Lợi nhuận nhiều doanh nghiệp BĐS khởi sắc trong quý II/2023

Thùy Dương 10:33 | 26/07/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) vừa trải qua nửa đầu 2023 với khó khăn bao chùm toàn ngành. Tuy nhiên, dựa trên mức nền thấp cùng kỳ năm ngoái và tình hình kinh doanh ảm đạm của quý đầu năm nay, lợi nhuận của các doanh nghiệp phần lớn đã có khởi sắc.

Kết quả kinh doanh quý II/2023 của 1 số doanh nghiệp BĐS. Ảnh: Thùy Dương tổng hợp

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II, CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã PDR) chỉ ghi nhận hơn 5 tỷ đồng doanh thu thuần, so với cùng kỳ (svck) đạt 853 tỷ đồng. Giá vốn hàng bán đạt 3,4 tỷ đồng.

Trong kỳ, nhiều khoản chi phí đều giảm như chi phí bán hàng 3,5 tỷ đồng, giảm 46%, chi phí quản lý doanh nghiệp hơn 40 tỷ đồng, giảm 50%, và chi phí lãi vay 93 tỷ đồng, giảm 31% svck 2022. 

Bên cạnh đó, doanh thu tài chính đạt 532 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ khoản này mang về chưa tới 1 tỷ đồng. Đây là phần lãi PDR ghi nhận khi chuyển nhượng cổ phần công ty con – hoạt động nằm trong chiến lược tái cấu trúc của PDR để vượt qua giai đoạn khó khăn.

Kết quả, lợi nhuận sau thuế của PDR đạt 275 tỷ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ năm 2022 nhưng cải thiện hơn nhiều so với số lỗ 229 tỷ đồng trong quý cuối 2022 và lãi 22 tỷ đồng trong quý I vừa qua.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của công ty 197 tỷ đồng, giảm 87% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận sau thuế đạt 298 tỷ đồng, giảm 57%. So với kế hoạch năm, PDR đã thực hiện được gần 44% mục tiêu lợi nhuận.

Phía CTCP Đầu tư Nam Long (HOSE: NLG) ghi nhận doanh thu thuần trong quý đạt 953,3 tỷ đồng, bằng 76,8% svck và lãi ròng 231,47 tỷ đồng, tăng 20,4% svck năm ngoái. Biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 45,2%, lên 58,8%.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp đạt 560,8 tỷ đồng, giảm nhẹ 0,1%, doanh thu tài chính tăng 55,1% lên 40,54 tỷ đồng svck.

Chi phí tài chính 74,52 tỷ đồng; lãi công ty liên doanh, liên kết tăng 12,76 lần, lên 37,19 tỷ đồng. Gộp chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp khoảng 250 tỷ đồng.

Công ty cho biết, lợi nhuận tăng trong quý II chủ yếu do tăng phần lãi nhận được từ công ty liên doanh Mizuki so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế trong 6 tháng đầu năm 2023, NLG ghi nhận doanh thu đạt 1.188,5 tỷ đồng, bằng 65% cùng kỳ và lãi ròng 247,7 tỷ đồng, tăng 10,1% so với năm trước.

Năm 2023, công ty đặt kế hoạch doanh thu thuần 4.836 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 919 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm 2023, NLG đã hoàn thành được 27% so với kế hoạch lợi nhuận năm 2023.

Các công ty trong hệ sinh thái Sonadezi gần đây đã công bố báo cáo tài chính riêng quý II và 6 tháng đầu năm nay. Theo đó, CTCP Sonadezi Châu Đức (HOSE: SZC) báo doanh thu thuần đạt 288 tỷ đồng, tăng 10% svck năm ngoái. Giá vốn bán hàng 150 tỷ đồng, giảm 12%.

Doanh thu chính đến từ cho thuê đất và phí quản lý hơn 263 tỷ đồng, chiếm 91%; còn lại đến từ hoạt động thể thao Golf và Nhà hàng 9 tỷ đồng; doanh thu xử lý nước thải 761 triệu đồng; cho thuê xưởng và chi phí quản lý xưởng hơn 1 tỷ đồng; doanh thu cung cấp nước 1,7 tỷ đồng và doanh thu nhà liền kề tuyến phố thương mại KDC Sonadezi Hữu Phước 11,7 tỷ đồng.

Doanh thu tăng, giá vốn giảm nên lợi nhuận gộp tăng tới 49% so cùng kỳ, lên 138 tỷ đồng. Qua đó, biên lợi nhuận gộp tăng từ 35% cùng kỳ lên 48%.

Mặt khác, doanh thu hoạt động tài chính giảm 60% còn 1,7 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí tài chính tăng 21% lên 12 tỷ đồng, toàn bộ là chi phí lãi vay.

Chi phí bán hàng 630 triệu đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp hơn 7 tỷ đồng, lần lượt giảm 48% và 29%. Kết quả, SZC báo lãi ròng 96 tỷ đồng, tăng 57% svck.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần SZC đạt 351 tỷ đồng, giảm 35% cùng kỳ. Lãi ròng gần 108 tỷ đồng, giảm 21% svck 2022.

Năm 2023, công ty đặt kế hoạch tổng doanh thu hơn 914 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 210 tỷ đồng, tăng lần lượt 4% và 7% so với thực hiện năm 2022.

Như vậy, SZC đã hoàn thành được 39% doanh thu và 51% lợi nhuận sau thuế 2023 sau 6 tháng đầu năm.

