Một số kinh nghiệm cho doanh nghiệp khi ký kết hợp đồng để tránh rủi ro

16:32 | 03/12/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Đây là những kinh nghiệm mà ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) chia sẻ tới cộng đồng doanh nghiệp khi ký kết hợp đồng nhằm tránh rủi ro trong các trường hợp chi nhánh công ty hoặc người không có quyền đại diện xác lập, hợp đồng không có dấu của công ty...

Theo ông Trần Hữu Huỳnh, khi ký kết hợp đồng, nếu doanh nghiệp không tỉnh táo trước những điều tưởng chừng đơn giản, doanh nghiệp phải gánh chịu hậu quả nặng nề.

Khi làm việc với chi nhánh cần kiểm tra kỹ sự tồn tại của việc ủy quyền

Khi thực hiện giao dịch do chi nhánh công ty xác lập, doanh nghiệp cần kiểm tra kỹ việc ủy quyền, yêu cầu cung cấp thông tin về ủy quyền (thường xuyên hay vụ việc). Ở giai đoạn giao kết hợp đồng, thấy chi nhánh không có ủy quyền của pháp nhân thì không nên xác lập hợp đồng, nếu không sẽ có nhiều rủi ro.

Một số kinh nghiệm cho doanh nghiệp khi ký kết hợp đồng để tránh rủi ro - ảnh 1
 Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Nếu đã ký kết hợp đồng, thì phải chứng minh được pháp nhân có chi nhánh biết giao dịch này và không phản đối. Trong trường hợp này, pháp nhân có chi nhánh tham gia vào giao dịch không có ủy quyền được coi là chấp nhận giao dịch nên chịu sự ràng buộc của giao dịch.

Về xác định tư cách đại diện theo ủy quyền (cho cá nhân hay tổ chức), doanh nghiệp cần chứng minh người có thẩm quyền của doanh nghiệp được đại diện đã chấp nhận giao dịch hay biết mà không phản đối giao dịch.

Doanh nghiệp được đại diện cũng không được phủ nhận giao dịch nếu người có thẩm quyền của mình đã có những ứng xử cho thấy đã chấp nhận giao dịch hay biết giao dịch nhưng không phản đối do theo Bộ luật Hình sự 2015 quy định 3 trường hợp người được đại diện vẫn phải thực hiện quyền và nghĩa vụ do người đại diện không có quyền xác lập, thực hiện.

Đáng chú ý, những quy định trong điều lệ chỉ mang tính nội bộ và doanh nghiệp không được sử dụng để đối kháng với đối tác trong việc xác định thẩm quyền đại diện của người đại diện theo pháp luật. Chỉ những “giới hạn được pháp luật quy định” thì đối tác của doanh nghiệp mới chịu sự ràng buộc.

Hợp đồng không có con dấu của công ty vẫn có thể có hiệu lực

Hợp đồng không có con dấu của công ty/doanh nghiệp không hẳn là lý do khiến hợp đồng không có hiệu lực ràng buộc công ty. Có rất nhiều giao dịch được xác lập một cách tự nguyện, ngay tình mà không thể có con dấu như giao dịch được xác lập qua thư điện tử, theo pháp luật vẫn có hiệu lực.

Một số kinh nghiệm cho doanh nghiệp khi ký kết hợp đồng để tránh rủi ro - ảnh 2
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. 
Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) 2014, Điều 44 quy định: Doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Điều này khẳng định việc doanh nghiệp không sử dụng con dấu trong các giao dịch không ảnh hưởng tới giá trị của giao dịch mà doanh nghiệp đã xác lập.

Khi ký hợp đồng với doanh nghiệp và không đóng dấu công ty, cần chú ý kiểm tra kỹ để xác định đúng người ký kết đang ký với tư cách đại diện doanh nghiệp chứ không phải tư cách cá nhân.

Giải thích tiền hợp đồng dựa vào thông tin tiền hợp đồng

Doanh nghiệp nên biết nếu hợp đồng không rõ ràng ở một số nội dung, khi có tranh chấp về nội dung của hợp đồng, doanh nghiệp nên cung cấp những thông tin trao đổi giữa các bên trong giai đoạn đàm phán và những thông tin này có thể hữu ích trong việc xác định, giải thích nội dung của hợp đồng.

Điều chỉnh thực hiện hợp đồng phải tuân thủ nguyên tắc của Bộ luật Dân sự

Nguyên tắc thực hiện hợp đồng phải tuân thủ nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Dân sự, quy định tại Điều 3, Khoản 3, Bộ luật Dân sự 2015: “Cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực”.

Muốn thay đổi địa chỉ sau khi xác lập giao dịch, Điều 277, Bộ luật Dân sự quy định “khi bên có quyền thay đổi nơi cư trú hoặc trụ sở thì phải báo cho bên có nghĩa vụ và phải chịu chi phí tăng lên do việc thay đổi nơi cư trú hoặc trụ sở, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”. Bên có nghĩa vụ thay đổi trụ sở có cần thông báo không? Có bất lợi không?

Một số kinh nghiệm cho doanh nghiệp khi ký kết hợp đồng để tránh rủi ro - ảnh 3
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. 
Trong tố tụng, trọng tài phải có trách nhiệm gửi cho các bên những thông tin cần thiết. Điều 12, Khoản 2, Luật Trọng tài thương mại chỉ quy định “các thông báo tài liệu mà Trung tâm trọng tài hoặc Hội đồng trọng tài gửi cho các bên được gửi đến địa chỉ của các bên hoặc gửi cho đại diện của các bên theo đúng địa chỉ do các bên thông báo”.

Khi được gửi đến đúng địa chỉ nêu trong hợp đồng (khi không có địa chỉ nào khác) nhưng bên được gửi không nhận được thì Trọng tài vẫn tiến hành thủ tục tố tụng. Điều 56 Khoản 2 Luật Trọng tài thương mại quy định: “Bị đơn đã được triệu tập tập hợp lệ tham dự phiên họp giải quyết tranh chấp mà vắng mặt không có lý do chính đáng hoặc rời phiên họp giải quyết tranh chấp mà không được Hội đồng trọng tài chấp nhận thì Hội đồng trọng tài vẫn tiếp tục giải quyết tranh chấp căn cứ vào tài liệu hoặc chứng cứ hiện có”.  Việc vắng mặt là bất lợi cho bên bị kiện (bên thay đổi địa chỉ mà không thông báo) vì không có điều kiện để bảo vệ quyền lợi của mình.