Mất tiền tỷ chỉ sau cú điện thoại lạ, làm sao nhận diện chiêu trò lừa đảo?

10:53 | 04/12/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua điện thoại vốn là chiêu trò cũ nhưng vẫn có nhiều người sập bẫy, tiền tỷ "bốc hơi" chỉ sau cú điện thoại lạ. Công an chỉ cách nhận diện hình thức lừa đảo này.

Nghe điện thoại lạ mất hàng tỷ đồng

 
Mới đây xảy ra sự việc một cô giáo ở Nghệ An đã bị kẻ xấu chiếm đoạt 1 tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng chỉ sau một cú điện thoại lạ. Theo PLO,nữ giáo viên 40 tuổi tại huyện Diễn Châu (Nghệ An) trình báo bị kẻ xấu lừa đảo, chiếm đoạt 1 tỉ đồng trong tài khoản ngân hàng.
 
Theo trình báo, chị nhận được một cuộc gọi điện thoại thông báo có bưu phẩm đã lâu không nhận. Sau đó nhân viên bưu điện yêu cầu chị cung cấp số chứng minh thư nhân dân (CMND), họ tên để tra cứu rồi thông báo chị có vướng mắc về vấn đề pháp lý với công ty bảo hiểm hoặc ngân hàng.
 
Chị thắc mắc thì được hướng dẫn kết nối với đường dây nóng của Bộ Công an để giải đáp. Khi được một người tự xưng "cán bộ điều tra Bộ Công an" thông báo qua công tác điều tra phát hiện bọn tội phạm buôn ma túy và rửa tiền đang sử dụng CMND của chị để lập tài khoản ngân hàng và dùng tài khoản đó vào mục đích phạm tội. Người này nói đã có bằng chứng việc chị nhận tiền của bọn tội phạm, sẽ bắt giữ chị để phục vụ điều tra.
 
Cách nhận diện lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua điện thoại
Phần mềm gián điệp với hình ảnh hiển thị là hình hiệu công an nạn nhân được hướng dẫn cài đặt về điện thoại (ảnh CA cung cấp).

Dù khẳng định không nhận khoản tiền nào cả nhưng kẻ gian vẫn gửi cho chị một trang Web có biểu tượng logo Bộ Công an đồng thời yêu cầu chị truy cập, làm theo hướng dẫn. Đáng nói, người phụ nữ nhẹ dạ cả tin răm rắp làm theo.

Khi truy cập vào mục "Công văn tòa án" theo hướng dẫn, chị được cung cấp 1 mã hồ sơ vụ án và yêu cầu nhập mã này cùng số CMND để nhận văn bản pháp lý liên quan. Nạn nhân kể lại vô cùng hốt hoảng khi nhìn thấy "Lệnh bắt khẩn cấp" hiện ra với đầy đủ thông tin cá nhân của mình nên chị lập tức khai báo toàn bộ tài sản bao gồm các tài khoản ngân hàng, tài khoản tiết kiệm, tiền mặt, vàng bạc… để phục vụ công tác điều tra. Sau khi toàn bộ số tiền tích góp 10 năm trời bốc hơi khỏi tài khoản, nữ giáo viên này mới tá hỏa biết mình bị lừa.

Trước đó, ngày 14/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cũng nhận được trình báo của người phụ nữ bị mất 13 tỷ đồng sau cú điện thoại của người tự xưng là nhân viên cơ quan tư pháp. Người này thông báo đang điều tra về vụ án lớn, liên quan đến nhiều người, trong đó có chị.
 
Cách nhận diện lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua điện thoại

Sau khi làm theo các yêu cầu, trong đó có việc lập tài khoản ngân hàng mới rồi chị chuyển toàn bộ 13 tỷ đồng đang có sang tài khoản này "để cơ quan chức năng bảo vệ tài sản" cho gia đình chị". Khi được yêu cầu cung cấp mã OTP để phong tỏa tài khoản trên, chị cũng làm theo không chút do dự. Hậu quả là ít phút sau số tiền 13 tỷ đồng trong 2 tài khoản mới đã bị rút hết.

