Mở rộng sản xuất tại Việt Nam: Doanh nghiệp Nhật tuyển dụng nhân sự trung, cao cấp

15:11 | 26/01/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Các doanh nghiệp sản xuất Nhật Bản đang hoạt động tốt và có kế hoạch mở rộng tại Việt Nam trong năm 2021, cùng với đó là nhu cầu tuyển dụng nhân sự trung, cao cấp.
Tờ Zingnews.vn cho biết: Mới đây, Navigos Search công bố báo cáo về nhu cầu tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao tại Việt Nam trong quý IV/2020 và xu hướng tuyển dụng năm 2021.
 
Trong đó, hãng nhân sự này cho biết mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19, các doanh nghiệp sản xuất Nhật Bản tại Việt Nam đã chính thức quay trở lại hoạt động và tuyển dụng từ quý IV/2020.
 
Một số doanh nghiệp điện, điện tử tăng sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường. Thậm chí, một số đơn vị khác, đặc biệt trong ngành nội thất, còn tăng gấp đôi sản lượng so với thời điểm trước dịch.
 
 
Mở rộng sản xuất tại Việt Nam: Doanh nghiệp Nhật tuyển dụng nhân sự trung, cao cấp - ảnh 1
 Mở rộng sản xuất tại Việt Nam, doanh nghiệp Nhật tuyển dụng nhân sự trung, cao cấp
 
Theo nhận định của Navigos Search, các doanh nghiệp sản xuất Nhật Bản trong mảng linh kiện điện tử và ôtô đang có kế hoạch mở rộng trong năm 2021. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất từ châu Âu, Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản cũng đang tìm hiểu thị trường để đầu tư xây dựng nhà máy và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt ở khu vực phía Nam.
 
"Do quỹ đất tại TP.HCM không còn nhiều nên dự kiến họ sẽ mở rộng ở các khu công nghiệp mới tại Bình Dương, Long An, Đồng Nai và Cần Thơ", đơn vị này đánh giá.
 
Thực tế, tại hội nghị đối thoại với doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cuối năm 2020, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio cũng khẳng định Việt Nam hiện đứng đầu trong thu hút doanh nghiệp nước này khi có 37 doanh nghiệp đầu tư, đứng thứ hai là Thái Lan với 19 doanh nghiệp.
 
Tuy vậy, Navigos Search cho rằng các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đang dần thay đổi trong việc lựa chọn ứng viên. Thay vì tuyển dụng các ứng viên chỉ biết tiếng Nhật như trước đây, những đơn vị này còn đặt ra yêu cầu tiên quyết về tiếng Anh. Cơ hội nghề nghiệp của những người chỉ biết tiếng Nhật hiện bị giảm đi đáng kể tại doanh nghiệp Nhật Bản, đồng thời mức lương cũng thấp hơn nhiều.
 
Bên cạnh đó, các xu hướng tuyển dụng nổi bật cho năm 2021 cũng được chỉ ra trong ngành công nghệ thông tin, ngân hàng và bảo hiểm.
 
Cụ thể, từ quý IV/2020, lĩnh vực công nghệ thông tin bắt đầu phục hồi nhanh sau Covid-19. Các công ty tập trung tuyển dụng nhân sự chất lượng cao với công nghệ cập nhật nhất nhằm gia tăng tính cạnh tranh của sản phẩm và dịch vụ. "Có công ty trong mảng này đang có nhu cầu phát triển rất lớn với kế hoạch tuyển dụng 1.000 kỹ sư công nghệ thông tin trong năm 2021", Navigos Search nhấn mạnh.
 
Trong khi đó, các ngân hàng cũng đang có kế hoạch tuyển dụng số lượng lớn nhân viên ở vị trí quan hệ khách hàng và mảng công nghệ, dữ liệu để phục vụ quá trình chuyển đổi số. Mặt khác, trong ngành bảo hiểm, do một số công ty đã ký kết hợp đồng bancassurance độc quyền với các ngân hàng nên nhu cầu tuyển dụng nhân viên tư vấn làm việc toàn thời gian và chuyên gia đào tạo tăng cao.
 
Được biết, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa có cuộc họp bàn để kết nối cơ sở đào tạo với nhu cầu lao động của doanh nghiệp Nhật Bản. Đây có thể là bước đi quan trọng đầu tiên để Việt Nam có thể nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thậm chí là đáp ứng được “đơn đặt hàng” của nhà đầu tư. Với cách làm này, Việt Nam có thể giữ chân tốt hơn các nhà đầu tư nước ngoài và cũng hấp thụ tốt hơn nguồn vốn chất lượng cao đang đổ vào Việt Nam.
 
Theo tapchitaichinh.vn vào những ngày cuối năm 2020, thêm 15 công ty Nhật Bản vừa được Chính phủ nước này quyết định hỗ trợ để tăng cường hoạt động sản xuất tại Việt Nam, trong đó có cả những tập đoàn lớn, thương hiệu nổi tiếng. Các doanh nghiệp này muốn triển khai chính sách "Việt Nam +1".
 
 
Mở rộng sản xuất tại Việt Nam: Doanh nghiệp Nhật tuyển dụng nhân sự trung, cao cấp - ảnh 2
 Các doanh nghiệp sản xuất Nhật Bản đang hoạt động tốt và có kế hoạch mở rộng tại Việt Nam trong năm 2021
 
Văn phòng Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tại TPHCM đã công bố danh sách 30 doanh nghiệp được Chính phủ nước này hỗ trợ nhằm tăng cường sản xuất ở khu vực Đông Nam Á trong đợt thứ hai của chương trình hỗ trợ nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng do COVID-19.
 
