Lợn trong đời sống và văn hóa Việt Nam

08:15 | 05/02/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Trong những vật nuôi, lợn (heo) là loài gia súc đông đảo, có ý nghĩa tinh thần phong phú và giá trị biểu tượng cao. Nó thể hiện vai trò gần gũi mà quan trọng, tạo nên những ảnh hưởng mạnh mẽ, đa dạng và tích cực trong đời sống văn hóa Việt Nam.

Được thuần dưỡng từ rất sớm, sử dụng phổ biến, liên tục, lâu dài, mang giá trị vật chất đa dạng và mật thiết, nên lợn (heo) cũng tạo giá trị tinh thần phong phú, ảnh hưởng sâu rộng đến tâm linh và đời sống văn hóa của người Việt Nam. Từ thời tiền sử cách đây hàng vạn năm, trên những vách đá trong các hang động tại Tuyên Quang, Phú Thọ, Hòa Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình, Gia Lai, Lâm Đồng, Tây Ninh và An Giang, đã thấy nhiều hình lợn được vẽ, khắc bởi người Việt cổ. Trong những di chỉ thời đồ đá mới (cách đây 60-100 thế kỷ), đã thấy các vật trang sức và bùa đeo được chế tác từ răng nanh lợn rừng. Sang thời Văn Lang và Âu Lạc (cách đây 21-27 thế kỷ), tìm thấy nhiều hình lợn, trâu, gà, chim hạc và cá sấu được dập đúc hoặc chạm khắc trên các vật dụng bằng sắt, đồng, gốm như trống chiêng, chum vại, bình ấm, nồi bát, dao mác, gậy cột…

Lợn là một trong 6 vật nuôi thông dụng nhất (lục súc: lợn, gà, chó, ngựa, trâu, dê) và một trong 3 thứ lễ vật đặc biệt để cầu cúng, tế dâng thần thánh (tam sinh: lợn, bò, dê). Trong sự kết hợp thiên can với địa chi để tính thời gian và chu kỳ phát triển, lợn nhập hệ lịch can chi 12 con vật, là biểu tượng của chi Hợi - chi cuối cùng, quan trọng, mang những ý nghĩa triết lý và nhân văn sâu sắc. Giờ Hợi kéo dài từ 21 đến 23 giờ, là giờ cuối trong ngày, giờ lợn đi ngủ, giờ mở đầu ban đêm, con người và mọi vật cũng nghỉ ngơi. Tháng Hợi là tháng 10 âm lịch, đầu mùa đông, trời chuyển lạnh, nhiều loài cây trồng, vật nuôi cho thu hoạch sản phẩm. Người ta còn cho rằng người sinh năm Lợn (tuổi Hợi) thường tài giỏi, nhàn nhã, sung túc và hay đắc lộc, gặp nhiều may mắn, hạnh phúc trong đời.

Lợn trong đời sống và văn hóa Việt Nam - ảnh 1
Hình ảnh những chú lợn được vẽ lại sinh động trong tranh Đông Hồ. 

Lợn (heo) còn được lấy làm đối tượng cho hàng trăm câu ngạn ngữ, phương ngữ, tục ngữ, thành ngữ sinh động, dân dã và thâm thúy. Các thành ngữ “ăn như heo”, “bẩn như lợn”, “mập như heo/béo như lợn”, “lười như lợn/heo”, “ngu như lợn/heo”… là lời ví dùng phổ biến trong đời sống dân cư mọi miền. “Chạy xoạc móng heo” diễn tả sự vất vả và chạy vạy nhiều nơi. “Con lợn có béo cỗ lòng mới ngon” khẳng định hình thức sẽ phản ánh nội dung. “Hùm nằm cho lợn liếm lông” chỉ điều phi lý, ngược đời. “Lợn cưới, áo mới” chế giễu sự khoe khoang lố bịch, kệch cỡm, không phù hợp hoàn cảnh. “Lợn rọ, chó thui” lại lưu ý về sự vật, hiện tượng không đúng thực chất trong cuộc sống. “Mượn đầu heo nấu cháo” cảnh báo sự giả dối, thủ thuật, việc lợi dụng, bòn rút một cách khôn khéo, tinh vi…

Hình ảnh lợn (heo) trở nên sinh động, gần gũi nhất qua những sinh hoạt ẩm thực, văn hóa và lễ hội truyền thống. “Mâm xôi (nấu, đồ) - con lợn (luộc, quay)” là các món ăn và đồ lễ dùng phổ biến trong các đám lễ hội, hiếu hỷ, liên hoan của thôn xóm, làng xã. Nhiều làng nuôi lợn thờ, đến ngày lễ tế thành hoàng năm mới thì đem “ông lợn”, “ông ỉ” này ra tế sinh, cúng xong sẽ chia phần như chia phúc lộc cho mọi thành viên trong làng. Thủ lợn (đầu heo) là món sính vật quan trọng trong mâm cúng tại những buổi lễ long trọng và đặc biệt của người dân Việt Nam. Với lễ cưới thời xưa, mâm lễ vật của nhà gái phải có một thủ lợn nguyên lành; sau đêm tân hôn, nếu phát hiện cô dâu đã thất tiết trước lúc động phòng, nhà trai sẽ xẻo tai lợn rồi đem thủ lợn mất tai trả lại nhà gái như một sự cảnh báo bắt buộc… Lợn cũng du nhập phong tục tập quán của nhiều vùng miền, nhiều dân tộc, thể hiện qua những sinh hoạt cộng đồng vui vẻ mà độc đáo. Đụng lợn ngày Tết là một nét đẹp văn hóa và đoàn kết xưa nay trong đón mừng năm mới: 4-8 gia đình ở gần nhau sẽ cùng chung nuôi hoặc mua rồi giết mổ, chia nhau một con lợn theo phần, theo góc để ăn Tết.

