Mô hình kinh doanh Tesla và con đường lọt vào nhóm cổ phiếu danh giá nhất phố Wall

14:12 | 18/11/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Hãng xe điện Tesla của tỷ phú Elon Musk chính thức trở thành một thành viên của chỉ số S&P 500 - một trong những chỉ số chứng khoán quan trọng nhất thế giới.
Theo S&P Dow Jones Indices, cổ phiếu của Tesla - nhà sản xuất ô tô điện có trụ sở tại California (Mỹ) sẽ được thêm vào chỉ số S&P 500 trước khi bắt đầu phiên giao dịch ngày 21/12 tới. Tính đến thời điểm chốt phiên giao dịch ngày 16/11, Tesla đã là 1 trong số 10 công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất trong chỉ số S&P 500. 
 
Mô hình kinh doanh Tesla và con đường lọt vào nhóm cổ phiếu danh giá nhất phố Wall - ảnh 1
 
Tại sao lại là S&P 500?
 
Chỉ số S&P 500 (Standard & Poor’s 500 Stock Index) là chỉ số bao gồm 500 loại cổ phiếu được lựa chọn từ 500 công ty có mức vốn hóa thị trường lớn nhất của Mỹ được niêm yết trên NYSE hoặc NASDAQ.
 
Tỷ lệ và loại cổ phiếusử dụng để tính toán chỉ số S&P 500 được lựa chọn bởi Ủy ban Chỉ số S&P, một nhóm các nhà phân tích và nhà kinh tế của Standard & Poor. Điều này khiến chỉ số S&P 500 khác với các chỉ số thị trường chứng khoán khác của Mỹ như chỉ số công nghiệp Dow Jones hay chỉ số Nasdaq Composite.

Vì thế, việc gia nhập S&P 500 cho thấy sự "trưởng thành" của cổ phiếu Tesla, làm giảm bớt phần nào sức hút "thần thánh" của cổ phiếu này. Tuy vậy, địa vị thành viên S&P 500 cũng sẽ mang lại cho Tesla nhiều lợi ích, bao gồm việc các nhà đầu tư quỹ chỉ số và quỹ tương hộ buộc phải mua vào cổ phiếu Tesla.
 
Sự xuất hiện của Tesla trong S&P 500 và tốc độ tăng giá mạnh mẽ của cổ phiếu này trong mấy tháng qua đồng nghĩa các quỹ đầu tư thụ động (passive funds) sẽ phải bán ra hàng chục tỷ USD các cổ phiếu khác thuộc S&P 500 mà họ đang nắm giữ để nhường chỗ cho cổ phiếu Tesla. Mặt khác, những nhà đầu tư lâu năm muốn rút vốn khỏi cổ phiếu Tesla có thể sẽ bắt đầu việc xả hàn, vì họ biết các quỹ chỉ số buộc phải mua.
 
Ngay khi thông tin Tesla lọt vào S&P 500, giá cổ phiếu Tesla có lúc tăng 15% trong phiên giao dịch ngoài giờ tại thị trường New York, đạt 467,5 USD/cổ phiếu.
 
Để có thể lọt vào chỉ số S&P 500, các công ty cần phải báo lãi 4 quý liên tiếp được xác định bởi các nguyên tắc kế toán chấp nhận chung của Mỹ (GAAP), phải có vốn hóa thị trường tối thiểu 5,3 tỷ USD. Và 50% cổ phiếu của công ty phải do công chúng nắm giữ.
 
Rất nhiều nhà đầu tư coi S&P 500 là thước đo tốt nhất của thị trường chứng khoán Mỹ. Cũng như là một chỉ số chủ đạo của nền kinh tế. Ủy ban nghiên cứu kinh tế quốc gia cũng xác nhận giá trị cổ phiếu phổ thông là nhân tố hàng đầu của mỗi chu kỳ kinh tế.
 
Mô hình kinh doanh Tesla và con đường lọt vào nhóm cổ phiếu danh giá nhất phố Wall - ảnh 2
Diễn biến gí cổ phiếu Tesla trong 1 năm trở lại đây
 
Tesla – hãng xe điện Mỹ thu lợi nhuận "khủng" trong đại dịch COVID - 19
 
Theo CNN Business, nhà sản xuất xe điện Tesla của Mỹ trong ba tháng đầu năm 2020 đã kiếm được thu nhập khủng khoảng 16 triệu USD, với doanh thu đạt mức là 227 triệu USD. Điều này đã đánh dấu quý thứ 3 liên tiếp mà Tesla thu được lợi nhuận từ việc bán xe ô tô điện.
 
