Long Biên (Hà Nội): Bất cập khi chính quyền “nhờ” cá nhân bảo vệ bãi đất chống đổ phế thải
UBND phường Long Biên (quận Long Biên, Hà Nội) ký “Hợp đồng thỏa thuận” với một cá nhân có nội dung “quản lý giúp UBND phường để chống lấn chiếm, chống đổ rác thải, giữ vệ sinh môi trường”.
Mới đây, TP Hà Nội cho biết đang nghiên cứu quy hoạch 8 bãi sông Hồng, trong đó dự kiến 6 khu vực cho phép xây dựng tỷ lệ từ 5% đến 15%; còn lại định hướng phát triển không gian mở.
UBND phường Long Biên (quận Long Biên, Hà Nội) ký “Hợp đồng thỏa thuận” với một cá nhân có nội dung “quản lý giúp UBND phường để chống lấn chiếm, chống đổ rác thải, giữ vệ sinh môi trường”.
Theo đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng dự kiến phê duyệt vào tháng 6, tổng diện tích khu vực nghiên cứu khoảng 11.000 ha; riêng sông Hồng chiếm 3.600 ha, đất bãi sông khoảng 5.480 ha (chiếm 50% tổng diện tích).
Hiện đất các bãi sông này đa dạng về loại hình, có đất trống chưa sử dụng và đất trồng rau màu, hoa, cây cảnh. Phần còn lại là khu vực đã xây dựng, gồm các làng xóm có lịch sử hình thành và phát triển từ lâu như xã Bát Tràng, Văn Khê, Tráng Việt..., các khu phố nằm ngoài đê như khu dân cư phường Quảng An, Tứ Liên, Yên Phụ, Phúc Xá... (diện tích khoảng 1.190 ha). Ngoài ra, trên các bãi sông còn đất các công trình hạ tầng xã hội (công cộng, trường học), các công trình hạ tầng kỹ thuật, đất an ninh quốc phòng, công nghiệp (kho bãi, bến cảng).
Đồ án quy hoạch là vậy, nhưng trên thực tế tại một số khu vực bãi đất sông Hồng lại đang bị lấn chiếm, cho các cá nhân thuê nhưng sử dụng sai mục đích, vi phạm nghiêm trọng về xây dựng lấn chiếm, làm mất mỹ quan đô thị, phá vỡ quy hoạch ảnh hưởng không hề nhỏ tới đời sống của nhân dân.
Mới đây, dư luận vô cùng quan tâm về việc UBND phường Long Biên ký Hợp đồng số 06/HĐ-UBND và Hợp đồng số 16/HĐ-UBND thỏa thuận cho cá nhân quản lý giúp UBND phường khu vực bãi sông Hồng (chân cầu Vĩnh Tuy - PV) để chống lấn chiếm, chống đổ rác thải, giữ vệ sinh môi trường.
Theo đó, bản hợp đồng do ông Nguyễn Ngọc Phan - Nguyên Chủ tịch UBND phường Long Biên ký, và bên nhận quản lý giúp là ông Nguyễn Chí Dũng có địa chỉ tại số 56/196 phường Bồ Đề (quận Long Biên, Hà Nội).
Rác sinh hoạt, chất thải xây dựng bủa vây khu bãi sông Hồng.
Nội dung bản “Hợp đồng thỏa thuận” ghi rõ: “UBND phường Long Biên đồng ý để ông Nguyễn Chí Dũng quản lý giúp cho UBND phường Long Biên tại khu bãi sông Hồng với diện tích hơn 300.000 m2 để chống lấn chiếm, chống đổ phế thải, rác thải gây ô nhiễm môi trường xung quanh (Hiện trạng khu vực đó bao gồm: 1 nhà mái tôn, diện tích còn lại trồng hoa, cây cảnh, chăn nuôi).
