Mở lại đường bay nội địa: Cần có sự đồng thuận của các địa phương

Hà Lan 20:00 | 08/10/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
"Việc Bộ GTVT đơn phương quyết định mở đường bay sẽ là phi lý, không hiệu quả, không đảm bảo yêu cầu chống dịch, không bền vững nếu không có sự ủng hộ của các địa phương" - ông Võ Huy Cường - Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam

Sẽ là phi lý nếu Bộ GTVT tự quyết định 

Phát biểu tại buổi tọa đàm trực tuyến: "Điều kiện mở lại các chuyến bay an toàn" do Báo Giao thông tổ chức vào sáng 8/10, ông Võ Huy Cường - phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, tính đến hết ngày 7/10 đã có 19 trong số 21 tỉnh, thành phố có sân bay trả lời về kế hoạch khai thác lại các đường bay nội địa mà Cục Hàng không xin ý kiến. Trong đó có 16 địa phương đồng ý, 3 địa phương chưa đồng ý, Quảng Ninh và Quảng Nam chưa có ý kiến.

Với 3 địa phương chưa đồng ý: Hải Phòng đề nghị không mở đường bay nội địa và không nói thời gian mở lại; Gia Lai nói do phòng chống dịch nên xem xét mở đường bay sau ngày 15/10; Hà Nội có chỉ thị 22 và văn bản gửi Bộ GTVT, Thủ tướng đều nêu dừng chuyến bay và tàu hỏa chở khách đến Hà Nội.

Các hãng hàng không đã lên kế hoạch mở lại nhiều đường bay nội địa tới các địa phương.

"Do đó, ngày 1/10 chúng tôi gửi văn bản xin ý kiến các tỉnh mà không gửi Hà Nội vì không muốn gây sức ép cho Hà Nội. Ngày 2/10, Sở GTVT Hà Nội đề nghị Cục Hàng không lấy ý kiến để báo cáo UBND TP.Hà Nội. Cục Hàng không có văn bản thì Hà Nội trả lời với những nội dung mọi người đã biết và tự đánh giá", ông Cường cho biết.

Theo ông Cường, về thẩm quyền lẽ ra Bộ GTVT ban hành kế hoạch và giao các hãng tổ chức thực hiện các chuyến bay. Nhưng như thế không đảm bảo yêu cầu chống dịch theo tình hình địa phương. Phải lấy ý kiến của địa phương vì địa phương mới hiểu được đang ở tâm thế nào trong chống dịch và biết được năng lực y tế, hậu cần, y tế… cụ thể như thế nào.

"Việc Bộ GTVT đơn phương quyết định mở đường bay sẽ là phi lý, không hiệu quả, không đảm bảo yêu cầu chống dịch, không bền vững nếu không có sự ủng hộ của các địa phương", ông Cường lý giải.

Đánh giá cao 16 địa phương đồng thuận mở lại các đường bay, ông Cường cho rằng các địa phương này đã sẵn sàng tâm thế mở cửa đi lại, phục hồi kinh tế, phòng chống dịch hiệu quả. Đây là tín hiệu rất mừng với ngành GTVT.

Bộ GTVT cần đề xuất, phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, các tỉnh có quyết định khôi phục lại hàng không nói riêng, GTVT nói chung để kích hoạt lại các đường bay nội địa.

Đây là bước thử quan trọng để đánh giá lại năng lực phòng, chống dịch, cũng như năng lực chỉ đạo điều hành của các địa phương đối với dịch bệnh và sẵn sàng phục hồi kinh tế.

"Mở chỗ này, nghẽn chỗ kia thì không ổn"

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu - cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng, khó khăn nhất của Việt Nam trong đi lại hiện nay là kiểm soát an toàn dịch bệnh khi tỉ lệ tiêm vắc xin còn thấp và không đồng đều. Người tiêm đủ vắc xin vẫn có khả năng nhiễm bệnh nếu đến vùng có tỉ lệ tiêm chủng thấp vẫn làm lây dịch ở đó hoặc lây cho người già, người chưa tiêm khiến những người đó mắc bệnh nặng, có thể tử vong.

"Nếu người tiêm 2 mũi đến vùng có tỉ lệ tiêm 2 mũi cao như Phú Quốc lây cho người ở đó thì không bị sao vì người tiêm 2 mũi có nhiễm cũng như cúm mùa. Vướng nhất hiện nay là các địa phương tiêm vắc xin ít e ngại vì họ không có đủ khu cách ly, năng lực y tế hạn chế sợ bùng phát dịch thì vỡ trận, tử vong cao như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương vừa qua" - ông Phu dẫn chứng và đề nghị những vùng nguy cơ khác nhau thực hiện biện pháp kiểm soát hành khách với mức độ tương ứng.

