động phát hành, giao dịch hoặc môi giới giao dịch bất hợp pháp nào liên quan đến tiền kỹ thuật số; (ii) Tuân thủ các quy định pháp luật về phòng chống rửa tiền.
 
Dưới góc độ luật thực định thì kỹ thuật số không được công nhận là đồng tiền thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Cụ thể, Khoản 1 Điều 17 Luật Ngân hàng Nhà nước 2010 quy định chỉ có NHNN có thẩm quyền phát hành tiền giấy, tiền kim loại là phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam.
 
Đồng thời, Khoản 6, 7 Điều 4 Nghị định số 101/2012/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 80/2016/NĐ-CP ) quy định phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán bao gồm: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
 
Phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện thanh toán không thuộc quy định tại các trường hợp nêu trên. Khoản 6 Điều 6 Nghị định số 101/2012/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 80/2016/NĐ-CP) cũng quy định việc phát hành, cung ứng và sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp là những hành vi bị cấm.Như vậy, theo các quy định pháp luật hiện hành thì Bitcoin và các loại tiền kỹ thuật số không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền kỹ thuật số là hành vi bị cấm tại Việt Nam.
 
Về chế tài xử lý vi phạm, theo quy định tại điểm d khoản 6 Điều 27 Nghi định số 96/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng thì hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp sẽ bị phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với cá nhân và đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
 
Từ ngày 01/01/2018, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 206 Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung theo khoản 48 Điều 1 Luật số 12/2017/QH14.
ThS. Nguyễn Thị Ngọc Loan đưa ra nhận định: Trong thời gian tới, để nắm bắt xu thế phát triển tiền kỹ thuật số trên thế giới, cũng như có chiến lược phát triển tiền kỹ thuật số tại Việt Nam cần sớm có những giải pháp phù hợp, thận trọng, tác giả gợi mở một số hàm ý chính sách như sau:
 
Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước cần xác định quan điểm đối với tiền kỹ thuật số và lộ trình, giải pháp quản lý phù hợp theo các nội dung sau:
 
- Cần chuẩn hóa các khái niệm, định nghĩa về tiền kỹ thuật số, CBDC, phân biệt với tiền ảo, tiền điện tử, làm cơ sở để xây dựng, hoàn thiện pháp lý theo tiêu chuẩn quốc tế.
 
- Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan quản lý thể hiện quan điểm “sẵn sàng chấp nhận, linh hoạt, chủ động, sáng tạo trong quản lý” với sự phát triển của tiền kỹ thuật số.
 
- Nghiên cứu, học tập kinh nghiệm Trung Quốc và xây dựng lộ trình phát hành CBDC (nếu có) phù hợp với Việt Nam.
 
- Sớm cập nhật, ứng phó kịp thời với ảnh hưởng của việc triển khai đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số của Trung Quốc từ tháng 5/2020 đối với hệ thống tài chính, thương mại, đầu tư của Việt Nam.
 
Thứ hai, phát huy vai trò đầu mối của NHNN trong việc xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý cho sự phát triển của kỹ thuật số theo hướng:
 
- NHNN cần hoàn thiện và trình Chính phủ “Chiến lược tổng thể về hệ thống thanh toán quốc gia”.
 
- Sớm nghiên cứu ban hành Nghị định thay thế Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt với những quy định đột phá.
 
 - Hoàn thiện khung pháp lý đối với các công nghệ hiện đại ứng dụng trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, trong đó có công nghệ Blockchain;
 
- Ngân hàng Trung ương và Ban Chỉ đạo Fintech phối hợp với Bộ Tài chính, các bộ, ngành hoàn thiện hành lang pháp lý (gồm cả dạng thí điểm) để người dân, tổ chức, doanh nghiệp của Việt Nam có thể ứng dụng, khai thác và kiểm soát rủi ro khi ứng dụng công nghệ hiện đại, blockchain;
 
- Xây dựng các quy định, tiêu chuẩn cấp phép đối với các tổ chức, cá nhân trung gian tham gia cung cấp dịch vụ liên quan đến tiền kỹ thuật số như quy định phân tách tài sản khách hàng với tài sản của công ty; phải mở tài khoản riêng tại các tổ chức tín dụng; báo cáo các giao dịch đáng ngờ; lưu trữ dữ liệu tại máy chủ trong nước; kiểm toán số dư tiền pháp định và tiền ảo thường xuyên...
 