Tiếp theo, CTCP Sonadezi Giang Điền (mã: SZG) ghi nhận doanh thu thuần 165 tỷ đồng, tăng gấp đôi svck, lợi nhuận trước thuế 86 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 70 tỷ đồng, đều gấp 3,2 lần cùng kỳ năm trước. Đây được coi là khoảng lãi cao nhất kể từ khi SZG công bố báo cáo tài chính.

Trong đó, mảng kinh doanh đất, hạ tầng Khu công nghiệp Giang Điền vẫn là trụ cột đóng góp chính, đạt 34,5 tỷ đồng và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2022. Mảng cho thuê nhà xưởng tăng gần 49% lên mức 32 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng cao thứ hai trong cơ cấu doanh thu. Sonadezi Giang Điền còn ghi nhận doanh thu tài chính gần 6 tỷ đồng, tăng 155% so với cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty đạt doanh thu thuần 250 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 103 tỷ đồng, lần lượt tăng 44% và 119% so với cùng kỳ.

Một công ty con nữa của Tổng công ty Sonadezi là CTCP Phát triển Đô thị Công nghiệp số 2 (HOSE: D2D) trong báo cáo riêng quý II đã thu về gần 17,2 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng nhẹ svck nhưng giảm 34,4% so với quý liền trước. Giá vốn hàng bán tăng 7,4% lên 16 tỷ đồng là giá vốn của hạ tầng khu công nghiệp (KCN) NT2.

Doanh thu tài chính đạt khoảng 5,8 tỷ đồng, tăng 20,8% svck. Trong kỳ, này công ty còn phát sinh 324 triệu đồng chi phí tài chính (cùng kỳ năm ngoái không ghi nhận).

Chi phí quản lý doanh nghiệp đã được cắt giảm còn 6,2 tỷ đồng so với mức 6,3 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Trừ thuế, lãi ròng quý II của D2D đạt 983 triệu đồng, tăng 28,2% svck 2022, nhưng đã giảm mạnh 85% so với quý I vừa qua.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của công ty đạt 43,5 tỷ đồng, tăng 12,1%, lãi ròng đạt hơn 7 tỷ đồng, tăng nhẹ svck 2022. Tuy nhiên, kết quả này mới chỉ giúp công ty đi được 16% doanh thu kế hoạch và 17% lợi nhuận kế hoạch cả năm 2023. 

Doanh thu thuần của CTCP Địa ốc 11 (HNX: D11) trong quý II sụt giảm mạnh 76% svck, chỉ đạt 11,6 tỷ đồng. Giá vốn hàng bán cũng giảm mạnh hơn 6 lần từ 35 tỷ đồng trong quý II/2022 còn hơn 5 tỷ đồng ở quý này, kéo theo lợi nhuận gộp của công ty giảm 55% còn hơn 6 tỷ đồng.

Doanh thu và chi phí tài chính của D11 cũng giảm lần lượt 82,8% và 59%. Bên cạnh đó, công ty cũng cắt giảm được chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp.

Kết quả, lãi ròng quý II của D11 đạt 3,6 tỷ đồng, tăng 12,5% svck.

Lũy kế nửa đầu năm 2023, doanh thu thuần của D11 đạt 20,9 tỷ đồng, giảm 63,7%, lãi ròng tăng xấp xỉ 100% lên 7,6 tỷ đồng. 

Thách thức lớn với BĐS vẫn ở phía trước

Đánh giá về bức tranh toàn ngành, nhà phân phối BĐS Dat Xanh Services (FERI) cho biết, 6 tháng đầu năm 2023, thị trường bất động sản Việt Nam đang tồn tại những thách thức lớn, từ những tác động bất lợi của tình hình kinh tế, chính trị, tài chính toàn cầu và trong nước, đến việc pháp lý bất động sản vẫn còn bị thắt chặt, chưa có biện pháp cụ thể để tháo gỡ vướng mắc pháp lý. Niềm tin thị trường vẫn chưa phục hồi mạnh khiến các bên tham gia thị trường đều gặp khó khăn.

Cho triển vọng cả năm, trong báo cáo mới nhất (ngày 17/7), CTCK Ngân hàng Quân Đội - MB (MBS) kỳ vọng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực BĐS KCN ở miền Bắc sẽ hưởng lợi nhiều từ nguồn vốn FDI tăng mạnh và chuyển dịch của nhà xưởng nhờ vị trí chiến lược (gần Trung Quốc), cơ sở hạ tầng tốt, chi phí thuê thấp hơn và nguồn đất sạch lớn hơn so với khu vực miền Nam. Đối với các tỉnh phía Nam, nhóm phân tích kỳ vọng vào tỉnh Bình Dương do vị trí đắc địa, cơ sở hạ tầng phát triển và lượng đất có sẵn mới.

Năm 2023, MBS cho rằng kết quả kinh doanh của nhóm ngành BĐS KCN sẽ suy giảm bởi nhiều yếu tố, bao gồm cả chi phí lãi vay tăng. Do đặc thù phát triển nhiều dự án cùng lúc nên trong thời gian qua nhiều nhà phát triển cơ sở hạ tầng KCN đã huy động vốn lớn. Chi phí vay tăng trong bối cảnh lãi suất vay cao như hiện nay sẽ khiến tăng trưởng lợi nhuận suy giảm.