M&A bất động sản sẽ tiếp tục sôi động trong 2022
Năm 2021, bất chấp những ảnh hưởng của đại dịch, bất động sản vẫn là một trong các lĩnh vực có tổng giá trị giao dịch M&A cao nhất, cùng với ngành hàng tiêu dùng thiết yếu và tài chính. Thêm vào đó, các giao dịch có giá trị trên 100 triệu USD ngày càng nhiều hơn và doanh nghiệp trong nước cũng đóng vai trò chủ đạo.
Theo phòng Kiểm soát Tập trung kinh tế, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (VCCA), trong năm 2021, thị trường mua bán sáp nhập bất động sản vẫn sôi nổi với loạt thương vụ lớn khi các doanh nghiệp địa ốc liên tục mở rộng quỹ đất và thực hiện chuyển nhượng dự án.
Trong năm nay, VCCA đã tiếp nhận và xử lý khoảng 14 hồ sơ thông báo tập trung kinh tế trong lĩnh vực bất động sản (gồm bất động sản để ở và không để ở) của các doanh nghiệp như CTCP Vinhomes, CTCP đầu tư Nam Long, CTCP phát triển bất động sản Phát Đạt, CTCP BCI...
Dự báo về tình hình M&A bất động sản năm tới, ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam cho rằng, nhiều khả năng thị trường này sẽ tiếp tục sôi động với nhiều thương vụ.
Lý do quan trọng đầu tiên là vì M&A giúp các doanh nghiệp có tiềm lực hùng mạnh rút ngắn thời gian tham gia thị trường với từng dự án cụ thể, trong bối cảnh quỹ đất ngày càng hạn chế.
Hiện nay, có không ít doanh nghiệp đã phải chịu nhiều tổn thất do đại dịch Covid-19, do đó không còn đủ năng lực để phát triển các dự án dang dở và đành phải bán lại cho những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính tốt hơn. Trong khi đó, có những tập đoàn bất động sản trong nước đang có đà phát triển rất tốt. Với uy tín sẵn có, kinh nghiệm phát triển dự án và bán hàng hiệu quả, họ đang rất "khát" đất cũng như các dự án dang dở để có thể nhanh chóng tiến hành các dự án mới hoặc tiếp tục các dự án chưa hoàn thành. Đội ngũ hoạch định chiến lược, kỹ sư, tiếp thị, sales… hùng hậu và "thiện chiến" của họ sẽ là sự bổ sung cần thiết cho những dự án mà các chủ đầu tư ban đầu không thể "kham" nổi.
Thứ hai, M&A cũng giúp cho nguồn cung và thanh khoản được gia tăng, góp phần tạo thêm sự sôi động cho thị trường. Các doanh nghiệp hùng mạnh cũng tiết kiệm được thời gian giải quyết thủ tục pháp lý, tìm kiếm các khu đất có vị trí phù hợp trong bối cảnh giá bất động sản có xu hướng tăng lên.
Theo ông David Jackson, việc các doanh nghiệp trong nước đóng vai trò quan trọng trong hoạt động M&A năm vừa qua cũng khá dễ hiểu. Ưu thế lớn của các doanh nghiệp này là sự am hiểu thị trường nội địa, đặc biệt là thị trường vùng ven hay các tỉnh thành "mới nổi" về phát triển kinh tế. Các doanh nghiệp ngoại cũng rất hiểu điều này và đặc biệt tôn trọng sự thấu hiểu thị trường địa phương của doanh nghiệp Việt Nam cũng như rất muốn có được sự hợp tác, cộng hưởng.