Đáng chú ý, 15 trong tổng số 30 doanh nghiệp được hỗ trợ kinh phí lần này chọn Việt Nam là điểm đến. Đây là những doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, có nhà máy ở các nước Đông Nam Á, đủ điều kiện để nhận hỗ trợ chuyển dịch, mở rộng nhà máy.
 
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Hirai Shinji, trưởng đại diện văn phòng JETRO tại TP.HCM, cho biết sau hai lần xét chọn Việt Nam tiếp tục là điểm đến được doanh nghiệp Nhật Bản ưu tiên lựa chọn trong kế hoạch đa dạng chuỗi cung ứng sang ASEAN.
 
Ông Hirai Shinji nói: Với 30 dự án nhận hỗ trợ của chính phủ trong kế hoạch đa dạng chuỗi cung ứng sang ASEAN của nước này đã đưa số dự án đạt tiêu chuẩn sau 2 đợt xét duyệt lên 60 dự án.
 
Đáng chú ý, một nửa công ty trong số này đăng ký mở rộng sản xuất hoặc có dự án đầu tư mới ở Việt Nam. Trong giai đoạn đầu tiên được công bố vào tháng 7/2020, cũng có 15 trong số 30 công ty Nhật Bản đã chọn Việt Nam. Đây là tin vui cho thấy doanh nghiệp Nhật Bản vẫn tiếp tục đánh giá cao triển vọng đầu tư tại thị trường Việt Nam.
 
Trong lần xét tuyển lần thứ 2, JETRO nhận được 155 doanh nghiệp đăng ký tham gia. Trong 30 dự án được tuyển chọn, thì riêng thị trường Việt Nam đã có 15 doanh nghiệp, xếp thứ 2 là Thái Lan 6 dự án, Indonesia 5 dự án, Phillipines 2 còn lại là Malaysia, Myanmar và Campuchia…
 
Các doanh nghiệp này sẽ nhận số tiền trợ cấp dao động 100 triệu đến 5 tỉ yen, bù đắp một phần chi phí cần thiết để mua sắm và lắp đặt máy móc, thiết bị cho việc mở rộng sản xuất.
 
Cũng theo ông Hirai Shinji, sự khác biệt nào trong danh sách 15 dự án của doanh nghiệp Nhật đầu tư ở Việt Nam được phê duyệt so với lần thứ 1 là: Tất cả 15 doanh nghiệp Nhật Bản được chính phủ phê duyệt trợ cấp vốn đầu tư đều là những nghiệp đang có hoạt động sản xuất ở thị trường Việt Nam nhiều năm nay và có nhu cầu mở rộng hoạt động sản xuất ở Việt Nam.
 
Trong đợt xét chọn thứ hai, các doanh nghiệp Nhật Bản được hỗ trợ chủ yếu là các nhà sản xuất trong lĩnh vực thiết bị y tế, đồ bảo hộ y tế và sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phụ tùng ôtô... Đây là những mặt hàng mà Nhật Bản đang có nhu cầu lớn, yêu cầu về công nghệ, kỹ thuật sản xuất cao, họ muốn tận dụng kỹ năng tay nghề lao động Việt Nam.
 
Trong số các nước ASEAN, Việt Nam tiếp tục là quốc gia áp đảo, được nhiều doanh nghiệp Nhật Bản lựa chọn và có dự án xét duyệt cho thấy mối quan tâm của doanh nghiệp Nhật với thị trường hơn 100 triệu dân.
 
Có thể nói, Việt Nam là điểm đến hàng đầu cho vốn Nhật với quy mô thị trường lớn gần 100 triệu dân, nền kinh tế phát triển và được kỳ vọng sẽ tăng trưởng nhanh sau khi hồi phục nếu dịch COVID-19 đi qua. Ngay trong năm 2020, Việt Nam cũng là quốc gia hiếm hoi ở ASEAN có nền kinh tế tăng trưởng dương.
 
Các doanh nghiệp Nhật có gặp gỡ một số địa phương để xúc tiến các thủ tục mở rộng đầu tư ở Việt Nam. Ngay trong dịch, các hoạt động xây dựng nhà máy mới của doanh nghiệp Nhật ở Việt Nam vẫn diễn ra. Hay những doanh nghiệp không thể vào Việt Nam lúc này vì dịch cũng đã thông qua kênh trực tuyến mong muốn JETRO Việt Nam gửi các thông tin về thị trường ở đây. Sự quan tâm của vốn Nhật với thị trường này rất lớn.
 
Nếu như chính sách "Trung Quốc +1" có nghĩa ngoài một nhà máy có sẵn ở Trung Quốc, doanh nghiệp Nhật sẽ chọn một quốc gia khác để đầu tư, giảm thiểu rủi ro thì với chính sách "Vietnam +1", các doanh nghiệp Nhật muốn đầu tư mở rộng sang một tỉnh, thành khác bên cạnh cơ sở hiện tại. Chẳng hạn, ngoài nhà máy ở TP.HCM, doanh nghiệp Nhật đang tìm những địa phương lân cận như Vĩnh Long, Bình Dương, Đồng Nai... để mở thêm nhà máy.
 
Minh Hoa