Mỹ: Hàng loạt ông lớn chuẩn bị tăng giá các mặt hàng để bù đắp chi phí
Coca-Cola cho biết, hãng này cùng với một số công ty tiêu dùng lớn như Kimberly-Clark và J.M. Smucker tiến hành tăng giá bán.
Thời đại dịch COVID-19 cũng khiến nhiều gã khổng lồ hàng tiêu dùng có quyền hơn với giá bán ra vì người tiêu dùng đặt niềm tin vào những nhãn hàng lớn và có ít tiền hơn nên muốn tiền được chi tiêu hiệu quả, chất lượng.
Ngoài những công ty nói trên, nhiều công ty khác cũng đang dần phải bảo đảm doanh thu và lợi nhuận trong bối cảnh giá nguyên vật liệu tăng mạnh.
Nguồn cung thấp là một lý do khiến các công ty có thể tăng giá và người tiêu dùng vẫn phải chấp nhận
Đại dịch và giãn cách đã dẫn đến bùng nổ nhu cầu tiêu thụ những mặt hàng thiết yếu như giấy vệ sinh, bơ đậu phộng đóng hộp. Hiệp hội Thương hiệu Tiêu dùng cho biết, doanh số bán hàng hóa đóng gói đã tăng 9,4% lên 1,53 nghìn tỷ trong năm 2020. Nhiều nhà sản xuất không đổ tiền vào quảng cáo và marketing vì họ còn dồn lực để sản xuất hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường, nhanh chóng giành được nhiều thị phần mà không cần marketing nhiều như trước.
Theo nhà kinh tế trưởng James Knightley của Ngân hàng ING, giá tiêu dùng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới và tới tháng 5 có thể tăng gần 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số giá tiêu dùng tăng 2,6% trong tháng 3 so với cùng kỳ năm ngoái.
Chuyên gia James Knightley cho biết, nguồn cung thấp là một lý do khiến các công ty có thể tăng giá và người tiêu dùng vẫn phải chấp nhận. Kết quả khảo sát mới nhất của Viện quản lý nguồn cung hàng hóa cho thấy: 40% nhà sản xuất báo cáo hàng tồn kho ở mức quá thấp.
Phil Lempert, chuyên gia phân tích ngành công nghệ thực phẩm cho biết, có nhiều yếu tố dẫn đến chi phí sản xuất hàng hóa tăng, từ các công đoạn sản xuất, sơ chế, đóng gói... Các cảng hàng hóa tắc nghẽn, thiếu hụt tài xế lái xe chở hàng, nhân viên ngành thực phẩm làm việc vẫn phải đảm bảo giãn cách xã hội. Vì vậy, rất khó đáp ứng được nhu cầu và vận chuyển hàng hóa đi khắp thế giới, từ ngũ cốc đến pho mát.
Đôi khi người tiêu dùng khó nhận ra món hàng họ mua đã được tăng giá. Một phương pháp tế nhị mà nhà sản xuất áp dụng là đóng gói bao bì mới, sử dụng loại hộp, bao, gói... nhỏ hơn và giá vẫn giữ nguyên nên thực tế là đắt hơn trước. Hoặc chạy các chương trình khuyến mãi giảm giá đến khi người tiêu dùng quen với giá niêm yết cao hơn trước.
Thu Thắm
Xem thêm: Reuters: Dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng trung bình 6,2% trong năm nay