Theo Bộ Công an, trong 6 tháng đầu năm 2020, cả nước đã tiếp nhận trình báo và đơn tố giác tội phạm của 776 vụ với số tiền lừa đảo lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Trong đó, phần lớn các thủ đoạn trên là giả danh công an, viện kiểm sát, thanh tra, tòa án, bưu điện… Các vụ lừa đảo này tập trung nhiều nhất tại hai thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM. Có người còn bị lừa đảo chiếm đoạt số tiền hơn 20 tỷ đồng.
 

Nhận diện chiêu trò lừa đảo

 
Thực tế từ các vụ việc cho thấy, có 3 hình thức phổ biến để lừa đảo nạn nhân qua điện thoại. Thứ nhất là mạo danh nhân viên bưu điện nói có người gửi bưu phẩm. Thứ hai, mạo danh cảnh sát điều tra nói nạn nhân có liên quan đến một vụ án nào đó. Thứ ba, mạo danh viện kiểm sát để vu khống nạn nhân bị kiện vì nợ tiền.
 
Theo Dân trí, Trung tá Hà Huy Đức - Đội trưởng Đội cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao và có yếu tố nước ngoài (Đội 6, Phòng cảnh sát Hình sự Công an Nghệ An) nhận định: Vụ việc cô giáo bị lừa 1 tỷ đồng trên không khác những vụ lừa đảo công nghệ cao trước đây nhưng thủ đoạn tinh vi hơn.
 
Kẻ gian đã dựng kịch bản lừa đảo rất kín kẽ, sử dụng triệt để các kỹ thuật công nghệ cao. Cụ thể, các kỹ thuật công nghệ thường được kẻ gian sử dụng như dùng giao thức kết nối Internet (VoIP) để giả các số điện thoại của cơ quan công an gọi cho nạn nhân; lập trang web giả mạo trang thông tin điện tử của Bộ Công an để gửi lệnh bắt cho nạn nhân.
 
Có khi kẻ gian yêu cầu nạn nhân cài đặt phần mềm gián điệp trên điện thoại của họ để phục vụ đánh cắp thông tin tài khoản ngân hàng và nhiều thông tin khác sau đó chiếm đoạt tiền có trong tài khoản.
 
Cách nhận diện lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua điện thoại
3 hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua điện thoại phổ biến nhất

Đặc biệt phải kể đến thủ đoạn yêu cầu nạn nhân lập tài khoản ngân hàng mới. Theo Thiếu tá Triệu Mạnh Tùng, Trưởng phòng 6 Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an), nạn nhân phải hết sức tỉnh táo trước yêu cầu lập tài khoản ngân hàng mới của kẻ gian.
 
Chúng thường yêu cầu bị hại tự mở các tài khoản mang tên mình nhưng lại đăng ký dịch vụ internet banking và nhận mã OTP bằng số điện thoại do chúng cung cấp. Kẻ gian lý giải việc dùng số điện thoại này nhằm bảo vệ tài sản cho nạn nhân.

Tuy nhiên, sau khi thực hiện theo yêu cầu thì các khoản tiền này đã bị chuyển đi nơi khác do các đối tượng có được mã OTP cung cấp về số điện thoại mà chúng cung cấp cho các bị hại.

Thực tế nhiều người bị hại không có sai phạm, nhưng trước những lời đe dọa, thúc giục của các đối tượng đã nảy sinh tâm lý lo lắng, mất bình tĩnh dẫn tới bị lừa dễ dàng.

Công an cảnh báo các đối tượng dễ bị lừa đảo qua điện thoại thường là phụ nữ và người trên 60 tuổi, thậm chí có trường hợp là cán bộ của các cơ quan Nhà nước... Khi xảy ra vụ việc, nạn nhân không biết thông tin về đối tượng, không biết tại sao bị mất tiền, hoặc lo sợ bị mất uy tín nên không trình báo với cơ quan công an, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.

Bộ công an khuyến cáo, người dân nâng cao cảnh giác, không chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại. Khi gặp phải trường hợp tương tự nêu trên đề nghị trình báo ngay cho cơ quan Công an để xử lý hoặc thông báo đến số điện thoại trực ban hình sự 0692348560 của Cục Cảnh sát hình sự (C02) để được hướng dẫn kịp thời.
 
Cảnh giác thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua điện thoại. Video: VTC14
 
 
Hà Ly (t/h)
 

ĐỌC NHIỀU