Lợi nhuận Sabeco giảm 30% trong quý II, có gần 1 tỷ USD gửi ngân hàng lấy lãi

Lạc Lạc 14:03 | 27/07/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã: SAB) ghi nhận doanh thu cùng lợi nhuận quý II cùng giảm so với cùng kỳ. Thế nhưng kết quả này đã có phần khởi sắc hơn tháng quý I trước đó.

Lợi nhuận giảm do hàng loạt chi phí tăng cao

Theo BCTC hợp nhất vừa công bố, kết thúc quý II/2023, Sabeco ghi nhận doanh thu thuần hơn 8.312 tỷ đồng và lãi gộp 2.487 tỷ đồng, giảm tương ứng 8% và 19% so với cùng kỳ. Biên lãi gộp thu hẹp từ 34% xuống 30%.

Trong kỳ, hoạt động tài chính trở thành "điểm sáng", mang về hơn 354 tỷ đồng, tăng 40% và chủ yếu đến từ lãi tiền gửi ngân hàng. Trong khi đó, chi phí tài chính với phần lớn là chi phí lãi vay chỉ hơn 17 tỷ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ.

Dù vậy, chi phí bán hàng và cả chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng so với cùng kỳ, lần lượt lên 1.167 tỷ đồng và 200 tỷ đồng, khiến lãi trước thuế giảm 31%, xuống 1.524 tỷ đồng. Sau thuế, công ty lãi gần 1.160 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ.

 Ảnh: Trang Mai tổng hợp từ BCTC doanh nghiệp. 

Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần Sabeco đạt 14.526 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ. Trong đó phần lớn là doanh thu bán bia với 12.911 tỷ đồng, giảm 11%. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.214 tỷ đồng, giảm 27%. Kết quả này chỉ giúp doanh nghiệp bia thực hiện 36% kế hoạch doanh thu và 37% mục tiêu lợi nhuận năm.

Theo giải trình, Sabeco cho biết kết quả kinh doanh quý II thấp hơn năm ngoái do sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, nhu cầu tiêu dùng thấp hơn do tác động bất lợi của kinh tế bất ổn cùng chi phí bao bì, nguyên vật liệu, bán hàng, quản lý doanh nghiệp cao hơn. 

Trong nửa đầu năm, kinh tế trong nước suy thoái do bất ổn kinh tế toàn cầu và việc tiếp tục tập trung Nghị định 100, cùng với ảnh hưởng của các chi phí đã tác động trực tiếp đến lợi nhuận. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, chi phí bán hàng tăng hơn 260 tỷ đồng lên hơn 2.028 tỷ đồng. Trong đó, tăng chủ yếu bởi chi phí quảng cáo và khuyến mại với hơn 1.221 tỷ đồng, tăng 126 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Trong báo cáo phân tích triển vọng doanh nghiệp ngày 12/6 vừa qua, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng triển vọng trong năm 2023 của Sabeco vẫn còn gặp nhiều thách thức. Công ty chứng khoán dự phóng trong năm nay, nhu cầu phục hồi của ngành bia sau Covid hạ nhiệt và có thể lượng tiêu thụ sẽ thấp hơn so với mức sản xuất tăng mạnh của các nhà sản xuất bia đặc biệt trong cuối năm 2022 vừa qua. Với vị thế cũng như liên tục đầu tư vào thương hiệu sẽ giúp Sabeco giành được thị phần nhờ cải tiến marketing và phân phối. 

Doanh nghiệp này vẫn tiếp tục tập trung vào phổ thông, đồng thời tấn công, xây dựng thương hiệu ở phân khúc cận cao cấp và cao cấp. Cho năm 2023, Sabeco đã chốt nguyên liệu cho gần hết quý III và do mua nguyên liệu vào cuối năm ngoái cho nên chi phí đầu vào bình quân ước tính dự kiến sẽ cao hơn 2022. Với triển vọng ngắn hạn ngành bia dự kiến tăng trưởng chậm lại trong năm 2023 khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, VCBS dự phóng doanh thu đạt tăng trưởng 6% so với cùng kỳ, lên 37.078 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 5.765 tỷ đồng, tăng 4,8%. ,

Đồng thời, VCBS kỳ vọng giai đoạn chuyển đổi 2 của Sabeco sẽ đem lại nhiều thay đổi trong hiệu quả hoạt động và sẽ phản ánh nhiều hơn từ năm 2024. 

Có gần 1 tỷ USD gửi ngân hàng

Tính đến ngày 30/6, tổng tài sản của Sabeco đạt 33.647 tỷ đồng, giảm 818 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Trong đó, tiền mặt và tiền gửi ngân hàng của Sabeco hơn 22.380 tỷ đồng, tương đương gần 1 tỷ USD. Hàng tồn kho còn 2.430 tỷ, chiếm gần một nửa là thành phẩm, hàng hoá. 

Khoản đầu tư tài chính dài hạn ghi nhận 2.318 tỷ đồng, chủ yếu là đầu tư vào các công ty liên kết và cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát

Tổng nợ phải trả công ty ở mức 8.123 tỷ đồng, giảm 18% so với đầu năm, trong đó, tổng nợ vay là 866 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu ở mức 25.523 tỷ đồng.

Về M&A , Sabeco đã nâng tỷ lệ sở hữu tại Công ty cổ phần Bia Sài Gòn - Miền Tây (WSB) từ 51% lên 70,55% vào cuối tháng 4. Công suất của WSB là 350 triệu lít/năm. Sabeco cũng công bố kế hoạch tăng tỷ lệ sở hữu của Sabeco tại nhà máy bia Sài Gòn Bình Tây (Sabibeco – hiện là công ty liên kết của Sabeco với tỷ lệ sở hữu 22%) và công ty liên kết bao bì của Sabibeco (Sabibeco sở hữu 39% trong khi SAB sở hữu trực tiếp và gián tiếp dưới 20%).

Tổng cộng, hai công ty liên kết có sáu nhà máy bia và hai nhà máy đóng gói. Ban lãnh đạo kỳ vọng việc nâng sở hữu sẽ phát huy hiệu quả từ năm 2024 về mặt cải thiện tỷ suất lợi nhuận gộp và hợp nhất báo cáo tài chính. Sabibeco sở hữu một thương hiệu mạnh là ‘Sagota’, vốn được biết đến tại thị trường địa phương với cả sản phẩm không cồn (bia không cồn Sagota).