Ở Tây Nguyên, rất thông dụng tục lệ đốt heo: trong lễ hội, những người tham dự đốt một đống củi và lồ ô khô. Con heo sau khi bị đập chết sẽ được dội nước cho ướt khắp thân mình, rồi đặt trên đống lửa và lật qua lật lại. Sau đó, heo được lấy xuống, dùng cật nứa cạo tàn lông thay vì dùng dao, rồi mới dùng dao mác mổ thịt, chia phần cho mọi người hoặc chế các món ăn. Ở Nam Bộ, cúng đầu heo là phong tục đặc biệt được tiến hành trong những việc quan trọng của gia chủ. Người ta lấy thịt, mỡ, da và các nội tạng heo, mỗi thứ một ít, nấu một nồi cháo với gạo trắng. Tiếp đó, đầu heo được làm sạch, cho vào nồi cháo. Khi cháo chín nhừ thì đầu heo cũng chín tới, được vớt ra, bày trang trí trên mâm cùng 3, 5 hoặc 7 bát (chén) cháo, nhang đèn thắp lên và gia chủ bắt đầu khấn vái hành lễ.

Người Thái ở Yên Châu (Sơn La) có tục mừng thủ lợn đám cưới: đúng ngày cưới, sau khi tổ chức xong tiệc cưới buổi trưa tại gia đình nhà gái, chiều tối cô dâu chú rể cùng đại diện hai bên gia đình sẽ đem một thủ lợn và các lễ vật sang nhà ông bà ngoại cô dâu để tạ ơn. Nếu ông bà ngoại đã mất, thì bác trai hoặc cậu ruột cô dâu sẽ thay mặt nhận lễ và bên ngoại sẽ tổ chức bữa tối thân mật mừng hạnh phúc cho vợ chồng con cháu. Cũng trong việc cưới, tục thách cưới bằng thịt lợn của người Tày ở Lạng Sơn khiến nhà trai phải chuẩn bị nhiều lễ vật, đặc biệt là thịt lợn (khoảng 4 tạ thịt lợn, trong đó phải đem sang nhà gái ít nhất 1 tạ!).

Người Sán Chỉ ở Bình Liêu (Quảng Ninh) thì có tục nhận cha mẹ nuôi bằng thịt lợn. Theo đó, khi con cái đến tuổi trưởng thành, thường phải nhận cha mẹ nuôi để có thêm người bảo trợ, chia sẻ. Thủ tục và lễ vật để được nhận cũng đơn giản, nhưng không thể thiếu thịt lợn (khoảng 6 kg). Người Cơ Tu ở Quảng Nam rất chuộng nanh heo, coi đó như một đồ trang sức quý giá và bùa hộ mệnh may mắn. Họ không chỉ săn heo rừng để lấy nanh, mà còn tuyển chọn, nuôi dưỡng kỳ công hàng chục năm những con heo nhà (heo đực) để chúng có thể cho bộ nanh hoành tráng như ý. Người Jrai ở Gia Lai có tục góp lợn làm đám ma rất phổ biến, khiến mỗi khi trong làng có người mất, nhiều hộ gia đình, hàng xóm góp lợn nhà mình vào đám ma đó, có đám ngốn tới hàng trăm con lợn.

Không chỉ là nguồn thực phẩm và dược liệu đa dạng, phổ biến, lợn (heo) còn được nuôi để làm cảnh, dùng đánh hơi (vì mũi chúng rất thính), nghiên cứu khoa học và nhiều công việc khác. Chúng cũng góp mặt trong các hoạt động văn hóa-thể thao. Do dễ huấn luyện, lợn được dạy làm các trò: đi bằng hai chân sau, leo cầu, nhảy qua vòng lửa, kêu đếm số… trong các đoàn, gánh, nhóm xiếc lợn. Còn đua heo cũng là một trò chơi thể thao truyền thống hấp dẫn trên khắp miền đất nước, ngày nay được chú trọng phục vụ mục đích giải trí, du lịch của du khách, như tại khu Yang Bay (Khánh Hòa), làng du lịch các dân tộc thiểu số Nhuận Đức và trường đua Phú Thọ (Thành phố Hồ Chí Minh), làng sinh thái Mỹ Khánh (Cần Thơ)…