Mặc kệ bị kiện lên WTO, Trung Quốc `cấm cửa` thêm ngành than của Australia
Quan hệ thương mại giữa Australia và Trung Quốc thêm "một cú đánh bồi" khi Trung Quốc quyết định dừng mọi hoạt động nhập khẩu than của Australia.
Bộ trưởng Thương mại Úc ông Simon Birmingham bày tỏ quan ngại trước các báo cáo cho biết Trung Quốc đã chính thức thông qua lệnh cấm nhập khẩu than Úc "vô thời hạn".
Lệnh cấm bất ngờ này khiến cho nhiều tàu chở than của Úc bị mắc kẹt ngoài khơi Trung Quốc.
Hai tháng sau khi Trung Quốc thông báo "miệng" lệnh cấm nhập khẩu than từ Úc gây xôn xao dư luận, tờ Thời báo Hoàn cầu hôm 12/12 đã đưa tin, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc dường như đã chính thức công bố hạn chế nhập khẩu than của Úc.
Sau động thái trên, theo thống kê, đã có hơn 50 tàu chở than của Úc bị "mắc kẹt" ngoài khơi Trung Quốc sau khi các cảng của Trung Quốc "được thông báo miệng" trong tháng 10 về việc không bốc dỡ những lô hàng này.
Theo nhận định từ giới chuyên gia, việc nhà chức trách Trung Quốc thông báo lệnh cấm bằng lời là một biện pháp không chính thức và có động cơ chính trị, đặc biệt trong thời điểm quan hệ giữa hai nước đang ngày càng trở nên căng thẳng. Tuy nhiên, xét về mục tiêu giảm tiêu thụ và phát thải khí carbon của Bắc Kinh, lệnh cấm nhằm thắt chặt hạn ngạch nhập khẩu than thương mại được đánh giá là hợp lý.
Theo các cơ quan quản lý, các nhà máy nhiệt điện Trung Quốc được phép nhập khẩu than từ các nước khác mà không chịu bất cứ hạn chế nào ngoài than từ Úc. Nếu nguồn tin này chính xác, rõ ràng động thái trên của Trung Quốc sẽ bị đánh giá là phân biệt đối xử đối với Úc. Kể từ đầu năm đến nay, hàng loạt các sản phẩm và mặt hàng xuất khẩu trọng yếu của Úc sang Trung Quốc đã bị hạn chế, thậm chí cấm nhập khẩu.
Sau khi tin tức trên được đưa ra, cổ phiếu của các doanh nghiệp xuất khẩu than của Úc đã bị bán tháo. Các nhà xuất khẩu này đều cùng cảnh ngộ khi hứng chịu mức giảm giá trị nghiêm trọng, trong khoảng 8,9-12,5%..
Trên thực tế, kể từ năm 2018 khi tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc Huawei Technologies bị đình chỉ xây dựng mạng 5G của Úc vì lý do an ninh quốc gia, quan hệ giữa Bắc Kinh và Canberra đã giảm sút trầm trọng và chưa hề có dấu hiệu hạ nhiệt. Mọi việc trở nên tồi tệ hơn trong năm nay khi Thủ tướng Scott Morrison kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của đại dịch Covid-19. Không những vậy, Úc còn bị Bắc Kinh gọi là "con rối của Mỹ" và nhận nhiều chỉ trích khi can thiệp vào công việc nội bộ của nước này.
Trong tháng trước, các nhà máy điện và nhà máy thép của Trung Quốc được thông báo ngừng sử dụng than của Úc, gây nên tình trạng các tàu vận chuyển than với giá trị khổng lồ đang mắc kẹt ngoài khơi.
Cụ thể, theo SCMP, hơn 4,1 triệu tấn than luyện kim trên 39 con tàu đang mắc kẹt. Ngoài ra, 9 tàu đang chở khoảng 1,1 triệu tấn than nhiệt. Theo ước tính sơ bộ, tổng giá trị của các lô than này vào khoảng 519 triệu USD.
Trong 7 tháng mâu thuẫn, Trung Quốc đã áp đặt một loạt thuế và lệnh cấm vận - một số không chính thức - lên hàng hóa của Úc, từ lúa mạch, thịt bò, bông, đến rượu, than và gỗ. Hơn nữa, Bắc Kinh cũng yêu cầu các doanh nghiệp trong nước ngừng mua đồng, đường, gỗ và tôm hùm của Úc.
