Long An sẽ tiên phong thực hiện sứ mệnh lịch sử xây dựng đường ven biển miền Tây

11:17 | 17/03/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được cho biết địa phương này sẽ tiên phong trong việc thực hiện sứ mệnh lịch sử là xây dựng đường ven biển của miền Tây trong 5 năm tới.
Trong cuộc trao đổi với Zing, ông Nguyễn Văn Được, Bí thư Tỉnh ủy Long An, nói nhiều về “khát vọng Long An”. Theo đó, tỉnh này sẽ tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Trong 10 năm tới, Long An phấn đấu vươn lên nằm trong top 5 tỉnh, thành phố có quy mô kinh tế lớn nhất vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
 
Theo ông Được, động lực chính để phát triển Long An vẫn là công nghiệp. Tỉnh này sẽ tận dụng tối đa lợi thế vị trí gần TP.HCM, gần các tỉnh Đông Nam Bộ và là cửa ngõ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Để làm được điều này thì việc phát triển hạ tầng giao thông được coi là “đột phá” và quan tâm đặc biệt.
 
“Lộ thông, tài thông”
 
Theo Zing, Bí thư Tỉnh ủy Long An nhắc đến câu nói “lộ thông, tài thông” để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển giao thông. Ông cho rằng giao thông là huyết mạch của nền kinh tế. Nếu không có giao thông thì không thể nói đến sự phát triển.
 
Giao thông đang là vấn đề cốt lõi của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long. “Quy hoạch giao thông đã có, vấn đề là quyết tâm để thực hiện và quyết tâm có vốn để thực hiện”, ông Được nói.
 
Thời gian tới, ngoài việc tích cực triển khai hàng loạt dự án giao thông kết nối vùng Đông Nam Bộ với Long An, tỉnh này sẽ tiên phong xây dựng đoạn đầu tiên của tuyến đường ven biển của Đồng bằng sông Cửu Long.
 
Tuyến đường này dự kiến bắt đầu từ Long An, qua Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, sau đó vòng ven biển Tây đi tới Kiên Giang.
 
“Long An sẽ thực hiện sứ mệnh lịch sử khi tiên phong làm đoạn đầu đường ven biển phía đông của Đồng bằng sông Cửu Long”, ông Nguyễn Văn Được nói.
 
Người đứng đầu Tỉnh ủy Long An nhắc đến từ “đa mục tiêu” để nói về vai trò rất quan trọng của đường ven biển cho miền Tây. Con đường sẽ đi qua những vùng kinh tế khó khăn của miền Tây, giúp phát triển kinh tế, qua đây cũng tạo sự ổn định về chính trị.
 
 
Long An sẽ tiên phong thực hiện sứ mệnh lịch sử xây dựng đường ven biển miền Tây - ảnh 1
Long An sẽ đi đầu trong việc xây dựng đường ven biển trong 5 năm tới. Ảnh minh họa: Lê Quân.
 
Thứ hai, con đường sẽ giống như một tuyến đê biển, giúp ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Thứ ba, con đường còn mang ý nghĩa quan trọng về an ninh - quốc phòng.
 
Tuy nhiên, để làm được đường ven biển thì sự hỗ trợ của Chính phủ đóng vai trò rất quan trọng. Bí thư Tỉnh ủy Long An nhắc đến sự hỗ trợ về cơ chế nhiều hơn là tiền bạc.
 
Theo đó, Long An dự kiến khai thác quỹ đất 2 bên đường để lấy nguồn tiền xây dựng. Giả sử mặt cắt ngang của con đường là 100 m, tỉnh sẽ giải phóng mặt bằng quỹ đất mỗi bên thêm 100 m cắt ngang. Tổng mặt cắt ngang khi đó là 300 m. Long An sẽ đấu giá quỹ đất này.
 
