Mã QR và hành trình trở thành công cụ đắc lực trong cuộc chiến chống dịch COVID-19
Nó được ra đời khi nào?
Được phát minh bởi kỹ sư người Nhật Masahiro Hara, tiền thân của mã QR hiện đại là hệ thống mã vạch được sử dụng trong các siêu thị ra đời vào năm 1974 - đó là tập hợp nhiều vạch có độ đậm khác nhau trên bao bì rất nhiều loại sản phẩm mà với một máy quét thích hợp, mã vạch cho phép người ta có thể đọc trong giây lát giá cả và thông tin về sản phẩm.
Tuy nhiên, với một chuỗi chỉ gồm 20 chữ số và chữ cái khác nhau - mã vạch không thể xử lý được nhiều hơn. Trong trường hợp nếu cả thế giới áp dụng cùng một cách đánh dấu bằng mã vạch thì người ta nhanh chóng đứng trước giới hạn tận cùng của nó.
Giải pháp cho vấn đề này là chiều thứ hai. Nhờ mã QR (Quick-Response Code), mã đáp ứng nhanh bậc hai, hay còn có tên gọi khác là mã ma trận. Đây là loại mã vạch hai chiều - có thể đọc từ trái sang phải, từ trên xuống dưới - người ta có thể thể hiện tới 7.000 chữ số và chữ cái. Với công nghệ mới nhất, mã-iQR nén (compressed IQR Code) thậm chí có thể đạt tới 40.000 chữ số và chữ cái.
Buổi đầu sau khi ra mắt vào năm 1994 thì mã QR chỉ nhằm giải quyết vấn đề theo dõi thông tin về sản phẩm tốt hơn nhưng ngày nay, mã QR được ứng dụng trong nhiều ngữ cảnh khác nhau như quản lý các hiện vật trưng bày ở bảo tàng, biển quảng cáo, mã hoá văn bản, số điện thoại, email, địa chỉ website...
Từ trò cười cho đến một phần không thể thiếu trong đại dịch
Tại châu Âu và Bắc Mỹ, mã QR ít được tiếp nhận nhiệt tình cho đến thời điểm hiện tại. Thậm chí vào năm 2015, một bài báo trên TechCrunch đã ví von thứ công nghệ này "sự bực bội" và "trò cười".
Bài viết chỉ trích các thương hiệu đặt mã QR ở bất cứ đâu họ có thể và sở thích xăm mã QR khi nhận thức rằng mã này chỉ là một kiểu mánh lới quảng cáo hay có thể hiểu là trò tiếp thị.
Nhưng sự khác biệt bắt đầu xuất hiện vào năm 2017 khi các nhà sản xuất điện thoại đã bắt đầu tích hợp trình quét mã QR vào máy ảnh để người dùng không cần tải xuống ứng dụng. Ông Joe Waters, tác giả của QR Codes for Dummies từng nhân định rằng những cải tiến và sự tiện lợi mà mã QR di động khiến các liên kết được quét mở nhanh hơn, và từ đó công nghệ này dần đóng một vai trò quan trọng hơn.
Và rồi đến năm 2019 khi đại dịch bùng nổ trên phạm vi toàn thế giới thì những cải tiến trên đã nhanh chóng được áp dụng và mã QR được trở nên ưa chuộng hơn bao giờ, bởi mọi người dường như muốn hạn chế tiếp xúc vật lý với các đồ vật hay bề mặt vì nó có thể lây lan vi trùng.
Tại Việt Nam, mã QR nhanh chóng được ứng dụng từ khai báo y tế cho đến xác nhận tiêm chủng, ngoài ra trước đó thì tại các lĩnh vực giao thông và thanh toán không tiền mặt thì công nghệ này cũng xuất hiện nhiều.
Hình ảnh người dân và đội ngũ sử dụng mã QR, khai báo đã trở nên quen thuộc từ khi dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam
Thời điểm đầu năm 2020, để thuận tiện cho người dùng và hỗ trợ công tác truy vết, mã QR đã được cơ quan quản lý cho phép sử dụng khắp các nơi công cộng. Người dân chỉ cần smartphone, quét mã QR để khai báo y tế. Dữ liệu này sau đó sẽ được chuyển về Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống COVID-19 nhằm phục vụ cho việc bóc tách khi xuất hiện ca lây nhiễm cộng đồng.
Sau thời gian đầu chống dịch, sang đến năm 2021 thì mã QR đã "tiến hóa" và càng được áp dụng nhiều hơn nữa trong các ứng dụng khai báo y tế, "di biến động" dân cư, xác nhận đăng ký và chứng nhận tiêm chủng....
Tại nhiều ứng dụng về sức khỏe mà người dân đã quen mặt như VHD, Ncovi, Sổ sức khỏe điện tử, mỗi người dân sẽ được cấp một mã QR. Kết thúc quá trình khai báo về tình hình sức khoẻ, dịch tễ, lộ trình di chuyển... thì ngay lập tức thông tin sẽ được cập nhật trực tiếp vào mã QR. Cơ quan chức năng chỉ cần quét QR code này để kiểm tra các thông tin thay thế cho phương pháp dùng giấy và tiến hành đối chiếu truyền thống.
Đồng thời với việc đem lại những tiện ích trong thì QR code hiện được ứng dụng mạnh trong ngành giao thông vận tải. Những phương tiện thuộc "luồng xanh" sẽ được dán một mã QR. Khi đi qua các chốt kiểm dịch, cán bộ kiểm soát chỉ cần quét mã QR là biết tình trạng sức khoẻ của tài xế, loại nhu yếu phẩm đang chở, lộ trình di chuyển...
Trong lĩnh vực kinh doanh thì QR code cũng sớm được áp dụng tại các cửa hàng tiện lợi, quán cà phê, trung tâm thương mại... Từ trước khi giãn cách xã hội, nhiều nhà hàng, khách sạn cũng chủ động dùng QR code thế chỗ cho những menu bằng giấy truyền thống. Thay vì cầm, lật các trang thực đơn, khách hàng chỉ cần mở điện thoại, quét mã QR để chọn món. Người dùng sau khi dùng bữa cũng có thể thanh toán bằng mã QR qua ví điện tử để hạn chế tối đa tiếp xúc, đảm bảo an toàn trong mùa dịch.
Hiện tại từ tiền đề trong việc ứng dụng vào khai thác thông tin truy vết mùa dịch, Chính phủ dự định sẽ tiếp tục xây dựng nền tảng số quản lý dân cư với mục tiêu mỗi người dân sẽ có danh tính số kèm mã QR vào năm 2025. Mục đích hướng tới sẽ hạn chế tối đa giấy tờ khi sử dụng các dịch vụ hành chính công.
Hiện tại, một số nhược điểm của mã QR chính là bị phân tán tại các ứng dụng khai báo khác nhau. Ông Nguyễn Trường Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin - Bộ Y tế, cho biết việc xây dựng hệ thống cho phép cấp mỗi người một mã QR đã được hoàn thiện khoảng 80%. Trong thời gian tới khi các dữ liệu liên thông thì sẽ tiến tới thống nhất các mã làm một để tiện quản lý.
Ông Nam cũng cho biết thêm, về vấn đề bảo mật thì mã QR có độ an toàn cao, các cơ quan chức năng hoặc bộ phận chuyên trách sẽ được phân quyền đọc theo từng mức thông tin đã được mã hóa trên đó. Điều này nhằm đảm bảo thông tin cá nhân của mỗi người dân luôn được riêng tư.
Duy Anh
Xem thêm: Hà Nội: Người dân muốn đi qua chốt kiểm dịch phải quét mã QR