Muốn đòi lại thương hiệu gạo ST25 tại Mỹ: Câu trả lời là có thể, nhưng cực tốn kém và mất thời gian
Theo cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), ông Vũ Bá Phú cho hay: Theo hệ thống đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Mỹ hiển thị hiện có 5 hồ sơ đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ST25 ở trạng thái "đang kiểm tra", của 4 doanh nghiệp.
Như vậy, các yêu cầu đăng ký bảo hộ cho gạo ST25 tại Mỹ đều đang chờ duyệt nên ông Hồ Quang Cua - cha đẻ của thương hiệu gạo này, chưa thực sự mất. Tuy nhiên, cần sớm có động thái để bảo vệ thương hiệu ở thị trường nước ngoài.
Ông Phú thông tin thêm rằng, “Quy trình là 6 tháng, nếu sau thời gian quy định không có khiếu nại thì Chính phủ Mỹ sẽ cấp quyền bảo hộ."
Cha đẻ của thương hiệu gạo ngon nhất thế giới.
"Tuy nhiên doanh nghiệp phải thực sự có mong muốn và quyết tâm đòi lại thương hiệu" - ông Phú nói. Ông nhận định, doanh nghiệp phải chấp nhận mất thời gian, chi phí để thuê luật sư, chuyên gia, tìm hiểu từ cơ quan có thẩm quyền nhằm có thêm thông tin cho hồ sơ khi nộp cho cơ quan chức năng.
Ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinamit - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nông nghiệp trang trại nông thôn Việt Nam, cũng nhấn mạnh: Để đòi lại được thương hiệu, không phải là không làm được, nhưng không phải dễ, phải làm rất nhanh và rất tốn tiền vì 4 doanh nghiệp kia đã nộp đơn trước thì đã có quyền ưu tiên; Mỹ lại rất chú trọng quyền ưu tiên.
Ông Viên cho biết: “Nếu doanh nghiệp đã gửi đăng ký bảo hộ tại Mỹ là doanh nghiệp Việt thì hi vọng còn khả năng thương lượng được, có thể mua lại được. Nếu như họ đã có bằng sáng chế thì rất khó cho mình. Mình phải tìm được lý do để thuyết phục, tốn kém, mất thời gian, nếu không làm sớm sẽ muộn.”
Những yêu cầu đăng ký bảo hộ gạo ST25 hiện nay tại Mỹ.
Vị Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinamit nhận định ông Hồ Quang Cua là chủ một thương hiệu gạo nổi tiếng lại đoạt giải thưởng mà không đi đăng ký “bao vây” cho sản phẩm thì là quá sai lầm.
Đại diện Bộ Công thương cũng cho rằng, trước đây đã có cảnh báo và khuyến nghị ông Hồ Quang Cua chủ động bảo vệ thương hiệu.
Do nguồn lực có hạn, cộng với nguy cơ vi phạm cam kết trợ cấp của Hiệp định chống trợ cấp của WTO, chính quyền chỉ xúc tiến để hỗ trợ quảng bá ngành hàng nói chung, cảnh báo và tuyên truyền để mọi người nhận thức tầm quan trọng của việc bảo hộ thương hiệu chứ không thể hỗ trợ trực tiếp.
Xem thêm: Gạo ST25 bị doanh nghiệp nước ngoài đăng ký bảo hộ ở Mỹ, “cha đẻ” của giống gạo nói gì?
Phương Thúy