Điểm sáng thị trường bán lẻ 2021 - Bài 1: Doanh nghiệp nội tăng M&A
Đáng chú ý, trong lĩnh vực mua bán và sáp nhập (M&A), các doanh nghiệp Việt Nam trong vai trò bên mua đang dần cân bằng vị thế cho thấy sức sống và sự tăng trưởng của thị trường bán lẻ nội địa.
Đồng thời, lĩnh vực này đã góp thêm một điểm sáng đáng khích lệ cho thị trường bán lẻ Việt Nam trong năm 2021, với sự tăng trưởng của doanh nghiệp nội và nhập cuộc tích cực của doanh nghiệp ngoại. Để có thể nhìn nhận rõ hơn về những điểm sáng này, TTXVN thực hiện chùm 3 bài viết về thị trường bán lẻ 2021.
Bài 1: Doanh nghiệp nội tăng M&A
Theo Bộ Công Thương, xu hướng mua bán và sáp nhập (M&A) hay còn gọi là hoạt động tập trung kinh tế trên thị trường trong 2 năm tới sẽ tăng mạnh; trong đó số hồ sơ thông báo gửi đến có khoảng từ 30 - 40% số hồ sơ liên quan các giao dịch được thực hiện ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Điều này cho thấy, xu hướng hồi phục và tăng tốc của hoạt động M&A trên thế giới sẽ lan tỏa đến thị trường trong nước và những hoạt động kinh doanh theo chuỗi giá trị toàn cầu ngày càng gia tăng.
Trong đó, Việt Nam là một mắt xích không thể thiếu trong chuỗi giá trị này và đang chứng tỏ sức hút đối với dòng vốn ngoại.
Nhà đầu nội vươn lên
Thị trường M&A Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ với nhiều thương vụ được thực hiện thành công. Theo đó, thị trường này được đánh giá là một trong những lĩnh vực hấp dẫn nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Hơn thế nữa, thị trường M&A Việt Nam đã thể hiện sự ổn định cao, thậm chí tăng trưởng mạnh trong năm 2021.
Theo số liệu của KPMG Việt Nam (Công ty cung cấp các dịch vụ kiểm toán, thuế, tư vấn, pháp lý...), trong 10 tháng năm 2021, thị trường M&A đã thu hút 8,8 tỷ USD, tăng 17,9% so với năm 2020 và 13,7% so với năm 2019.
Đồng thời, hơn 500 số thương vụ được công bố trong 10 tháng năm 2021. Các ngành hàng tiêu dùng thiết yếu, bất động sản và tài chính chiếm tỷ lệ 58% tổng giá trị các giao dịch M&A.
Thị trường tiếp tục được dẫn dắt bởi các nhà đầu tư ngoại, nhưng đáng chú ý là tỷ trọng giá trị M&A của doanh nghiệp Việt Nam đóng vai trò bên mua đang có xu hướng tăng lên. Cụ thể, trong 10 tháng năm 2021 đã có 1,6 tỷ USD được thực hiện từ cộng đồng nhà đầu tư trong nước.
Trong đó, có khoảng 1,13 tỷ USD, với 11 thương vụ được thực hiện bởi 5 công ty hàng đầu của Việt Nam, gồm: Vingroup, Masan, NovaLand, Hoà Phát, Vinamilk.
Sự thu hút của thị trường M&A ngày càng tăng tại Việt Nam, không chỉ qua sự tăng trưởng của tổng giá trị giao dịch, mà còn qua giá trị bình quân trong mỗi giao dịch với ngày càng nhiều thương vụ có giá trị trên 100 triệu USD.
Những con số trên cho thấy, triển vọng của kinh tế Việt Nam có thể coi là tích cực trong bối cảnh nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái. Việt Nam đang có nhiều nỗ lực vượt qua những thách thức và nắm bắt những cơ hội trở thành điểm dừng chân của làn sóng đầu tư mới của khu vực khi có xu hướng tái chuyển dịch dòng vốn toàn cầu.
Theo một số chuyên gia, M&A đã trở thành một phần quan trọng trong bức tranh kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn có những thách thức với nhiều tập đoàn, doanh nghiệp tham gia thị trường M&A, đó là tạo ra giá trị cho các doanh nghiệp mà họ mua.
Nhiều thương vụ có thể mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành do một số vướng mắc như đi lại, thẩm định… nhưng hàng loạt giao dịch vẫn diễn ra do cơ hội và tiềm năng tại thị trường Việt Nam cực kỳ hấp dẫn.
Thị trường M&A đang trở thành lựa chọn quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp và cũng là cách thức để doanh nghiệp thu hút nhân tài.
Còn Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhận định, sau hai năm đối mặt không ít khó khăn do tác động của dịch Covid-19, cộng đồng doanh nghiệp đã rất nỗ lực tìm kiếm mô hình tăng trưởng mới hoặc cơ cấu lại để thích nghi với bối cảnh biến động nhanh với xung lực từ nguồn vốn rẻ, chính sách hỗ trợ, phục hồi kinh tế mà Chính phủ ban hành.
Nhiều doanh nghiệp đang sẵn sàng đón nhận những cơ hội mới và kéo theo nhu cầu M&A, nên lĩnh vực này sẽ có điều kiện thuận lợi để tăng tốc trong thời gian tới.