Thứ ba, phát triển hệ thống thanh toán quốc gia đảm bảo hiệu quả và hạn chế rủi ro cho các giao dịch thanh toán xuyên biên giới liên quan đến tiền kỹ thuật số:
 
- Nâng cấp hệ thống thanh quyết toán tức thời (RGTS), cho phép các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phi ngân hàng được tiếp cận RGTS, từng bước tiến tới cho phép tiền kỹ thuật số được tích hợp một cách hiệu quả nhất vào hệ thống thanh toán quốc gia;
 
- Nâng cấp hạ tầng thanh toán quốc gia (hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, hạ tầng thanh toán tập trung; gia tăng số lượng và nâng cao chất lượng các máy chủ an toàn.
 
- Vận hành hệ thống thanh toán bù trừ tự động phục vụ các giao dịch bán lẻ) đáp ứng sự phát triển của tiền kỹ thuật số và các phương thức, công nghệ thanh toán mới.
 
Thứ tư, thúc đẩy thói quen thanh toán không dùng tiền mặt kết hợp với phổ cập kiến thức và nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về tiền kỹ thuật số và thanh toán không dùng tiền mặt:
 
- Tạo điều kiện cho các tổ chức có đủ uy tín, quy mô (có thể gồm cả các Fintech, Bigtech, các doanh nghiệp, tổ chức thuộc khu vực kinh tế tư nhân) được phép cung cấp dịch vụ liên quan đến tiền kỹ thuật số như mobile money, ví điện tử, cho vay ngang hàng…;
 
- Tạo động lực khuyến khích doanh nghiệp, người dân sử dụng tiền kỹ thuật số, mobile money, ví điện tử trong các giao dịch thanh toán, dịch vụ tiêu dùng bằng cách: miễn phí đối với giao dịch nhỏ trong thời gian đầu; giải quyết, quy đổi tiền mặt nhanh chóng (nếu xảy ra sự cố); đẩy mạnh truyền thông, tiếp thị.
 
Thứ năm, Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng thực thi “Chiến lược giáo dục tài chính gắn với sự phát triển của công nghệ” nhằm thực hiện tốt cấu phần giáo dục tài chính trong Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Ngân hàng Trung ương phối hợp với các bộ, ngành liên quan như Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, đồng thời chỉ đạo các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng và các đơn vị liên quan phối hợp hướng dẫn, phổ biến kiến thức về tiền kỹ thuật số, những lợi ích/rủi ro và giải pháp xử lý kịp thời.
 
Thứ sáu, tăng cường hợp tác quốc tế trong quản lý tiền kỹ thuật số: Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp với các nước; các tổ chức quốc tế chuẩn hóa các vấn đề liên quan đến khung pháp lý; tham gia phối hợp nghiên cứu về CBDC, DCEP; phối hợp với tổ chức phát hành tiền kỹ thuật số để đảm bảo AML/CFT, chống trốn thuế, lưu giữ, chia sẻ và bảo mật thông tin liên quan đến giao dịch tiền kỹ thuật số phù hợp với quy định của Việt Nam và pháp luật quốc tế. Tăng cường ứng dụng thông tin, nâng cao hiệu quả giám sát các hoạt động thanh toán xuyên biên giới liên quan đến tiền kỹ thuật số, đảm bảo cam kết hội nhập và đảm bảo an toàn, an ninh mạng và an toàn tài chính quốc gia và toàn cầu.
 
Minh Hoa