“Thực tế hiện nay vẫn còn nhiều địa phương tạo hàng rào quá chặt, không có sự linh hoạt. Nếu cứ mở chỗ này, nghẽn chỗ kia thì không ổn,” ông Phu nói.

Thông cảm với các địa phương về lo lắng phòng, chống dịch nhưng đại diện các hãng hàng không, sân bay đều đề nghị sớm khai thác trở lại các chuyến bay nội địa.

"Quan điểm của tôi đã mở cửa thì mở cửa hoàn toàn các sân bay và từng bước, có kiểm soát chứ không chỉ mở sân bay Nội Bài để phục vụ khách đến địa phương khác. Lúc đó khách nơi khác lại phải xin giấy phép đi qua Hà Nội. Bây giờ Hà Nội nói thế này, Bộ GTVT nói thế kia thì Chính phủ cần phải giải quyết", ông Trịnh Hồng Quang - Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines nêu quan điểm.

Cùng quan điểm này, ông Võ Huy Cường cho rằng nếu Hà Nội không đồng ý bay đến Nội Bài thì người dân cũng bay về Thanh Hóa rồi tìm cách về Hà Nội.

"Với sân bay Nội Bài, Hà Nội đang có quan điểm đây là vùng đặc biệt quan trọng. Theo Luật thủ đô, khi có dịch bệnh hay vấn đề gì đó thì đóng trước mở sau. Tình hình dịch bệnh trong cả nước khiến Hà Nội quan ngại hứng chịu làn sóng dịch bệnh mới.

Chúng tôi hoàn toàn thông cảm. Nhưng sân bay Nội Bài là đầu mối giao thông trọng điểm của cả nước, có cơ sở kỹ thuật lớn của hàng không. Máy bay từ các nơi khác phải về đây bảo dưỡng. Nếu Nội Bài hoạt động bình thường thì hàng không mới hoạt động an toàn, hiệu quả", ông Võ Huy Cường cho biết.

Không có chuyện vé máy bay giá cao

Đánh giá về việc mở lại các chuyến bay, các hãng hàng không cho rằng, khôi phục vào thời điểm này chưa thể có nguồn thu ổn định. "Điều kiện mở lại các chuyến bay an toàn", ông Nguyễn Mạnh Quân, Phó Tổng giám đốc Bamboo Airways cho rằng: "Mở lại các chuyến bay thời điểm này chắc chắn sẽ không đạt được doanh thu mà quan trọng nhất hiện nay là tìm ra các giải pháp thực hiện mục tiêu phòng, chống dịch".

Theo ông Quân, Bamboo Airways cũng như các hãng, vấn đề bay trở lại là rất quan trọng. Tôi cho rằng, doanh thu là vấn đề sau cùng, trước hết phải là để duy trì hoạt động, để tạo ra một luồng "vận tải xanh" an toàn để người dân yên tâm đi lại trở về quê, trở lại các nhà máy tiếp tục làm việc.

Thời điểm này, là cơ hội để chúng ta tập dượt các đường bay nội địa để chuẩn bị kinh nghiệm, nguồn lực mở lại các đường bay quốc tế để hoà nhập với nền kinh tế thế giới. Việc này chúng ta đều biết rất rõ là không thể kéo dài thêm được lâu hơn nữa.

Trong giai đoạn đầu, khi thực hiện hàng loạt các quy trình phòng chống dịch bằng đường hàng không, hành khách đáp ứng được đủ các điều kiện để đi sẽ không nhiều. Nhưng việc mở lại đường bay vẫn rất quan trọng.
Để hàng không trở lại bình thường mới, Giám đốc thương mại Vietjet Nguyễn Bác Toán cho biết, đầu tiên, Chính phủ cần làm việc với lãnh đạo các địa phương, không nên để tuỳ nghi theo địa phương sẽ rất khó khăn.

Về giá vé máy bay khi mở lại các chuyến bay, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường cho biết, theo quy định hiện hành về hàng không dân dụng, giá vé bằng chi phí đi lại của ngành hàng không và các hãng không được phép bán quá mức giá đã đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước.

Như vậy, sẽ không thể có tình trạng giá vé quá cao, quá mức chịu đựng của người dân, vì chúng ta đều đã có quy định. Tất nhiên khi mở cửa lại, cơ quan chức năng và các hãng sẽ có sự tính toán, nhưng với tinh thần hỗ trợ cho người dân thì mức giá cũng sẽ đa dạng.