Lực đẩy hỗ trợ thị trường chứng khoán
Khối ngoại bán ròng hơn 2.000 tỷ đồng
Các chuyên gia phân tích tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho biết, tuần giao dịch qua (từ 14 - 18/10), VN-Index diễn ra với nhiều biến động, nếu như 3 phiên đầu tuần đều giảm điểm thì phiên thứ 5 là sự phục hồi ấn tượng, phiên cuối tuần lại tiếp tục gây ra sự thất vọng khi không giữ được sắc xanh cuối phiên.
Đóng cửa tuần giao dịch, VN-Index giảm 2,93 điểm so với cuối tuần trước đó về mốc 1.285,46 điểm; HNX-Index kết thúc tuần tại mốc 229,21 điểm, giảm 2,16 điểm. Thanh khoản trên HOSE tăng 2,44% tại HOSE và giảm 15,14% tại HNX.
Khối ngoại tuần này tiếp tục đà bán ròng với 2.078,43 tỷ đồng tại HOSE tập trung tại mã FPT (365,77 tỷ đồng), HDB (220,25 tỷ đồng), MSB (167,43 tỷ đồng) và KDC (155,18 tỷ đồng).
Cùng đó, bán ròng tuần này từ khối ngoại cũng diễn ra trên sàn HNX với 103,61 tỷ đồng, tập trung tại các mã SHS (49,96 tỷ đồng), PVS (28,40 tỷ đồng) và IDC (27,86 tỷ đồng)...
Phần lớn thời gian giao dịch trong sắc đỏ khiến độ mở tuần qua có đến 15/21 nhóm ngành điều chỉnh. Gây áp lực lớn lên thị trường và tâm lý giao dịch trong tuần qua là các nhóm ngành như nhóm cổ phiếu dầu khí giảm 3,72%, hàng tiêu dùng giảm 3,01%, phân bón giảm 2,48%...
Ở chiều ngược lại một số nhóm ngành ngược dòng thành công phải kể đến như cổ phiếu thủy sản tăng 2,45%, cổ phiếu nhựa tăng 1,25%, hàng không tăng 0,8%, bán lẻ tăng 0,78%...
Trong ngắn hạn, SHS khuyến nghị không mua đuổi khi VN-Index hướng đến vùng 1.300 điểm. Nhà đầu tư có thể chờ thị trường chung, VN-Index thoát khỏi xu hướng tích lũy ngắn trung hạn đang kéo dài hiện nay, với sự xác nhận tăng trưởng đồng thuận của nhiều nhóm ngành, trước khi xem xét gia tăng các vị thế mới.
Nhà đầu tư duy trì tỷ trọng hợp lý, các vị thể giải ngân cần cẩn trọng chọn lọc các mã chất lượng tốt, khi thị trường đang trong giai đoạn đón nhận thông tin kết quả kinh doanh. Mục tiêu đầu tư hướng tới các mã cổ phiếu đầu ngành, nền tảng cơ bản tốt, kết quả kinh doanh quý II tăng trưởng tốt, triển vọng kết quả kinh doanh quý III tăng trưởng tích cực.
Các chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) nhận định, xu hướng Sideway (trạng thái giá cổ phiếu không có xu hướng tăng hoặc giảm rõ rệt, thay vào đó di chuyển ngang giữa các mức hỗ trợ và kháng cự mạnh mẽ mà không đạt đỉnh hoặc chạm đáy) kéo dài trong suốt tuần qua thể hiện tâm lý thận trọng của giới đầu tư trong bối cảnh tỷ giá USD/VND có dấu hiệu tăng trở lại và khối ngoại duy trì đà bán ròng liên tục trong 6 phiên.
Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp đang dần được công bố và dự kiến sẽ có bức tranh tổng thể trong 2 tuần tới nên giới đầu tư thường có xu hướng giao dịch chậm lại trước các kỳ công bố.
CSI cho rằng với tình hình vĩ mô có nhiều điểm sáng, cộng với kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận khá tốt của các doanh nghiệp trong quý III/2024, mức giảm sâu và mạnh là rất khó xảy ra.
CSI nhận định, VN-Index vẫn đang trong kênh tích lũy đi lên và kỳ vọng chỉ số này sẽ chinh phục mốc tâm lý 1.300 điểm và hướng tới ngưỡng kháng cự 1.320 - 1.330 điểm trong các tuần tới.
