Maserati: Những lần đổi chủ để thành công
Được thành lập bởi Alfieri Maserati vào tháng 12/1926, Maserati là một tập đoàn sản xuất xe hơi sang trọng của Ý, có trụ sở tại Bologna. Hiện tại, Maserati có trụ sở tại Modena và chiếc “đinh ba” chính là biểu tượng của hãng xe đẳng cấp này. Maserati trước đây từng có liên quan mật thiết với Ferrari. Từ năm 1993, Maserati thuộc sở hữu của hãng Fiat Chrysler Automobiles (FCA) và Fiat S.p.A.
Vào tháng 5/2014, Maserati đã bán được 3.000 chiếc ô tô, đạt kỷ lục những chiếc xe bán chạy nhất. Hai mô hình thử nghiệm là Quattroporte và Ghibli đã có những đơn hàng đầu tiên, do đó công ty đã sản xuất hai mô hình này với số lượng lớn. Chiếc xe SUV đầu tiên được Maserati sản xuất vào năm 2016 có tên Maserati Levante.
Khởi nguồn của “chiếc đinh ba”
Công ty Maserati được thành lập bởi doanh nhân Alfieri Maserati. Tuy nhiên, trước khi thành lập công ty của riêng mình, ông đã cùng những người anh em của ông là Ettore, Carlo, Bindo và Ernesto chế tạo ô tô cho hãng Diatto. Đây là những ô tô có động cơ 2 lít, loại động cơ này cũng đã được sử dụng cho giải Grand Prix.
Tuy nhiên, Diatto ngừng sản xuất xe đua vào năm 1926, do đó Alfieri Maserati cùng các anh em của ông thành lập công ty sản xuất xe hơi riêng của họ có tên là “Maserati”. Từ đó, Maserati bắt đầu sản xuất xe đua với 4,6,8 và 16 xi-lanh.
Hình ảnh logo độc đáo “đinh ba” của hãng được đề xuất bởi một trong những người bạn của gia đình Alfieri Maserati. Các anh em trong gia đình đã sử dụng biểu tượng này vì nó được thiết kế dựa trên chủ đề của đài phun nước Neptune nằm ở Piazza Maggiore của thành phố Bologna (Ý). Nhiều người tin rằng Neptune đại diện cho sức mạnh và sự sống. Do vậy, các anh em nhà Alfieri đã quyết định sử dụng hình ảnh chiếc đinh ba làm biểu tượng đại diện cho công ty xe thể thao của họ. Năm 1932, người sáng lập Alfieri Maserati qua đời. Tuy nhiên, anh em của ông vẫn tiếp tục duy trì sự hoạt động của công ty.
Những lần đổi chủ
Năm 1937, 5 năm sau khi Alfieri Maserati qua đời, anh em của ông đã bán cổ phần của công ty cho Adolfo Orsi và tiếp tục làm việc ở đó trong vai trò kỹ thuật viên. Năm 1940, Adolfo Orsi chuyển trụ sở công ty đến vị trí hiện tại là Modena. Những chiếc xe thể thao do họ chế tạo liên tục giành chiến thắng trong các cuộc đua lớn trên toàn thế giới.
Sau này, do sự tác động của chiến tranh, các hoạt động sản xuất xe hơi bị hoãn lại để tập trung chế tạo các loại vũ khí. Chiến tranh kết thúc, Maserati tiếp tục sản xuất xe hơi và liên tục cho ra mắt những chiếc xe đời mới.
Năm 1968, nhà sản xuất xe hơi của Pháp, Citroen tiếp quản Maserati. Sự liên doanh này đã tạo ra nhiều mô hình phát triển mới cho công ty. Citroen sử dụng chuyên môn và kỹ thuật của Maserati cho Citroen SM trong khi Maserati kết hợp công nghệ của Citroen. Năm 1971, chiếc Maserati đầu tiên với động cơ giữa được sản xuất mang tên Maserati Bora.
Cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973 đã khiến việc sản xuất xe hơi trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn tới sự phá sản của Citroen vào năm 1971. Lúc này, một thỏa thuận đã được ký kết vào tháng 8/1975 tại Bộ Công nghiệp ở Rome khiến Maserati thuộc về GEPI, một công ty nhà nước Ý.
Năm 1976, các mẫu xe mới như Kyalami và Italdesign Giugiaro của Maserati ra mắt đã tạo nên một cơn sốt trên thị trường. Vào tháng 5/1993, Fiat mua 51% cổ phần của Maserati và trở thành chủ sở hữu duy nhất của nó cho đến năm 1997, Ferrari mua lại 50% cổ phần từ Fiat. Năm 2002, đánh dấu cột mốc Maserati gia nhập thị trường Mỹ và bước vào cuộc đua cùng những ông lớn trên toàn thế giới.