Tuy nhiên, cái khó của việc khai thác quỹ đất 2 bên đường theo ông Được là quy hoạch. Muốn khai thác, sử dụng, đấu giá đất 2 bên đường thì Chính phủ phải thống nhất quy hoạch đó được sử dụng làm gì. Khi quy hoạch đã rõ ràng thì có thể đấu giá đất một cách hiệu quả, tạo nguồn tiền để làm đường.
 
Ngoài ra, để giải phóng mặt bằng quỹ đất thêm 2 bên đường cũng cần có cơ chế cụ thể, rõ ràng, tránh những vấn đề phát sinh có thể xảy ra.
 
Một khó khăn nữa được Bí thư Tỉnh ủy Long An nêu ra là chi phí xây dựng những cây cầu là rất lớn. Toàn Đồng bằng sông Cửu Long có rất nhiều cửa biển, cửa sông cần xây dựng cầu. Riêng Long An phải xây dựng 3 cây cầu để hoàn thành toàn tuyến đường ven biển.
 
Với nguồn kinh phí lớn này, ông Được đề xuất Chính phủ cần hỗ trợ vốn mồi, vốn đầu tư công, hoặc các nguồn vốn khác để các tỉnh có thể thực hiện.
 
“Chúng tôi cũng phải chạy”
 
Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được nói rằng mục tiêu phát triển đột phá về cơ sở hạ tầng cũng là cách để đưa kinh tế Long An vươn lên mạnh mẽ.
 
Ông nhấn mạnh “Khát vọng Long An” là tiếp tục giữ được vị thế dẫn đầu về kinh tế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trong giai đoạn 2021-2025, Long An sẽ tiếp tục giữ vững được vị thế đó. Giai đoạn 2026-2030, Long An sẽ vươn lên trở thành tỉnh phát triển khá, nằm trong top 5 tỉnh, thành phố có nền kinh tế phát triển nhất vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
 
“Họ đang đi rất nhanh, chúng tôi cũng phải ‘chạy’. Hiện kinh tế của một số tỉnh, thành phố đã gấp nhiều lần Long An. Chúng tôi mong muốn giai đoạn 2026-2030, sẽ vào nhóm 5 tỉnh dẫn đầu gồm TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu”, ông Được nói.
 
Theo Bí thư Tỉnh ủy Long An, công nghiệp vẫn là động lực để tỉnh phát triển nhanh trong 5-10 năm tới.
 
Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 của tỉnh đặt ra mục tiêu tăng trưởng GRDP khoảng 9,2-10%/năm. Trong 5 năm nữa, tỷ trọng công nghiệp và dịc vụ sẽ đạt 90%, trong đó công nghiệp là 60,5%. Long An phấn đấu GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 115-120 triệu đồng.
 
Riêng năm 2021, tỉnh đặt ra mục tiêu phát triển công nghiệp - xây dựng tăng 13-13,5% bất chấp khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, từ đó mục tiêu tăng trưởng GRDP vượt 9%.
 
Theo Bí thư Tỉnh ủy Long An, sau khi có sự phát triển mạnh mẽ về công nghiệp và dịch vụ, sẽ kéo sự phát triển của các đô thị đi theo. Long An vốn đang có lợi thế nằm ở cửa ngõ của Đồng bằng sông Cửu Long với vùng Đông Nam Bộ.
 
Hơn nữa, với hàng loạt dự án giao thông đang được đề xuất để kết nối giữa TP.HCM và tỉnh Long An trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, hứa hẹn tốc độ đô thị hóa tại tỉnh này sẽ ngày càng nhanh.
 
 
Long An sẽ tiên phong thực hiện sứ mệnh lịch sử xây dựng đường ven biển miền Tây - ảnh 2
 Long An có vị trí quan trọng với TP.HCM. Nhiều tuyến đường vành đai của TP.HCM sẽ đi qua Long An. Đồ họa: Phượng Nguyễn.
 
