Một công ty nông sản báo lỗ 18 quý liên tiếp, doanh thu cả quý không đủ trả chi phí lãi vay

Trang Mai 14:48 | 09/07/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Là một trong những doanh nghiệp niêm yết đầu tiên công bố kết quả kinh doanh quý II/2024, CTCP Nông nghiệp và Thực phẩm Hà Nội - Kinh Bắc (mã: HKB) tiếp tục báo lỗ sau thuế gần 15 tỷ đồng. Đây cũng là quý thứ 18 liên tiếp công ty báo lỗ.

Lỗ luỹ kế hơn 400 tỷ đồng

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II, HKB ghi nhận doanh thu 1,5 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ. Nhưng giá vốn tăng vọt tới hơn 2,4 lần khiến lãi gộp còn 578 triệu đồng, giảm gần một nửa so với quý II/2023. 

 

Đáng chú ý, doanh thu hoạt động tài chính chỉ hơn 300.000 đồng, trong khi chi phí lãi vay lên tới gần 2,7 tỷ (gấp 1,8 lần doanh thu) do HKB hiện đang "cõng" khoản vay và nợ thuê tài chính cả ngắn và dài hạn lên tới hơn 100 tỷ đồng.

Cùng đó, chi phí quản lý doanh nghiệp lên tới gần 13 tỷ đồng. Doanh thu mỗi quý chỉ nhỉnh 1 tỷ trong khi chi phí nặng gánh đã khiến doanh nghiệp lỗ tới gần 15 tỷ đồng trong quý II/2024, là quý lỗ thứ 15 liên tiếp kể từ quý I/2020. 

Giải trình về kết quả thua lỗ, HKB cho biết công ty đang trong giai đoạn tái cơ cấu và sắp xếp lại nguồn vốn tín dụng với các ngân hàng nên chưa đáp ứng đủ nguồn vốn ngắn hạn để phục vụ cho hoạt động sản xuất và kinh doanh. Đây cũng là lý do công ty đưa ra cho các khoản lỗ trong nhiều quý trước đó. 

Lũy kế 6 tháng đầu năm, HKB ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 3 tỷ đồng và lỗ gần 30 tỷ đồng. Lỗ luỹ kế đã lên tới 415,5 tỷ đồng.

Theo giới thiệu trên website, HKB kinh doanh ngành nghề chính là những lĩnh vực liên quan đến nông sản như thu mua, chế biến cafe, sắn, quế, hồi,... Ngoài ra doanh nghiệp cũng làm ngành thực phẩm và phân phối bán lẻ các mặt hàng nông sản và thực phẩm. 

Nhiều vấn đề trong bức tranh tài chính

Tính đến hết quý II, HKB ghi nhận tổng tài sản hơn 295 tỷ đồng. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền hơn 1,4 tỷ đồng. Khoản lợi thế thương mại đóng góp lớn nhất vào tổng tài sản của HKB với hơn 109 tỷ đồng. HKB đang phải dự phòng khoản phải thu ngắn hạn khó đòi hơn 80 tỷ đồng.

Hàng tồn kho còn 1,8 tỷ đồng, trong đó chiếm tới 99% là dự phòng giảm giá. Theo tìm hiểu của phóng viên, đây là số hàng tồn kho bị thiếu, đã được công ty trích lập dự phòng từ năm 2018. Đến cuối năm 2023, "công ty chưa xác định được nguyên nhân thiếu hàng tồn kho”.

Trước đó, tại báo cáo kiểm toán năm 2023, kiểm toán viên đã từ chối đưa ra ý kiến cho cả BCTC tổng hợp và hợp nhất, do những nguyên nhân như: Không thu nhập được đầy đủ bằng chứng hợp lý về tính hiện hữu, đúng đắn, đầy đủ của khoản "Lợi thế thương mại" tại thời điểm 31/12/2022; Chưa xác định được nguyên nhân thiếu hàng tồn kho; Chưa nhận được thư xác nhận tạm ứng của ông Phạm Thanh Bình và ông Nguyễn Chí Đặng... 

Trong văn bản giải trình về việc bị huỷ niêm yết bắt buộc, được công bố ngày 20/7/2021, HKB chỉ cho biết: “Hiện Ban lãnh đạo Công ty đang phối hợp với các bộ phận liên quan để đối chiếu chứng từ công nợ tạm ứng của ông Phạm Thanh Bình và ông Nguyễn Chí Đặng và xác định nguyên nhân đối với khoản hàng tồn kho bị thiếu hụt. Tuy nhiên, trong giai đoạn vừa qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chưa thuận tiện cho việc tiếp xúc và phối hợp trực tiếp giữa những người liên quan. Sau khi tình hình dịch được khống chế, Công ty sẽ làm việc để xử lý những tồn tại trên”. Tuy nhiên đến hết quý II/2024, vấn đề này vẫn chưa được khắc phục. 

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HKB từng bị đưa vào diện kiểm soát, hạn chế giao dịch tiến tới bị hủy niêm yết trên HNX do đơn vị kiểm toán từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính năm 2019 và 2020. Mã sau đó chuyển sang giao dịch trên UPCoM từ cuối tháng 7/2021 và hiện đang giao dịch tại mức 700 đồng và đang bị hạn chế giao dịch.