Ông Nguyễn Chí Dũng được phép trồng cây ngắn ngày hằng năm, hoa cây cảnh, rau sạch để tăng thu nhập ổn định đời sống hàng ngày và đảm bảo cảnh quang trong khu vực. Thời gian quản lý: Hằng năm, UBND phường Long Biên cùng ông Nguyễn Chí Dũng kiểm tra hiện trạng từ khi bàn giao mà không phát sinh vi phạm về đất đai thì UBND phường sẽ tiếp tục đồng ý cho ông tiếp tục quản lý giúp UBND phường nếu ông có đơn đề nghị”.
Văn bản hợp đồng thỏa thuận cho cá nhân là ông Nguyễn Chí Dũng quản lý giúp UBND phường để chống lấn chiếm, chống đổ rác thải, giữ vệ sinh môi trường là vậy, nhưng trên thực tế theo phản ánh của người dân thì lại không được như vậy.
“Từ khi ông Dũng về quản lý, khu vực này trở nên khá phức tạp, không chỉ cho người thu phí của người dân muốn vào bãi bồi (chân cầu Vĩnh Tuy – PV) chơi, cá nhân này còn tự ý cho đổ chất thải xây dựng cải tạo mặt bằng xây dựng khu vui chơi mới… Ngoài ra chất thải sinh hoạt tại đây cũng vứt bừa bãi mà không được thu gom cẩn thận, khiến môi trường bị ô nhiễm trầm trọng”, bà Ngô Thị Hải, một người dân ở gần đó cho biết.
Gác cổng Khu vườn nhãn Long Biên thu phí 10.000 đồng/lượt khi người dân có nhu cầu vào khu vực này.
Theo ghi nhận thực tế của PV, muốn vào khu đất bãi bồi ven sông Hồng phải đi qua lối vào cổng Khu sinh thái vườn nhãn Long Biên. Phí qua cổng theo như người đàn ông lạ mặt đứng gác ở đây đòi thu với mức giá 10.000 đồng/người đi xe máy, không có biên lai. Nếu không nộp tiền sẽ không được đi qua. Khi chúng tôi hỏi, người đàn ông này cho biết: Nếu đi vào bãi đất ven sông bắt buộc phải nộp 10.000 đồng/1 người. Đi ô tô vào sẽ thu thêm 30.000 đồng/lượt.
Ghi nhận phía bên trong cho thấy, khu vực này đang được đổ chất thải xây dựng, và rác thải sinh hoạt bủa vây vì không được thu gom, gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan…Hầu hết diện mạo tại khu bãi sông Hồng đã được cải tạo mới, trái ngược hoàn toàn với bản Hợp đồng thỏa thuận giữa UBND phường Long Biên với cá nhân được “nhờ” quản lý.
Thực trạng trên khiến dư luận địa phương đặt ra nghi vấn vì sao UBND phường trực tiếp quản lý mà phải “nhờ” đến cá nhân ông Nguyễn Chí Dũng trông nom giúp. Việc UBND phường Long Biên ký kết “hợp đồng thỏa thuận” với cá nhân này có đúng thẩm quyền hay không thì chưa bàn đến, tuy nhiên, với sức mạnh của chính quyền, có trong tay các lực lượng như công an, dân phòng tự quản, thanh tra xây dựng… lại không quản lý được, sao phải nhờ đến cá nhân không có chức năng, thẩm quyền, quản lý giúp liệu có phù hợp?
Nhận được sự phản ánh của người dân địa phương, rất mong UBND quận Long Biên vào cuộc chỉ đạo các đơn vị chức năng xem xét lại “Hợp đồng thỏa thuận” mà Chủ tịch UBND phường Long Biên Nguyễn Ngọc Phan đã ký và làm rõ việc thu phí người dân khi đến vui chơi, dã ngoại tại bãi cỏ bên sông Hồng, tránh gây bức xúc dư luận và ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường cũng như tình hình an ninh trật tự khu vực.
Quang Minh