Mưa lũ ở miền Trung khiến nhiều người mất tích, 20 thuyền viên bị mắc kẹt trên tàu vận tải

06:51 | 19/10/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Mưa lớn kéo dài khiến cho nhiều địa phương ở Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế bị ngập lụt, chia cắt, 3 người mất tích do bị nước cuốn trôi. Cùng với đó, mưa to cũng khiến cho tàu chở hàng mắc cạn tại bờ biển Cửa Việt, trên tàu có 20 người.

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị cho biết, một tàu chở hàng cùng 20 thuyền viên đang bị mắc cạn cách bờ biển Cửa Việt khoảng 2km, trong điều kiện mưa to, gió lớn.

Trước đó, khoảng 10h30 cùng ngày, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị nhận được tin tàu vận tải Glory Future do ông Jwo Quojiang (50 tuổi), quốc tịch Trung Quốc làm thuyền trưởng bị mắc cạn, trên tàu có 20 thuyền viên, gồm 8 người Trung Quốc và 12 người Việt Nam.

Khi tàu đang neo đậu cách phao số 0 cảng Cửa Việt khoảng 3 hải lý để chờ nhập 26.000 tấn cát của Công ty Vico Quảng Trị xuất sang Hàn Quốc thì gặp sóng to, gió lớn đánh dạt về bờ Nam cảng Cửa Việt và mắc cạn cách bờ 2km.

Sạt lở đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện  A Lưới (Thừa Thiên - Huế)  

Nhận được tin báo, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Cửa Việt phối hợp với Cảng vụ Hàng hải tỉnh Quảng Trị khảo sát, phối hợp cùng thuyền trưởng kiểm tra, lên phương án ứng cứu.

Tàu hàng mắc cạn có trọng lượng lớn, trang thiết bị trên tàu hiện đại, khi hoạt động trên biển có thể chịu được sóng biển cấp 11-12, do đó thuyền trưởng đề nghị sẽ neo đậu tại vị trí mắc cạn, chờ điều kiện an toàn sẽ tính phương án di chuyển tàu ra khỏi vị trí mắc cạn.

Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị đề nghị thuyền trưởng viết cam kết đảm bảo tuyệt đối an toàn cho phương tiện và các thuyền viên trên tàu, không di chuyển người ra khỏi tàu khi sóng to, gió lớn.

Những ngày qua, mưa lớn kéo dài làm nước sông dâng cao gây ngập tại các ngầm, tràn chia cắt đường giao thông ở khu vực miền núi và vùng thấp trũng ven sông ở đồng bằng. Theo đó các ngầm, tràn ở huyện Đakrông như: Làng Cát, Chân Rò, Tà Lềnh, xã Đakrông; tràn Đakrông ở thôn A Rồng, xã A Ngo ngập sâu từ 0,5 – 2m gây chia cắt đường vào trung tâm các xã: Ba Nang, A Vao, Ba Lòng và các thôn: Ly Tôn xã Tà Long, Gia Giã xã Hướng Hiệp, Làng Cát và Chân Rò xã Đakrông, khu tái định cư Húc Nghì xã Húc Nghì. Đường Hồ Chí Minh nhánh Tây tại Km 265 thuộc địa phận xã Tà Long bị ngập sâu 0,5m, chiều dài khoảng 20 m gây chia cắt giao thông.

Ở huyện miền núi Hướng Hóa: Tràn ở bản Cha Ly đi vào Bản Cuôi, thôn Tri thuộc xã Hướng Lập bị ngập lụt, chia cắt giao thông. Huyện Hải Lăng ngập lụt tại các khu dân cư ven sông như: Xuân Lâm, xã Hải Lâm và một số thôn thuộc xã Hải Phong. Chính quyền các địa phương đã cử lực lượng ứng trực, cắm biển cảnh báo không để người và phương tiện đi qua ngầm, tràn và vùng bị ngập lụt.

Tỉnh đã tổ chức di dời 267 hộ dân với 1.416 nhân khẩu ở các khu vực có nguy cơ bị sạt lở đất và ngập lụt đến nơi an toàn.

Mưa lũ cũng đã làm 1 người mất tích. Đó là anh Hồ Văn Diên, sinh năm 2000, trú tại thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa bị nước cuốn trôi khi đi qua tràn thôn Ly Tôn, xã Tà Long, huyện Đakrông vào tối 16/10. Lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đang triển khai công tác tìm kiếm nạn nhân. 

Tại Thừa Thiên - Huế mưa lớn kéo dài cùng với việc các hồ thủy điện xả lũ khiến mực nước các sông tăng nhanh, gây tình trạng ngập úng cục bộ ở nhiều nơi như Thị trấn Khe Tre (huyện Nam Đông), huyện Phú Lộc, huyện Phú Vang, TP Huế. Nhiều diện tích hoa màu, nuôi trồng thủy sản cũng bị ngập nước và hư hại.

Trên Quốc lộ 1A, đoạn Km866+900 - Km867+100 qua địa bàn xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc bị nước ngập sâu khoảng 35 cm. Một số tuyến tỉnh lộ và đường giao thông liên thôn, xã ở huyện Phú Lộc, Phú Vang, Nam Đông, A Lưới cũng bị ngập sâu, chia cắt, giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn.

Nước chảy lớn xói lở sập cột điện trung thế 134 tại thôn Bà lạch, xã Lâm Đớt làm mất điện tại Trạm biến áp Ngã ba Lâm Đớt - Đông Sơn. Trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn huyện có 03 điểm sạt lở, trong đó có 01 điểm tại KM 390 đất đã sạt lở nặng gây tắt đường.

Huyện A Lưới cũng đã phải tiến hành sơ tán 71 hộ dân với 220 khẩu ra khỏi vùng nguy hiểm. Lực lượng chức năng tại huyện đang tập trung ứng trực để khắc phục hỗ trợ, di dời người dân đến nơi an toàn và khắc phục sạt lở.

Vào sáng 17/10, Trung tâm công viên cây xanh Thừa Thiên - Huế cho biết đã đưa nam thanh niên không may bị cây đổ đè trúng người nhập viện cấp cứu.

Trên địa bàn xã Hương Vân (TX Hương Trà) 2 vợ chồng ngư dân đánh cá trên sông Bồ nghi bị nước cuốn mất tích. Nạn nhân là vợ chồng ông Trần Minh Điện và bà Võ Thị Thảo, trú tổ dân phố Lại Bằng 2, phường Hương Vân. Đến nay, lực lượng chức năng vẫn đang tìm kiếm nạn nhân.

Trước diễn biến phức tạp của tình hình mưa lũ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có công điện khẩn yêu cầu các địa phương trong tỉnh chủ động triển khai sơ tán dân ở những vùng nguy hiểm. Theo đó, yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các địa phương theo dõi sát diễn biến của mưa lũ để xem xét chủ động chỉ đạo các trường cho học sinh nghỉ học từ sáng ngày 18/10.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Công an tỉnh và các địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời triển khai ứng cứu khi có yêu cầu; đảm bảo an toàn tại các khu cách ly y tế.

Trưởng Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã yêu cầu Công ty Cổ phần Thủy điện Hương Điền vận hành điều tiết hồ qua tràn và tuabin với lưu lượng tăng dần tránh gây đột biến từ 300-400m3/s.