Ông Phạm Bình Phương, chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) nhìn nhận, VN-Index đã có hơn 3 tuần dao động quanh mốc 1.275 - 1.295 điểm, nhưng điểm tích cực trong xu hướng hiện tại là các mức giá chốt phiên của VN-Index đang có xu hướng cao dần và duy trì trên mốc MA 20 ngày (chỉ báo trong phân tích kỹ thuật được sử dụng để đo lường giá trung bình của một tài sản trong 20 ngày giao dịch gần nhất).
Ông Phạm Bình Phương cho rằng, khả năng VN-Index sẽ kết thúc diễn biên đi ngang này và bước vào nhịp tăng điểm đang cao hơn. Tuy nhiên trong điều kiện thanh khoản thấp, nhà đầu tư vẫn cần kiên nhẫn chờ đợi xu hướng hình thành.
Còn theo ông Nguyễn Huy Phương, chuyên gia phân tích tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), phiên cuối tuần qua, thị trường tiếp tục chịu áp lực chốt lời từ vùng gần 1.300 điểm và lùi dưới ngưỡng 1.290 điểm.
Thanh khoản giảm nhẹ so với phiên trước cho thấy nguồn cung chốt lời vẫn duy trì áp lực khi thị trường tăng đến gần vùng cản. Tín hiệu hiện tại sẽ có tác động kìm hãm khả năng tăng điểm và gây khó khăn cho thị trường. Có khả năng thị trường sẽ lùi về vùng MA20, vùng 1.280 điểm, để kiểm tra lại dòng tiền hỗ trợ trong thời gian gần tới trước khi có tín hiệu cụ thể hơn.
Thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến “lình xình” đi ngang trong bối cảnh các thị trường chứng khoán thế giới đồng loạt đi lên trong tuần giao dịch qua.
Xu hướng tăng bao trùm thị trường chứng khoán thế giới tuần qua
Mặc dù các thị trường chứng khoán trên toàn cầu đi ngược chiều nhau trong phiên ngày 18/10 nhưng kết tuần qua, xu hướng tăng vẫn là chủ đạo.
Các thị trường chứng khoán trên toàn cầu đi ngược chiều nhau trong phiên ngày 18/10 trong bối cảnh nhà đầu tư đánh giá dữ liệu tăng trưởng kinh tế Trung Quốc tốt hơn dự kiến, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cắt giảm lãi suất và kết quả kinh doanh khỏe mạnh của các doanh nghiệp Mỹ.
Tại New York, cả ba chỉ số chính trên Phố Wall đều tăng điểm, trong đó chỉ số công nghiệp Dow Jones và S&P 500 đạt mức cao kỷ lục mới nhờ loạt kết quả kinh doanh tích cực. Cụ thể, chỉ số Dow Jones tăng 0,1% lên 43.275,91 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,4% lên 5.864,67 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 0,6% lên 18.489,55 điểm.
Chiến lược gia đầu tư cấp cao Angelo Kourkafas của công ty dịch vụ tài chính Edward Jones cho hay kết quả kinh doanh tích cực đã đóng góp sức mạnh cho thị trường. Cổ phiếu công nghệ dẫn đầu đà tăng và giúp S&P 500 đạt tuần tăng thứ sáu liên tiếp.
Kết quả kinh doanh của Netflix và các báo cáo tích cực về doanh số iPhone của Apple tại Trung Quốc đều "góp phần nâng đỡ lĩnh vực công nghệ”. Ông Angelo Kourkafas cho biết một số tin tức kinh tế tích cực từ Trung Quốc cũng hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư. Theo số liệu đồng thuận của FactSet, cổ phiếu của gã “khổng lồ” truyền phát trực tuyến này đã tăng 11,1% sau khi công bố đạt thêm 5,1 triệu người đăng ký trả phí trong quý vừa qua, vượt qua kỳ vọng của các nhà phân tích là 3,85 triệu tài khoản đăng ký.
Thị trường chứng khoán Paris và Frankfurt tăng điểm sau quyết định cắt giảm lãi suất lần thứ ba trong năm nay của ECB khi lạm phát trở lại mức bình thường. Tuy nhiên, chỉ số FTSE 100 của London lại giảm điểm, chịu áp lực bởi đồng bảng Anh tăng giá sau khi dữ liệu chính thức cho thấy doanh số bán lẻ của Anh tăng mạnh bất ngờ trong tháng trước.
