Sau bão số 8, Nghệ An sẽ mưa lớn do có đợt không khí lạnh tăng cường

16:00 | 15/10/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Bão số 8 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn trên địa bàn tỉnh Nghệ An khiến Núi Nguộc (huyện Thanh chương) sạt lở. Do lượng mưa quá lớn, nhiều thủy điện ở Nghệ An xả lũ. Bên cạnh đó, sắp có đợt không khí lạnh tràn về khiến tỉnh này đón thêm một đợt mưa lớn

Không khí lạnh tăng cường tràn vào Nghệ An và các tỉnh Duyên hải Miền Trung

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với vùng áp thấp có khả năng xuất hiện trên dải hội tụ nhiệt đới nên từ đêm 15/10 đến 18/10 khu vực Trung Bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 300-600mm/đợt, cục bộ có nơi trên 600mm/đợt.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai vừa có công văn số 471/VPTT ngày 14/10 gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Nam chủ động ứng phó với mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với vùng áp thấp có khả năng xuất hiện trên dải hội tụ nhiệt đới nên từ đêm 15/10 đến 18/10 khu vực Trung Bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 300-600mm/đợt, cục bộ có nơi trên 600mm/đợt.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực miền núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp ven sông. Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo mưa, lũ; thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền và người dân chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.

Do có đợt không khí lạnh tràn về, từ Nghệ An đến Quảng Bình có mưa to đến rất to. Gió bắc đến tây bắc cấp 3. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.Nhiệt độ thấp nhất: 20-23 độ.

Bên cạnh đó, triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn khi có tình huống xảy ra. Khơi thông dòng chảy, nhất là trên các suối, khe cạn, các ao hồ có nguy cơ mất an toàn. Chú ý đối với những khu vực tổ chức sơ tán dân phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19 phù hợp với tình hình cụ thể tại các địa phương.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương rà soát, sẵn sàng bố trí lực lượng kiểm soát, cắm biển cảnh báo, hướng dẫn giao thông các khu vực ngập lụt, chia cắt; lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.

Đáng chú ý, kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra. Rà soát, sẵn sàng tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp và tiêu thoát nước khu vực trũng thấp, đô thị và khu công nghiệp.

Ngoài ra, chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với cơ quan thông tin truyền thông, đặc biệt là hệ thống thông tin cơ sở, tăng cường thông tin cảnh báo, hướng dẫn kỹ năng ứng phó mưa lớn, ngập lụt và lũ quét, sạt lở đất để người dân biết, chủ động phòng, tránh.

Mưa lớn khiến núi lở chắn ngang quốc lộ, thủy điện đồng loạt xả lũ

Ngày 14/10, ông Nguyễn Việt Phương, Chi cục trưởng Cục quản lý đường bộ 2.2 cho biết, mưa lớn kéo dài nhiều giờ đồng hồ khiến núi Nguộc nằm trên tuyến Quốc lộ 46 (nằm giáp ranh địa bàn 2 xã Thanh Ngọc và Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương) đã xảy ra tình trạng sạt lở.

Núi Nguộc sạt lở do mưa lớn.

Trước đó, khoảng 0h15 ngày 14/10, đã xảy ra sạt lở đất ở núi Nguộc, huyện Thanh Chương. Nhiều khối đất đá đã đổ xuống mặt đường gây hư hỏng lưới thép và ảnh hưởng đến việc tham gia giao thông của người dân.

“Ngay khi phát hiện, đơn vị đã nhanh chóng triển khai lực lượng, dựng biển cảnh báo và khắc phục để đảm bảo an toàn cho người, phương tiện lưu thông”, ông Phương nói.

Sáng nay (14/10), một số nhà máy thủy điện trên địa bàn Nghệ An đã có thông báo xả lũ nhằm đảm bảo an toàn cao nhất cho người dân khu vực hạ du trước, trong và sau khi bão vào đất liền.

Tại huyện Con Cuông, Nhà máy Thủy điện Chi Khê cũng vừa ban hành thông báo vận hành điều tiết nước hồ chứa. Việc vận hành điều tiết hồ chứa của Thủy điện Chi Khê bắt đầu vào lúc 12h30 ngày 14/10.

Lưu lượng xả dự kiến khoảng từ 500m3/s đến 1.000m3/s và có thể thay đổi tùy thuộc vào lưu lượng nước đến hồ. Thời gian kết thúc khi lưu lượng nước về hồ Chi Khê giảm xuống dưới 500m3/s, nhằm duy trì cao trình nước dâng bình thường.

Nhiều Hồ đập và Thủy điện ở Nghệ An đồng loạt xả lũ.

Nhà máy Thủy điện Châu Thắng và hồ chứa Thủy điện Bản Cốc, Nhà máy Thủy điện Sông Quang, tại huyện Quế Phong cũng đã thông báo kế hoạch vận hành điều tiết nước hồ chứa.

Đối với Thủy điện Châu Thắng, dự kiến thời gian xả diễn ra vào 13h00 ngày 14/10/2021. Tổng lưu lượng xả từ 76m3/s đến 700m3/s, bao gồm lưu lượng xả qua cửa van và lưu lượng phát điện qua các tổ máy; có thể thay đổi theo lưu lượng nước về hồ.