Những biện pháp trừng phạt và trả đũa qua lại giữa hai nước hoàn toàn trái ngược với mối quan hệ song phương tốt đẹp của Úc và Trung Quốc trong những năm trước đây, đặc biệt là kể từ sau chuyến thăm Úc của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào 2014 với thành công to lớn là sự ký kết hiệp định thương mại tự do toàn diện vào năm 2015.
Tính từ năm 2016, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Úc. Vào năm 2019, tổng kim ngạch hàng hóa thương mại hai chiều của Úc với Trung Quốc đạt 170 tỷ USD. Trong đó, than là mặt hàng xuất khẩu có giá trị lớn thứ 3 của Úc sang thị trường Trung Quốc, khi đem lại doanh thu hơn 14 tỷ AUD trong năm 2019 và đáp ứng đến 60% nhu cầu than của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Australia kiện Trung Quốc lên WTO
Hôm 16/12, Bộ trưởng Thương mại Australia, ông Simon Birmingham, thông báo ông đã yêu cầu WTO điều tra về mức thuế bổ sung mà Trung Quốc áp đối với lúa mạch nhập khẩu Australia, cho rằng đây là hành động "thiếu cơ sở" và "không dựa trên bằng chứng".
"Dựa trên các bằng chứng, dữ liệu và phân tích mà chúng tôi tổng hợp, chúng tôi tin đây là một vụ kiện thực sự mạnh mẽ”, Bộ trưởng Birmingham phát biểu.
Đây là lần đầu tiên Australia kiện Trung Quốc lên WTO vì một loại hàng hóa nông nghiệp. Quy trình giải quyết tranh chấp của WTO thường tốn nhiều thời gian, nhưng vị bộ trưởng nghĩ đó là giải pháp thích hợp cho Australia vào thời điểm hiện nay.
Hồi tháng 5, Trung Quốc áp thuế 80,5% với mặt hàng lúa mạch nhập khẩu từ Australia để chống hành vi bán phá giá và gây thiệt hại cho ngành nông nghiệp trong nước. Quyết định của Bắc Kinh có hiệu lực từ ngày 19/5, kéo dài trong vòng 5 năm, bao gồm thuế chống bán phá giá 73,6% và thuế chống trợ cấp 6,9%.
Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham
Quan hệ giữa Australia và Trung Quốc đang sa sút dần trong nhiều tháng gần đây. Theo thống kê, Trung Quốc áp thuế cao hoặc thực hiện một số hình thức kiểm soát đối với ít nhất 13 mặt hàng xuất khẩu của Australia, như lúa mạch, thịt bò, than, đồng, bông, tôm hùm, đường, gỗ, rượu, lúa mì, len. Trung Quốc còn nhắm tới các dịch vụ chủ chốt của Australia như du lịch và giáo dục. Từ trước tới nay Canberra vẫn không ưu tiên đưa các tranh chấp lên tổ chức WTO vì lo ngại việc giải quyết có thể kéo dài nhiều năm, khiến Australia có thể hứng đòn trả đũa và tác động xấu tới mối quan hệ ngoại giao.
Trong khi Trung Quốc liên tục áp đặt các rào cản thương mại nhằm hạn chế việc nhập khẩu hàng hóa từ Australia, Australia chưa có động thái nào nhằm trả đũa hành động này của Trung Quốc. Trước thực trạng các rào cản thương mại của Trung Quốc có thể làm Australia thiệt hại tới 20 tỷ AUD trong dư luận Australia đã xuất hiện các ý kiến cho rằng Australia có thể nâng giá bán hoặc hạn chế xuất khẩu quặng sắt, mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Australia sang Trung Quốc như là các biện pháp trả đũa. Tuy nhiên, ngày hôm qua (14/12) Bộ trưởng Tài nguyên Australia Keith Pitt đã bác bỏ quan điểm này và khẳng định Australia làm việc theo hệ thống thương mại dựa trên quy tắc và nước này sẽ tuân thủ các cam kết của mình
Nguyễn Dung