Mỹ, EU có đạt được thỏa thuận ở lĩnh vực hàng công nghiệp phi tự động?

14:14 | 30/07/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Dù có nhiều tiến triển trong bàn thảo về quan hệ thương mại Mỹ-EU song thỏa thuận này không dễ gì đạt được do tồn tại nhiều hoài nghi từ các nước thành viên EU.

Mỹ, EU có đạt được thỏa thuận ở lĩnh vực hàng công nghiệp phi tự động? - ảnh 1
Sản phẩm thép cuộn tại một nhà máy ở Salzgitter, Đức. (Nguồn: EPA/TTXVN) 
Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow ngày 29/7 tuyên bố Mỹ có khả năng dỡ bỏ thuế đối với mặt hàng thép nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU) nếu thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và EU "đạt được một cách tốt đẹp”, TTXVN đưa tin.

Theo đó, phát biểu với kênh truyền hình CNN, cố vấn kinh tế Kudlow nêu rõ nếu thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và EU đạt được một cách tốt đẹp, nó sẽ bao gồm một số giai đoạn.

"Tôi nghĩ sẽ không còn thuế thép với EU. Tôi không nghĩ sẽ có thuế xe hơi. Tôi không muốn nói trước điều này, nhưng Tổng thống Donald Trump nêu rõ rằng... điều này đang được thảo luận”, ông Kudlow nhấn mạnh.

Cùng ngày, TTXVN cũng dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin phát biểu với kênh truyền hình Fox News về việc Washington mong muốn Liên minh châu Âu (EU) mở ra "nhiều cơ hội hơn nữa" cho nông dân và các mặt hàng nông nghiệp của Mỹ theo một phần thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và EU.

"Chúng tôi đã có những cuộc thảo luận cụ thể về nông nghiệp và cần phải phá vỡ những hàng rào về nông nghiệp cũng như mở ra nhiều cơ hội hơn nữa cho nông dân của chúng tôi”, ông Mnuchin nói. Đồng thời, ông cho rằng Mỹ và EU đã thảo luận cụ thể về mặt hàng đỗ tương và nhất trí sẽ xem xét những thị trường khác.

Động thái này được đưa ra khi trước đó, ngày 25/7, Tổng thống Trump đã thảo luận với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tại Washington để hướng tới đạt được một thỏa thuận "không thuế quan, không rào cản phi thuế quan và không trợ cấp ở lĩnh vực hàng công nghiệp phi tự động".

Tuy nhiên, thỏa thuận này không dễ gì đạt được do những quan điểm bất nhất từ phía EU những ngày gần đây.

TTXVN dẫn lời Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết hôm 26/7, các mức thuế do Mỹ áp đặt đối với mặt hàng nhôm, thép vẫn tiếp tục có hiệu lực khi các cuộc đàm phán với EU vẫn đang tiếp diễn.

Hoài nghi về một thỏa thuận thương mại giữa EU và Mỹ không dễ gì xóa bỏ trong suy nghĩ của Pháp và Tây Ban Nha. Trong chuyến thăm chính thức đầu tiên đến Tây Ban Nha ngày 26/7, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố không ủng hộ một cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và EU vào thời điểm hiện nay. Ông nhấn mạnh "một cuộc đối thoại thương mại tốt chỉ có thể được thực hiện trong một mối quan hệ cân bằng và tương hỗ, không bị đe dọa trong mọi trường hợp."

Về phần mình, Thủ tướng Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez bày tỏ quan ngại về chủ nghĩa bảo hộ thương mại của Mỹ. Ông cho hay Tây Ban Nha sẽ bảo vệ chính sách nông nghiệp chung và nhấn mạnh quyết tâm của chính phủ trong việc hỗ trợ xuất khẩu nông sản của Tây Ban Nha. Ông nêu rõ: "Chúng tôi không muốn bất kỳ cuộc chiến thương mại nào, nhưng các mục tiêu mà EU đã hoàn thành cần được bảo vệ."

Thủ tướng Sanchez cũng lưu ý rằng tất cả các thỏa thuận do Ủy ban châu Âu đàm phán phải được Nghị viện châu Âu và tất cả các quốc gia thành viên chấp thuận trước khi đưa vào thực hiện.

Pháp và Tây Ban Nha đều từ chối giảm tiêu chuẩn lao động, y tế hoặc môi trường để đạt được thỏa thuận với Mỹ. Tổng thống Macron lập luận rằng không thể yêu cầu các nhà công nghiệp hoặc nông dân trong nước chuyển sang mô hình bền vững "trong khi ký các thỏa thuận thương mại không tôn trọng các tiêu chuẩn đó."

Ông Sanchez cũng kêu gọi Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra "những động thái rõ ràng" rằng Mỹ sẽ rút thuế nhập khẩu đối với thép và nhôm của EU.