Vượt 20% kế hoạch lãi ròng năm 2022 nhưng Sabeco có thể chững lại vì khó khăn

Thùy Dương 18:50 | 27/02/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Kết quả kinh doanh của Sabeco ghi nhận khởi sắc rực rỡ sau 2 năm dịch bệnh, tiến tới hoàn tất M&A (sáp nhập và mua lại) 2 công ty con, không ngừng mở rộng thị phần trong bối cảnh Nghị định 100 được ban hành và thực hiện nghiêm chỉnh.

Ngày 24/2, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại Thương VN (VCBS) vừa có báo cáo về Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (HOSE: SAB) cùng triển vọng 2023 tiếp đà phục hồi song song những khó khăn ngành bia sẽ đối mặt năm trong năm nay.

Theo báo cáo tài chính quý IV/2022 (chưa kiểm toán), doanh thu thuần của SAB đạt hơn 10 nghìn tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ quý IV/2021, lãi ròng giảm 21%, còn 1.043 tỷ đồng. SAB cho biết nguyên nhân lợi nhuận giảm do công ty đẩy mạnh các hoạt động tiếp thị, quảng cáo. Bên cạnh đó, doanh thu thuần ghi nhận tăng trưởng nhờ nhu cầu được cải thiện khi có các sự kiện World Cup 2022 và Tết Nguyên đán đến sớm hơn năm ngoái cùng sự tăng nhẹ của giá bán so với cùng kỳ.

Biên lãi ròng giảm còn 10,4% chủ yếu do SAB chi mạnh cho quảng cáo và khuyến mãi nhằm giành lại thị phần đã mất và tình hình cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn giữa các hãng bia. Theo ban lãnh đạo công ty, việc đầu tư vào thương hiệu rất quan trọng, SAB sẽ tiếp tục chi cao cho quảng cáo trong năm 2023 tuy nhiên tính trên bình quân mỗi đơn vị sản phẩm sẽ giảm dần và hiệu quả hơn.

Lũy kế cả năm 2022, doanh thu thuần đạt gần 35 nghìn tỷ đồng, tăng 33% so với năm trước, lãi sau thuế gần 5,5 nghìn tỷ đồng, tăng 40% và là mức cao nhất trong lịch sử hoạt động của công ty. Như vậy, SAB đã vượt 20% kế hoạch lãi sau thuế 4.581 tỷ đồng mà công ty đề ra cho năm qua.

Chi phí Quảng cáo & Khuyến mãi tăng mạnh 40% so với cùng kỳ lên 3.068 tỷ đồng. Mặc dù đã nỗ lực tiết giảm các chi phí nhưng SAB rất mạnh tay chi cho quảng cáo. Năm 2021, chi phí quảng cáo đạt 2.192 tỷ đồng, cũng tăng ở mức 40% so với cùng kỳ. Kết quả này 1 phần do áp lực cạnh tranh lớn từ đối thủ khi Heineken - hãng giải khát với thị phần chiếm ưu thế hàng đầu tại miền Nam đã tăng cường quảng cáo trong năm qua do bị ảnh hưởng bởi dịch và phong tỏa.

 

VCBS nhận định, doanh thu thuần tăng nhờ sản lượng và giá bán đều tăng, tuy nhiên sản lượng bán hàng vẫn còn thấp hơn mức trước Covid và khi Nghị định 100 được ban hành. Cơ cấu sản phẩm tốt hơn với tỷ trọng sản phẩm cận cao cấp cao hơn. SAB phần nào lấy lại được thị phần đã mất trong 2 năm qua như SG Special, SG Larger, còn đối với SG Chill thị phần đang tăng rất tốt tuy nhiên do sản phẩm mới và đóng góp nhỏ trong cơ cấu sản phẩm.

Hết 9 tháng đầu năm 2022, mảng bia của ThaiBev - công ty đồ uống lớn nhất Thái Lan tăng trưởng sản lượng 14,5% so với cùng kỳ nếu bao gồm Sabeco và chỉ tăng 3,7% nếu loại trừ Sabeco.

Triển vọng ngành bia 2023 - tăng trưởng cùng thách thức từ Nghị định 100

Năm 2022, ngành sản xuất bia phục hồi khá tốt sau dịch. Theo Tổng cục Thống kê, sản lượng sản xuất bia đã tăng 29,8% so với cùng kỳ, đạt 6,15 tỷ lít. Đây cũng là mức sản xuất cao nhất của ngành bia từ trước đến nay, cao hơn cả mức đỉnh năm 2019 là 5,1 tỷ lít.

Năm 2023, các chuyên gia cho rằng ngành bia sẽ tiếp tục phục hồi nhờ kênh on-trade với hoạt động kinh tế tiếp tục và mở cửa cho du lịch sẽ thúc đẩy tiêu dùng. Tuy nhiên, Nghị định 100 xử phạt đối với người uống rượu bia và áp lực kinh tế sẽ kìm hãm sự phục hồi của ngành bia. Cạnh tranh giữa hai đối thủ hàng đầu sẽ khốc liệt hơn nhằm lấy lại thị phần đã mất trong đại dịch. Tiếp thị sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nhu cầu. Đổi mới và cải tiến sản phẩm sẽ là chiến lược quan trọng khác để phân biệt với đối thủ cạnh tranh.

SAB đã nỗ lực trong việc làm mới danh mục sản phẩm như cho ra mắt sản phẩm có hương vị mới, bao bì mới trên một thương hiệu hiện có để hướng đến hình ảnh cao cấp hơn, đồng thời tiến tới phát triển tiềm năng lớn của thị trường đồ uống không cồn, cái hiện chưa có trong danh mục sản phẩm của Sabeco.

Đầu tháng 2, SAB vừa có thông báo sắp đón thêm 2 công ty con. Cụ thể, HĐQT vừa thông qua chủ trương triển khai đề xuất nâng sở hữu tại CTCP Tập đoàn Bia Sài Gòn Bình Tây (Sabibeco) và CTCP Tập đoàn Bao bì Sài Gòn. Sau khi hoàn thành các thủ tục, 2 công ty này sẽ trở thành công ty con của SAB.

Tại ngày 31/12/2022, SAB nắm quyền kiểm soát 22,18% Sabibeco và dưới 20% tại Bao bì Sài Gòn (giá gốc khoản đầu tư tài chính này là 50 tỷ đồng). Sabibeco nắm giữ 38,96% cổ phẩn của Bao bì Sài Gòn.

Hiện có 25 công ty con và đầu tư vào nhiều đơn vị liên doanh, liên kết thuộc SAB. Nếu hoàn tất thủ tục nâng tỷ lệ sở hữu tại Sabibeco và Tập đoàn Bao bì Sài Gòn, Sabeco sẽ nâng tổng số công ty con lên mức 27.