Dự báo bước sang năm 2022, mặc dù vẫn có những rủi ro nhất định trong bối cảnh dịch Covid-19 và tác động của nó đến kinh tế vĩ mô, nhưng thị trường Việt Nam vẫn được kỳ vọng sẽ duy trì đà tăng trưởng tốt với nhiều cơ hội cho cả nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Điển hình, M&A sẽ tạo ra nhiều tập đoàn của Việt Nam với quy mô có thể sánh ngang với những tập đoàn lớn trong khu vực và người mua trong nước có những lợi thế nhất định trọng việc thực hiện các thương vụ M&A.
Tiềm năng hút vốn ngoại
Trong hơn một thập kỷ qua, lĩnh vực M&A cũng đã chứng minh vai trò là một kênh huy động vốn hiệu quả, góp phần đa dạng hóa kênh thu hút vốn cho nền kinh tế Việt Nam, thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Bất chấp dịch Covid-19, Việt Nam vẫn là thị trường M&A hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư Nhật Bản và Hàn Quốc trong năm 2022 nhờ triển vọng và tăng trưởng kinh tế vững chắc.
Ông Warrick Cleine, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia cho biết, động lực nối lại việc thực hiện M&A xuyên quốc gia từ các công ty Nhật Bản đang có xu hướng tăng cao, đặc biệt từ năm 2021. Điều này xuất phát từ việc dư địa tăng trưởng dài hạn ở thị trường Nhật Bản rất hạn chế.
Việt Nam là một trong những quốc gia được nhắm đến bởi nhiều tập đoàn Nhật Bản nhờ vị trí chiến lược quan trọng ở châu Á, quy mô thị trường nội địa lớn, lực lượng lao động dồi dào và thuận lợi cho chiến lược “Trung Quốc + 1”.
Đồng thời, công ty Nhật Bản đang có xu hướng quan tâm đến thị trường với dân số lớn và trẻ cũng như sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu tại Việt Nam.
Tương tự, không ít nhà đầu tư Hàn Quốc cũng đánh giá Việt Nam là một trong những thị trường M&A hấp dẫn nhờ triển vọng và tăng trưởng kinh tế vững chắc. Những lĩnh vực thu hút sự chú ý từ các nhà đầu tư Hàn Quốc, gồm: thương mại điện tử, công nghệ tài chính và hậu cần.
Trên thực tế, sự quan tâm ngày càng tăng đối với lĩnh vực thương mại điện tử và công nghệ tài chính là nhờ sự phát triển ngày càng nhiều của cộng đồng doanh nghiệp “không tiếp xúc” đã mở ra triển vọng kinh tế trong dài hạn.
Đồng thời, số lượng người dùng internet và điện thoại thông minh ngày càng tăng tại Việt Nam, nên thúc đẩy nhiều nhà đầu tư đa quốc gia tham gia vào những lĩnh vực này.
Ngoài ra, một số lĩnh vực được kỳ vọng giúp nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thị trường Việt Nam trong tương lai có thể kể đến là tài chính, công nghệ thông tin, chăm sóc sức khỏe, bán lẻ/bán buôn và dịch vụ... Cùng với đó, là nhóm ngành ô tô, bảo hiểm ô tô, xây dựng, bất động sản...
Năm 2022 tới đây, sẽ là năm có ý nghĩa rất quan trọng, tập trung phục hồi nhanh nền kinh tế, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025 và Chiến lược 10 năm 2021-2030. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nghiên cứu, tham mưu Chính phủ xây dựng “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023”.
Đây là chương trình tổng thể, có quy mô đủ lớn, hỗ trợ cả về phía cung và phía cầu, thực hiện một cách linh hoạt, phù hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, gắn kết chặt chẽ với Kế hoạch 5 năm 2021-2025 và Chiến lược 10 năm 2021-2030.
Ngoài ra, các Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu - EU (EVFTA), FTA Việt Nam - Anh (UKVFTA)... được kỳ vọng thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tái cấu trúc, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh...
Điều này không chỉ giúp thúc đẩy tăng trưởng thương mại, mà còn góp phần dẫn dòng vốn đầu tư nước ngoài; trong đó có đầu tư thông qua hoạt động M&A vào Việt Nam.
Để thu hút đầu tư nước ngoài, hành lang pháp lý cho hoạt động đầu tư, kinh doanh cũng không ngừng được hoàn thiện. Sau khi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) chính thức có hiệu lực vào đầu năm 2021.
Mới đây, Chính phủ cũng đã xây dựng và chuẩn bị trình Quốc hội xem xét dự án một luật sửa nhiều luật, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam; trong đó có hoạt động M&A.
Bà Võ Hà Duyên, Chủ tịch Công ty Luật VILAF chỉ ra rằng, năm 2022 là thời điểm tiềm năng cho thị trường M&A với những yếu tố "hậu thuẫn" như nhà đầu tư, nhà làm chính sách... đã có khả năng phản ứng rất tích cực để vượt qua và quay trở lại sau đại dịch.
Trên thực tế, đại dịch đã thúc đẩy tăng tốc việc số hóa cho Việt Nam, cả trong kinh doanh và lối sống, đồng thời cũng đẩy nhanh và làm tăng trưởng hoạt động M&A.
Về pháp lý các Hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ có hiệu lực tới đây và những thỏa thuận về hợp tác giữa Việt Nam với nhiều quốc gia có hiệu lực từ tháng 1/2022 sẽ thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu, tinh gọn hải quan, cải thiện khả năng tiếp cận thị trường.
Với những yếu tố này, sẽ giúp cải thiện khả năng tiếp cận thị trường Việt Nam đối với các đối tác nước ngoài; trong đó có giao dịch M&A.
Bài 2: Cạnh tranh thị phần điểm bán