Malaysia đưa nhiều DN thép mạ Việt vào danh sách điều tra chống bán phá giá
Theo đó, hàng hóa bị điều tra bao gồm: Thép cán dẹt không hợp kim, được phủ hoặc mạ nhôm hoặc kẽm (flat rolled product of non-alloy steel plated or coated with aluminium and zinc), còn có tên gọi khác là thép mạ hoặc tôn mạ.
Thời kỳ điều tra từ 01/8/2016 đến 31/7/2019. Đây là thời kỳ MITI thu thập số liệu để tính toán biên độ phá giá của Việt Nam, thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước của Malaysia và mối quan hệ nhân quả.
Biên độ bán phá giá cáo buộc đối với Việt Nam là 39,27%.
Về thủ tục điều tra tiếp theo, MITI gửi Bản câu hỏi điều tra cho các doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu. Các doanh nghiệp chưa nhận được phải liên lạc để đề nghị cung cấp Bản câu hỏi trong trước ngày 03/4/2020 và nộp Bản trả lời câu hỏi trước 17h ngày 17/4/2020 (theo giờ Malaysia).
Với tư cách là Cơ quan đầu mối của Chính phủ Việt Nam trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp ứng phó với các vụ kiện chống bán phá giá của nước ngoài, Cục Phòng vệ thương mại (PVTM), Bộ Công Thương khuyến nghị Hiệp hội và doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu liên quan cần liên lạc với MITI để đăng ký tham gia và nhận Bản câu hỏi điều tra trong thời hạn quy định; nghiên cứu kỹ lưỡng Hồ sơ yêu cầu (bản công khai).
Đồng thời, các doanh nghiệp cần đọc kỹ hướng dẫn, trả lời đầy đủ và nộp Bản câu hỏi điều tra theo đúng thời hạn quy định; hợp tác toàn diện với MITI trong suốt quá trình vụ việc diễn ra, bao gồm cả việc điều tra tại chỗ để xác minh các nội dung trong Bản trả lời câu hỏi.
Thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin với các đối tác nhập khẩu, các ngành sản xuất hạ nguồn của Malaysia sử dụng hàng hóa bị điều tra làm nguyên liệu sản xuất để nâng cao tiếng nói với Chính phủ Malaysia, yêu cầu MITI xem xét nghiêm túclợi ích kinh tế xã hội chung, quyền lợi của người tiêu dùng và ngành sản xuất hạ nguồn.
Doanh nghiệp nên liên hệ và phối hợp chặt chẽ với Cục PVTM để nhận được thông tin và sự hỗ trợ kịp thời, tránh để cơ quan điều tra Malaysia sử dụng các chứng cứ sẵn có bất lợi hoặc áp dụng mức thuế chống bán phá giá cao nhất do nguyên đơn đề xuất; tránh nguy cơ mất một phần hoặc toàn bộ thị trường xuất khẩu cho ngành sản xuất trong nước của Malaysia và/hoặc các đối thủ từ Trung Quốc và/hoặc Hàn Quốc.