 
Trước đó, PLO.vn cho biết, dự kiến giai đoạn 2021-2025, tuyến đường ven biển từ Tiền giang tới Cà Mau, Kiên Giang sẽ được xây dựng, trở thành hành lang kinh tế thúc đẩy phát triển ĐBSCL.Theo quy hoạch, tuyến đường ven biển dài hơn 700 km sẽ kết nối từ TP.HCM qua Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau tới Kiên Giang. Tuyến đường ven biển này khi hình thành sẽ góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH khu vực ĐBSCL và chia sẻ áp lực giao thông với các tuyến đường hiện hữu.Phá vỡ thế độc đạo của quốc lộ 1.
 
Nói về ý nghĩa của tuyến đường ven biển đoạn qua địa bàn tỉnh Long An, ông Nguyễn Hoài Trung nhận định đây không chỉ là trục động lực phát triển KT-XH của tỉnh mà còn là tuyến giao thông liên kết liên vùng, tạo động lực phát triển kinh tế cả vùng ĐBSCL.
 
Theo đó, tỉnh Long An luôn đánh giá cao vai trò của tuyến đường ven biển này, khi tuyến đường hoàn thành sẽ giảm hẳn tình trạng ùn tắc giao thông trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương và QL1 hiện đang quá tải. Khi đó, thời gian di chuyển, chi phí vận chuyển hàng hóa giảm, sẽ tạo điều kiện phát triển kinh tế cho các tỉnh miền Tây khi kết nối với Long An, TP.HCM và các cảng biển, đồng thời thu hút các nhà đầu tư lớn đến với Long An.
 
Ông Trung cho biết tỉnh Long An đã tiến hành tuyên truyền cho người dân hiểu được vai trò của dự án và nhận được sự đồng thuận. Tuy nhiên, về cơ bản, tuyến đường ven biển là tuyến đường hoàn toàn mới, chủ yếu đi qua đất ruộng, dân cư thưa thớt nên chi phí GPMB thấp. Hiện tỉnh Long An đã lập quy hoạch giải phóng bề ngang tuyến đường thêm 300 m để tạo điều kiện, thu hút các nhà đầu tư tham gia đầu tư trục giao thông này. Đây được coi là một nguồn xã hội hóa để làm giao thông, đầu tư phát triển kinh tế.
 
Về phía Cà Mau, lãnh đạo tỉnh cho biết hiện đơn vị đã trình Bộ KH&ĐT dự án này. Theo đó, tuyến đường ven biển đi qua địa phận tỉnh Cà Mau sẽ có chiều dài khoảng 200 km với tổng vốn đầu tư hơn 10.000 tỉ đồng, chia làm hai giai đoạn đầu tư. Sau khi hoàn thành, tuyến đường ven biển sẽ đảm bảo việc kết nối vùng và phá thế độc đạo của QL1.
 
TS Trần Hữu Hiệp, chuyên gia kinh tế ĐBSCL, nhận định giao thông khu vực ĐBSCL hiện nay được xem là điểm nghẽn trong phát triển vùng. Tuy nhiên, nhiều năm nay giao thông phục vụ cho phát triển kinh tế, nhu cầu đi lại của người dân vẫn chưa được khơi thông. Ông Hiệp cho rằng việc xây dựng tuyến đường này sẽ kết nối liên vùng, chia sẻ áp lực giao thông với các tuyến đường hiện hữu, tạo điều kiện phát triển KT-XH.
 
Tương tự, theo TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT, Trường ĐH Việt Đức, TP.HCM là trung tâm kinh tế hàng đầu của cả nước song giao thông kết nối vùng chưa được đảm bảo. Hiện nay gần như toàn bộ hàng hóa khu vực ĐBSCL đều di chuyển về hệ thống cảng biển ở Cát Lái, Cái Mép - Thị Vải và Hiệp Phước… Bên cạnh đó, tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương, QL1 đã quá tải nên việc xây dựng các tuyến đường mới, hành lang kinh tế xuyên suốt là vô cùng cần thiết trong thời điểm hiện nay.
 
Minh Hoa