Mỹ cấm vận Huawei, WeChat, TikTok: Liệu Trung Quốc có trả đũa Apple, Qualcomm?
Trước hàng loạt các lệnh cấm của Mỹ đối với công ty công nghệ Trung Quốc, Bộ Thương mại Trung Quốc đã phản đối gay gắt và cho biết bắt đầu đáp trả?
Trong thời gian qua, những lệnh cấm hoặc hạn chế của Chính phủ Donald Trump lên hàng loạt công ty công nghệ Trung Quốc (Huawei, ZTE, ByteDance, Tencent,...) là tâm điểm của cuộc chiến tranh thương mại Trung - Mỹ. Còn bên Bắc Kinh liên tục phủ nhận mọi cáo buộc các công ty công nghệ làm “sân sau” cho chính quyền - lý do chính khiến Mỹ ban hành các sắc lệnh cấm.
Vào ngày hôm nay 20/9, siêu ứng dụng lớn hàng đầu Trung Quốc WeChat (của Tencent) chính thức bị gỡ khỏi cửa hàng App Store và Google Play ở Mỹ. Trước đó 5 ngày (15/9), Huawei bị cấm giao dịch với mọi doanh nghiệp dùng công nghệ Mỹ toàn cầu. Công ty sản xuất chất bán dẫn SMIC cũng đang bị xem xét.
Bộ Thương mại Trung Quốc vào ngày hôm qua 19/9 đã ra tuyên bố gay gắt yêu cầu Mỹ từ bỏ việc bắt nạt, dừng lại các hành động vô lý và duy trì những quy định, trật tự quốc tế công bằng, minh bạch. Nếu Mỹ vẫn nhất quyết làm theo ý họ, Trung Quốc sẽ có các hành động đáp trả để bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của công ty Trung Quốc.
Theo trang Thepaper.cn, người phát ngôn của Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định Mỹ đã nhiều lần sử dụng tới 'lực lượng quốc gia' để 'vây bắt' và đàn áp 2 công ty này của Trung Quốc (Tencent và ByteDance). Hành động của Nhà trắng cản trở nghiêm trọng hoạt động kinh doanh của các công ty Trung Quốc, đồng thời hủy hoại lòng tin của các nhà đầu tư quốc tế vào môi trường đầu tư.
Trước việc TikTok và WeChat bị gỡ, Bộ Thương mại Trung Quốc đã ra phản ứng với Mỹ
Trên Thời Báo Hoàn Cầu, giáo sư Lý Hải Đông - giảng viên Học viện Ngoại giao Trung Quốc đưa ra ý kiến rằng ứng dụng WeChat hay TikTok không phải mục tiêu của Mỹ. Thực chất là Mỹ lo ngại sự phát triển về công nghệ cao của Trung Quốc nên tìm cách kìm chân từ bây giờ.
Cụ thể những đòn đáp trả Bắc Kinh đưa ra là gì vẫn chưa rõ. Nhưng ngay trong ngày 19/9, Bộ Thương mại Trung Quốc đã đưa ra một quy định mới, áp dụng với "danh sách những thực thể không đáng tin" (UEL). Mục tiêu nhắm đến của quy định mới là các công ty nước ngoài, tổ chức và cá nhân khác đang đe dọa chủ quyền và an ninh quốc gia của Trung Quốc.
Theo Đài CGTN thuộc Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc, thực thể nằm trong danh sách UEL sẽ bị hạn chế hoặc cấm tham gia hoạt động xuất nhập khẩu liên quan đến Trung Quốc và đầu tư vào thị trường Trung Quốc, thậm chí bị cấm nhập cảnh.
Danh sách UEL chưa được công bố. Nhưng từ hồi tháng 5, Thời Báo Hoàn Cầu từng đưa tin các biện pháp mới chống trả của Trung Quốc dự định sẽ nhắm vào các công ty của Mỹ như Apple, Cisco Systems, Qualcomm…
Công ty nghìn tỷ USD Apple sẽ nằm trong danh sách cấm UEL của Trung Quốc?
Thực chất, 20/9 vốn cũng là thời hạn TikTok (của ByteDance) bị gỡ khỏi các cửa hàng ứng dụng. Tuy nhiên ngay trước khi lệnh cấm có hiệu lực, Nhà Trắng đã quyết định hoãn lại cho TikTok 1 tuần, đến hết 27/9 để ByteDance có thêm giời gian thống nhất hợp đồng hợp tác với Oracle và mới đây có thêm cả sự tham gia của Walmart.
Tổng thống Trump đã thể hiện sự ủng hộ đối với thỏa thuận này. Trả lời phóng viên hôm 19/9, ông cho biết: "Tôi bày tỏ sự ủng hộ với thỏa thuận. Tôi chấp thuận ý tưởng thực hiện thương vụ này. An ninh sẽ được bảo đảm 100%".
Trong suốt quá trình đàm phán, ByteDance đã có nhiều động thái để có thể “bám trụ” lại ở Mỹ như: thỏa thuận lập doanh nghiệp mới độc lập cho TikTok tại Mỹ với phần lớn ban giám đốc là người Mỹ, có bên giám sát thứ ba, đồng ý cho chính phủ Mỹ giám sát an ninh dữ liệu của ứng dụng tại Mỹ, cho phép Oracle xem mã nguồn thuật toán dù không thể bán lại do quy định mới của Trung Quốc, lập mục tiêu tạo ra 25.000 việc làm mới ở Mỹ,...
Nhưng kết quả cuối cùng của thương vụ này vẫn cần có sự đồng ý của bên Trung Quốc.
Kim Chi (tổng hợp tin nước ngoài)