Kết quả này trái ngược hoàn toàn so với các dự báo trước đó đã được những nhà phân tích ở Refinitiv đưa ra. Đó chính là “Tesla có thể sẽ phải ghi nhận khoản lỗ nhỏ trong quý đầu tiên của năm 2020, trước bối cảnh hai nhà máy ở Thượng Hải và California phải ngừng hoạt động vì đại dịch Covid-19, đồng thời doanh số bán xe điện của hãng cũng sẽ giảm so với cùng kỳ năm ngoái”
 
Khi kết quả kinh doanh này được công bố, cổ phiếu của Tesla đã tăng 9%. Từ đầu năm đến thời điểm hiện tại cổ phiếu của Tesla cũng đã tăng lên gấp đôi, bất chấp việc nó đã bị tụt khỏi mức đỉnh cao nhất vào giữa tháng 2/2020, trước khi COVID-19 bùng phát trên toàn cầu.
 
Những năm gần đây, Tesla đã củng cố vững chắc vị thế hãng sản xuất xe điện hàng đầu thế giới, cho dù mức độ cạnh tranh trên thị trường ô tô chạy điện ngày càng gia tăng. Tesla đã vượt qua được hàng loạt thách thức, bao gồm các nút thắt sản lượng, tốc độ "đốt" tiền mặt ở mức cao, và mối lo về nhu cầu xe điện trên thị trường ô tô toàn cầu vốn bấy lâu nằm dưới sự thống lĩnh của xe động ơ đốt trong. Giữa tháng 9 năm nay, Tesla báo quý lãi thứ 5 liên tiếp, gây ngạc nhiên cho những giới chuyên gia trước đó luôn miệng đặt câu hỏi về khả năng sinh lời của hãng.
 
D2C – Direct to customer: Mô hình kinh doanh khác lạ của Tesla
 
Việc cổ phiếu Tesla đạt tới địa vị thành viên của "câu lạc bộ" danh giá này là một sự phê chuẩn đối với phong cách quản lý khác người của Musk - nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc (CEO) của Tesla - tỷ phú Elon Musk.
 
Thành lập từ ngày 1/3/2003 nhưng trong suốt thời gian hoạt động đến nay, Tesla chưa từng có CMO-Giám đốc marketing. Tesla cũng không thuê bất cứ agency ngoài nào phụ trách hoạt động truyền thông, không có hệ thống đại lý phân phối như một số hãng xe tên tuổi khác.
 
Từ 2015, Tesla không chi bất cứ đồng nào để chạy quảng cáo. Cách đây không lâu, một nhà đầu tư kiến nghị Tesla nên chi ít nhất 50 USD trên mỗi một chiếc ô tô được sản xuất ra để quảng cáo nhưng CEO Elon Musk kiên quyết phản đối. Thậm chí ông còn chỉ trích những công ty khác chỉ biết bỏ tiền ra để chạy quảng cáo, thay vì cải thiện sản phẩm để trở nên tốt hơn.
 
Thành công của Tesla được lý giải là nhờ vào mô hình D2C – Direct to customer, bán hàng trực tiếp từ nhà sản xuất tới tay khách hàng. Tesla không sử dụng mô hình phân phối truyền thống (qua nhiều kênh trung gian bán buôn, bán lẻ, đại lý,...để đến tay người tiêu dùng), mà ứng dụng công nghệ để chạy mô hình D2C.
 
Mô hình kinh doanh Tesla và con đường lọt vào nhóm cổ phiếu danh giá nhất phố Wall - ảnh 3
 
Nhờ D2C, khách hàng có thể mua trực tiếp sản phẩm từ Tesla qua website và hơn 200 cửa hàng của Tesla trên toàn thế giới.
 
Nhờ triết lý kinh doanh này mà Tesla nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần ô tô trên toàn thế giới dù sinh sau đẻ muộn rất nhiều so với các “ông lớn” như Ford, Toyota, Audi. Năm 2019, Tesla bán được gần 400.000 xe, gấp 1,5 lần so với 2018 và gấp 3 lần so với 2017. Thực tế, số lượng xe Tesla làm không kịp để phân phối. Vấn đề duy nhất Tesla đang gặp phải là khách hàng phải chờ để được mua sản phẩm. 
 
Nhưng dù sao, thành công gần đây và mức vốn hóa khổng lồ của Tesla cũng đưa ngành xe điện trở thành một điểm sáng. Giá cổ phiếu của nhiều hãng xe điện mới cũng tăng mạnh thời gian qua, ngay cả trước khi những hãng này thực sự sản xuất xe. Chẳng hạn, cổ phiếu hãng xe điện Trung Quốc NIO tưng 44% trong tháng 10, và hãng này hiện có mức vốn hóa còn lớn hơn cả hãng GM.
 
Khánh Trang
 
 
 
 
Từ khóa: #Elon Musk