Muôn nẻo chuyển giá và nghịch lý lỗ lũy kế vẫn mở rộng đầu tư
Phần trình bày của bà Nguyễn Thị Lan Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh tra, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính tại Hội thảo về giao dịch liên kết (thực chất là chuyển giá) đã gây ấn tượng mạnh cho các đại biểu tham dự.
Theo bà Lan Anh, các hình thức chuyển giá phổ biến trên thế giới đều được các doanh nghiệp (DN) FDI áp dụng tại Việt Nam.
Có rất nhiều con đường để DN chuyển giá. Chuyển giá có thể thông qua chuyển giao tài sản hữu hình hay tài sản vô hình.
“Tài sản vô hình sẽ được DN FDI bàn giao theo thỏa thuận của các bên liên kết, bao gồm rất nhiều hình thức. Ví dụ chuyển giao sáng chế, kiểu dáng, bí quyết thương hiệu, nhãn hiệu…, đặc biệt là chuyển giá thông qua việc cung ứng dịch vụ. Ngành thuế gặp rất nhiều khó khăn trong việc quản lý, xử lý các vấn đề này do những bất cập liên quan đến cơ chế chính sách, phía DN và chức năng của ngành thuế”, bà Lan Anh chia sẻ.
Con đường chuyển giá khác của DN FDI là thông qua cung ứng dịch vụ cho các bên liên kết ở nước ngoài. Các dịch vụ này có thể không tính phí hoặc tính mức rất thấp, không đúng với giá giao dịch trên thị trường.
Việc chuyển giá cũng có thể thông qua các khoản vay hoặc các giao dịch tài chính có bản chất tương tự, ví dụ bằng việc thiết lập các khoản vay vốn từ công ty mẹ, công ty liên kết hoặc thiết kế các khoản vay giáp lưng mà thông qua các tổ chức trung gian là các bên độc lập, các DN FDI Việt Nam có thể chuyển giá ra nước ngoài thông qua lãi vay không theo giá trên thị trường. Chi phí lãi vay này thường vượt quá định mức cần thiết, theo bà Lan Anh cho biết.
Bổ sung thêm về con đường chuyển giá, bà Nguyễn Ngọc Khánh, đại diện Cục Tài chính Doanh nghiệp, Bộ Tài chính chia sẻ: “Bên cạnh chuyển giá từ Việt Nam ra nước ngoài của nhóm DN FDI, còn xuất hiện hiện tượng chuyển giá, chuyển lợi nhuận ngược (từ nước ngoài về Việt Nam) của một bộ phận DN có vốn FDI trong nước được hưởng ưu đãi lớn về thuế suất thuế thu nhập DN và thời gian miễn thuế, giảm thuế thu nhập DN.
"Điều này thể hiện qua số liệu về tỉ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân của DN có vốn FDI trong một số ngành, qua các năm luôn duy trì ở mức rất cao, như linh kiện điện tử, máy vi tính, thiết bị ngoại vi, viễn thông, phần mềm (ROE trên 30%)”.
Nghịch lý lỗ lũy kế, lỗ mất vốn vẫn mở rộng đầu tư
Bà Lan Anh khẳng định ngoài đóng góp lớn của các DN FDI, một số DN hoạt động tại Việt Nam trong thời gian dài, thậm chí tới 20 năm và lỗ cũng rất dài, lỗ đến mất vốn đầu tư mà vẫn mở rộng kinh doanh. Các DN này thực chất không có đóng góp đáng kể nào cho ngân sách nhà nước.
TS. Nguyễn Minh Phong, Phó Ban Tuyên truyền lý luận báo Nhân Dân thẳng thắn: “Tại sao chúng ta không có cách thức để giảm số lỗ trên, tăng thu ngân sách, thay vì chúng ta làm tất cả các điều khác. Dường như ngành thuế đang chọn chỗ nào đó dễ, một số nào đó chuyển giá khó thì tránh xa. Tăng đầu tư và tăng lỗ liên tiếp, thậm chí có những DN nằm trong 500 DN lớn nhất thế giới cũng như vậy. Phải chăng đây là một cái cười nhạo của FDI đối với ngành thuế”.
“6 tháng đầu năm 2018 có một xu hướng cực kỳ nghiêm trọng. Đó là tỉ lệ FDI vào bất động sản cao nhất cả nước trong tổng số FDI thu hút mới, chiếm 42% thuế thu nhập. Tốc độ tăng thu ngân sách chỉ tăng 14% từ các DN FDI trong khi tốc độ tăng doanh thu của họ trên 30%”, ông Phong nói.
Ông Phong cũng nhấn mạnh thêm nghịch lý về xu hướng chuyển giá công khai ở nhóm các DN có ưu đãi FDI, trong khi ngành thuế không có báo cáo thống kê xem tổng DN kêu lỗ trong ngành nào là nhiều nhất và DN kêu lỗ được hay không được hưởng ưu đãi, tổng số thất thu ngân sách và tổng số thất thoát ngân sách là bao nhiêu.
“Tôi bất ngờ trước con số ROE trên 30% của Samsung mà đại diện Cục Tài chính Doanh nghiệp đưa ra. Tỉ suất này ngành thuế có biết không, có bất ngờ không và có nằm trong thỏa thuận mà mình cấp cho họ gói ưu đãi tổng cộng đó không? Đó là chưa kể sắp tới, Samsung sẽ đưa vào Việt Nam mấy chục DN FDI sản xuất hỗ trợ cho mình. Tại sao không phải là DN Việt Nam?”, ông Phong đặt câu hỏi.
Chống chuyển giá cần coi là loại hình kinh doanh có lợi
“Chúng tôi cho rằng, đã đến lúc phải coi chống chuyển giá là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên số 1 của ngành thuế. Và phải tập trung đầu tư nó như một loại hình kinh doanh có lợi. Chúng ta đầu tư vào đây 100 triệu USD để có thể thu được 1 tỷ USD. Cần đầu tư tài chính, con người, thậm chí thuê chuyên gia giỏi, hướng về hiệu quả thay vì lợi ích và thời gian. Đã đến lúc phải đổi mới chính sách thuế theo hướng giảm bớt đi sự đơn giản, tràn lan, cảm tính và nặng về kỳ vọng cũng như giảm đi nhiều kẽ hở để chuyển sang một chính sách thuế thông minh, hiệu quả hơn, hài hòa lợi ích hơn”, ông Phong khuyến nghị.
Nhà nước cần đặt vị thế của Việt Nam với DN FDI trong thế cân bằng hơn là ý kiến của PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tại Hội thảo.
Đóng góp cho Việt Nam trong quá trình chống chuyển giá, ông Thomas McClelland, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Thuế Deloitte Việt Nam, Chủ nhiệm Tiểu ban Thuế của Phòng Thương mại châu Âu (Eurocham) tại Việt Nam chỉ rõ nói đến giá chuyển nhượng không chỉ nói về tỉ suất lợi nhuận và phân tích so sánh và còn phải xem xét đến thực tế kinh doanh của DN.
"Sử dụng duy nhất một phương pháp xác định giá thị trường (phương pháp CPM) và việc điều chỉnh sau đó dựa trên một cơ sở dữ liệu “bí mật” nên được thay đổi. Các DN đã tuân thủ đầy đủ các quy định nên được có cơ hội giải trình”, ông Thomas đề xuất.