Cụ thể, chỉ số CAC 40 của Paris tăng 0,4% lên 7.613,05 điểm, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt tăng 0,4% lên 19.657,37 điểm. Tuy nhiên chỉ số FTSE 100 giảm 0,3% xuống 8.358,25 điểm.
Chứng khoán Hong Kong và Thượng Hải tăng cao nhờ hy vọng Chính phủ Trung Quốc sẽ tái khởi động nền kinh tế đang gặp khó khăn, trong đó cổ phiếu của các gã “khổng lồ” công nghệ và những nhà phát triển bất động sản nằm trong số những cổ phiếu tăng mạnh nhất. Dữ liệu chính thức công bố ngày 18/10 cho thấy nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 4,6% trong quý III/2024, cao hơn một chút so với dự báo. Tuy nhiên, đây vẫn là tốc độ tăng trưởng chậm nhất kể từ đầu năm 2023.
Các dữ liệu khác cho thấy doanh số bán lẻ và sản lượng công nghiệp của Trung Quốc tăng mạnh hơn dự kiến trong tháng 9/2024.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương nước này) đã đưa ra một nỗ lực mới nhằm thúc đẩy thị trường và đánh tín hiệu về việc cắt giảm lãi suất hơn nữa trong những tháng tới khi nước này đặt mục tiêu đạt mục tiêu tăng trưởng hàng năm là 5% trong năm nay. Truyền thông nhà nước đưa tin các ngân hàng lớn đã cắt giảm lãi suất tiền gửi bằng NDT hôm 18/10, lần thứ hai trong năm nay, để thúc đẩy cho vay.
Xu hướng tăng hầu như bao trùm thị trường chứng khoán thế giới tuần qua, với chỉ số S&P 500 và Dow Jones đều xác lập các mức cao kỷ lục mới khi thị trường chứng khoán Mỹ kết thúc phiên giao dịch đầu tuần ngày 14/10. Các nhà đầu tư đổ vốn vào nhóm cổ phiếu công nghệ trước tuần lễ sôi động với mùa báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp quý III/2024 và nhiều dữ liệu kinh tế quan trọng.
Tuần này, có 41 công ty thuộc S&P 500 dự kiến công bố kết quả kinh doanh quý III, mang đến dữ liệu quan trọng để giới đầu tư đánh giá sức khỏe của nền kinh tế Mỹ và khả năng các công ty có tiếp tục duy trì được mức định giá cổ phiếu cao hay không.
Trước khi loạt báo cáo tài chính được công bố, nhóm cổ phiếu công nghệ đã dẫn dắt thị trường đi lên trong phiên đầu tuần. Chỉ số nhóm ngành bán dẫn tăng 1,8%, đạt mức cao nhất trong hơn hai tháng, nhờ vào mức tăng 6,8% của Arm Holdings và 2,4% của Nvidia, đưa cổ phiếu của hai công ty này đạt đỉnh mới.
Tuy nhiên, đến phiên ngày 15/10, thị trường chứng khoán Phố Wall đi xuống, trong bối cảnh các nhà đầu tư phải "cân đo" một loạt báo cáo về kết quả kinh doanh của khối doanh nghiệp. Đáng chú ý, giá cổ phiếu của các nhà sản xuất chip sụt giảm trước thông tin Mỹ có thể áp đặt các biện pháp hạn chế xuất khẩu. Các nhà sản xuất chip đã gặp khó khăn trước thông tin Chính phủ Mỹ đang xem xét áp đặt hạn chế xuất khẩu chip AI tiên tiến sang một số quốc gia.
Sang phiên 16/10, các chỉ số S&P 500 và Dow Jones chốt phiên 16/10 tăng mạnh, với chỉ số Dow Jones lập kỷ lục phiên thứ ba trong bốn phiên vừa qua, nhờ báo cáo lợi nhuận của Morgan Stanley, United Airlines và các công ty lớn khác.
Đà tăng tiếp tục nối dài sang phiên 17/10 khi ECB cắt giảm lãi suất và kết quả kinh doanh của nhà sản xuất chip chủ chốt TSMC đã xoa dịu nỗi lo rằng lĩnh vực công nghệ đang gặp khó khăn.
Chiến lược gia trưởng của Mill Street Research, Sam Burns, nói với AFP rằng tin tức kinh tế tích cực ở Mỹ và đợt cắt giảm lãi suất ở châu Âu đã tác động tích cực đến thị trường chứng khoán.